Thi công ẩu gây tai nạn, có thể ở tù

CQĐT có thể xác định lỗi của những cá nhân thiếu trách nhiệm, làm ẩu, sai quy tắc an toàn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Việc khởi tố không phụ thuộc phía người bị hại có đơn tố cáo hay không.

Sáng 18/12, anh Lư Hiệp Hưng (26 tuổi, bị khiếm thị) đi bộ trên lề đường Ngô Gia Tự (TP Nha Trang,  tỉnh Khánh Hòa) thì rơi xuống hố ga dẫn đến đa chấn thương.

Hố ga 3 không

Hố ga nói trên sâu gần 2 m, bên trong có 4 thanh sắt lòi ra nhưng không nắp đậy, không rào chắn, không biển cảnh báo. Theo người dân nơi đây, hố ga này được đơn vị thi công làm xong cách đây gần 1 tuần và đêm trước đã có 1 học sinh đi xe đạp bị ô tô ép ngã vào hố ga  này khiến bị thương nhẹ.

Hố ga nói trên là hố đấu nối cáp quang của dự án ngầm hóa cáp viễn thông thuộc chi nhánh Viettel Khánh Hòa, do Công ty Hưng Phát và Công ty Việt Anh thi công. Hai công ty này từng bị phạt vì thi công không đúng cam kết như để vật liệu tràn ra đường gây ảnh hưởng giao thông.

Thi công ẩu gây tai nạn, có thể ở tù - 1

Hố ga trên đường Ngô Gia Tự (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) không rào chắn, nắp đậy, biển báo gây tai nạn cho người đi đường. Ảnh: Internet

Những tai nạn thương tâm do lọt hố ga, vướng nắp hố ga hoặc những tai nạn tại các hố công trình đang thi công không được dựng rào chắn hay biển báo... từng xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc trong nhân dân và dư luận báo chí đã lên tiếng nhiều nhưng rồi năm nào cũng có những tai nạn tương tự làm chết và bị thương nhiều người.

Luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết trong những vụ việc này, nếu các miệng hố, cống nguy hiểm xuất hiện trong thời điểm tại đó có công trình đang thi công thì nhà thầu chịu hoàn toàn trách nhiệm. Nếu công trình đã hoàn tất nhưng chưa nghiệm thu, nhà thầu vẫn chịu trách nhiệm, còn đã nghiệm thu, trách nhiệm lúc này thuộc về chủ đầu tư.

Cá nhân chịu trách nhiệm

Theo luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 22, trong đó quy định công trường phải có biển báo và rào chắn báo hiệu nguy hiểm. Trường hợp công trình thiếu các biện pháp bảo đảm an toàn và gây chết người thì có thể khởi tố theo điều 227 Bộ Luật Hình sự (BLHS) về tội “Vi phạm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, an toàn ở những nơi đông người”. Nếu đặt trái phép chướng ngại vật, dựng “lô cốt”, tạo lỗ đào sâu, hố ga... trên đường trong quá trình thi công, tu bổ đường sá, hầm cống, cá nhân có thể bị quy trách nhiệm về tội “Cản trở giao thông đường bộ” (điều 203 BLHS). Trường hợp công trình đã hoàn thành, nghiệm thu và bàn giao cho chủ đầu tư, tai nạn xảy ra thì các cá nhân có thể chịu trách nhiệm pháp lý về tội “Vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông” (điều 220 BLHS). Ngoài ra, có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về các tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (điều 285 BLHS) và “Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” (điều 109 BLHS)...

Tuy vậy, luật không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân (tổ chức) mà chỉ cá nhân (con người cụ thể), trong khi việc phát hiện cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp không dễ bởi nhiều cơ quan khi phân công không có sự phân chia trách nhiệm rõ ràng.

Về vấn đề này, một kiểm sát viên VKSND TP HCM cho rằng CQĐT vẫn có thể xác định lỗi của những cán bộ quản lý, công nhân nếu họ thiếu trách nhiệm, làm ẩu, sai quy tắc an toàn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Việc khởi tố không phụ thuộc phía người bị hại có đơn tố cáo hay không. Điển hình vào tháng 7/2012, CQĐT huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã quyết định khởi tố bị can đối với 2 kỹ sư tham gia thi công công trình mở rộng Quốc lộ 51 (công trình cầu Nước Trong, đoạn thuộc địa bàn huyện Long Thành) về các tội “Cản trở giao thông đường bộ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (3 người chết). Trước đó, tháng 4/2011, Công an huyện Long Thành ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam một cán bộ kỹ thuật an toàn lao động và đội trưởng đội thi công xây dựng Quốc lộ 51 (đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Hai cán bộ này đã có những sai phạm trong quá trình thi công dẫn đến vụ tai nạn giao thông làm một thiếu nữ chết thảm.

Những hành vi thi công ẩu bị xử lý hình sự

Theo Thông tư 09/2013 do liên bộ Công an, Quốc phòng, Tư pháp, VKSND Tối cao, TAND Tối cao ký (có hiệu lực từ ngày 6/11/2013), hành vi vi phạm các quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không quy định tại khoản 1, điều 220 BLHS là một trong các hành vi sau:

1- Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về duy tu, bảo dưỡng, quản lý để công trình giao thông không bảo đảm trạng thái an toàn kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình (như: không bảo đảm hệ thống cọc tiêu, biển báo, biển chỉ dẫn, biểu hiệu…) liên quan đến bảo đảm an toàn giao thông; 2- Không xử lý kịp thời đối với các công trình giao thông bị hư hỏng, đe dọa an toàn giao thông; 3- Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các biện pháp hướng dẫn, điều khiển giao thông đặt biển hiệu, cọc tiêu, rào chắn… ngăn ngừa tai nạn khi công trình giao thông đã bị hư hại chưa kịp hoặc đang tiến hành duy tu, sửa chữa; 4- Không thường xuyên kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trên đoạn đường đèo dốc nguy hiểm, đoạn đường có đá lở, đất sụt, nước ngập hoặc trên các đoạn đường có nguy cơ không bảo đảm an toàn giao thông; 5- Không có biện pháp xử lý kịp thời và biện pháp ngăn ngừa tai nạn khi phát hiện hoặc được tin báo công trình giao thông thuộc thẩm quyền quản lý của mình bị hư hỏng; 6- Các vi phạm khác về duy tu, bảo dưỡng, quản lý công trình giao thông như không đặt hoặc đặt không đủ các tín hiệu phòng vệ theo quy định thi công, sửa chữa công trình giao thông; không thu dọn, thanh thải các biển phòng vệ, rào chắn, phương tiện, các vật liệu khi thi công xong và các hành vi tương tự khác.

T.Kha

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huỳnh Hiếu (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN