Theo chân người đàn ông 14 năm cặm cụi quét rác mưu sinh trên phố Hà Nội
Cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng người đàn ông ấy vẫn hằng ngày cặm cụi với công việc thu gom rác thải, đó là nguồn sống của gia đình và cũng là nguồn thu nhập để ông trang trải tiền khám bệnh.
Suốt 14 năm qua, nhiều người dân sinh sống ở ngõ 102 Trường Chinh nối ra đường Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội) đã quen với hình ảnh người đàn ông cứ chiều đến là đi gõ kẻng thu gom rác. Đó là hình ảnh của anh Phạm Quang Thanh (SN 1968, quê quán Nam Định).
Anh Thanh lên Hà Nội hơn 20 năm nay. Ban đầu anh đi làm cửu vạn, bốc vác thuê. Sau đó anh đi thu gom rác hợp đồng rồi được nhận vào làm nhân viên của Công ty TNHH MTV Môi trường và Đô thị Hà Nội chi nhánh Đống Đa.
Anh thuê một căn hộ tập thể ở trong ngõ 102 Trường Chinh để thuận tiện cho việc đi làm. Theo lịch, ca làm việc của anh thường bắt đầu vào 17h chiều và kết thúc vào 1h sáng hôm sau. Thế nhưng, vì có một mình nên anh Thanh thường đi làm sớm.
Thông thường cứ khoảng 16h chiều là anh Thanh rời khỏi nhà. Anh chia sẻ: “Khối lượng rác nhiều, đi làm sớm vừa làm vừa nghỉ cho đỡ mệt. Công việc thế rồi, chẳng ai hộ mình được”.
Trung bình mỗi ngày, anh Thanh thu gom được khoảng 10 xe rác. Nếu là những ngày nghỉ lễ, tết, khối lượng rác có khi tăng lên gấp 3, gấp 4.
Chẳng ai có hỗ trợ, việc nhiều thì anh phải làm đến khi nào hết rác thì thôi chứ ca kíp không phụ thuộc vào thời gian như quy định.
Anh Thanh có một nỗi khổ riêng, hễ anh cứ bê vác nặng là ho ra máu tươi. Đã không ít lần anh phải tạm dừng công việc giữa chừng do máu cứ tuôn ra.
Năm 2005, 2012, 2018 mỗi năm anh bị một lần. Lần gần nhất là anh bị thổ huyết là tháng 3/2021. Anh phải nghỉ mất hơn 20 ngày
Anh chia sẻ: “Tôi đi khám, bác sĩ bảo bị giãn phế quản thôi chứ không sao, tránh làm việc nặng là được. Thế nhưng công việc thu gom rác nhiều khi vất vả, cố một tý không may bị thổ huyết ngay”.
Công việc của anh Thanh chia làm 2 ca. Từ chiều đến khoảng 20h tối, anh thu gom rác thải sinh hoạt, sau đó sẽ có một xe cẩu đến cẩu rác đợt 1 đi.
Nhà gần, anh tranh thủ về nghỉ ngơi một lát và ăn cơm cùng gia đình, chơi cùng các cháu. Sau đó, anh lại vào ca 2, tiếp tục đi thu gom rác thải sinh hoạt và rác người dân để trên vệ đường.
Ngày nắng cũng như ngày mưa, anh Thanh miệt mài làm việc để giữ gìn môi trường sống sạch sẽ cho những người dân sống ở nơi mình phụ trách.
Anh tâm sự, buồn nhất của nghề quét rác là ngày lễ, ngày Tết người ta được đi chơi, về quê với gia đình, người thân thì anh lại phải làm việc.
Quãng thời gian 14 năm làm nghề quét rác, chỉ 3 năm anh Thanh về đón giao thừa cùng với gia đình. Mỗi lần cũng chỉ được 1-2 ngày rồi anh lại lên Hà Nội để tiếp tục công việc.
May mắn là anh Thanh có người vợ hiểu và đồng cam cộng khổ cùng chồng. Vợ anh, chị Vũ Thị Xuân hằng ngày đi trông cháu nội, tối về chị lại ra giúp đỡ chồng thu dọn rác.
Chị cùng chồng tranh thu nhặt riêng những bìa carton hay phế liệu tái sử dụng được để bán đồng nát, kiếm thêm thu nhập. Lương tháng của anh Thanh nếu đi làm đầy đủ, cộng cả phụ cấp ăn uống và độc hại dao động trong khoảng 6-7 triệu đồng.
Ca làm việc của anh Thanh thường kết thúc vào lúc 1-2h sáng tuỳ thuộc vào xe cẩu rác. Thời điểm anh về nhà, phố phường đã chìm trong bóng tối, mọi người đã yên giấc nồng. Bước chân anh lặng lẽ để không đánh thức giấc ngủ của vợ còn cùng các cháu.
Nguồn: [Link nguồn]