Theo chân dị nhân đi săn ong rừng và những bí mật trong nghề chưa từng tiết lộ
Đối với dị nhân “vua ong” Bùi Duy Nhất, có những thời điểm anh cùng bạn bè đi săn ong khắp các cánh rừng tại vùng Tây Bắc. Những chuyến đi này ngắn thì trong ngày, dài thì hơn 3 ngày.
Một số thành viên trong đội săn ong rừng của “vua ong” Bùi Duy Nhất.
Theo chân dị nhân đi săn ong rừng
Từ trung tâm TP.Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, đi về hướng cửa khẩu quốc tế Tây Trang khoảng 15 km, sau đó rẽ vào đường DT 130 đi khoảng 9 km nữa sẽ đến xã Núa Ngam, huyện Điện Biên. Tại đây, có một người đàn ông đặc biệt với cái tên Bùi Duy Nhất (43 tuổi, trú bản Na Sang 1, xã Núa Ngam) mà người dân quanh vùng cũng như dân chuyên săn mật ong rừng gọi anh bằng biệt danh: dị nhân “vua ong”.
Theo dị nhân “vua ong”, anh cùng bạn bè thành lập hẳn một đội chuyên “săn” ong rừng khi vào mùa. Mùa ong rừng Tây Bắc thường kéo dài từ tháng 3 tới tháng 6 trong năm, đây cũng là thời điểm các loài hoa bắt đầu nở rộ, đàn ong kết thúc thời gian nghỉ đông để đi kiếm mật tích trữ.
“Những chuyến đi ngắn trong ngày thì đội săn ong của mình chủ yếu là tập hợp các anh em trai tráng trong bản cùng nhau vào những cánh rừng quanh huyện. Còn với những chuyến đi dài ngày, mình thường đi cùng đội chuyên săn ong là anh em, bạn bè ở khắp nơi quanh tỉnh Điện Biên và các tỉnh lân cận”, anh Nhất cho hay.
Tuy rằng thời điểm chúng tôi tìm đến anh là cuối tháng 11, đã hết mùa ong vì thời tiết đã chuyển lạnh thế nhưng anh Bùi Duy Nhất vẫn chẳng ngại ngần dẫn chúng tôi đi tìm một số tổ ong ở các cánh rừng quanh bản Na Sang 1. Theo anh Nhất, ong rừng ở Tây Bắc thường chia làm 4 loại gồm ong đá, ong ruồi, ong rú và ong khoái (ong bắp cày).
“Ong là một loài thù rất dai, nếu bị 1 con trong đàn thù thì cả đàn sẽ đuổi theo mình cắn cho đến khi tự chúng chết hết thì thôi. Nhiều khi trong lúc chơi ong, mình bị lỗi kĩ thuật mà chỉ trong vòng vài giây đã bị đốt đến 400 – 500 nhát. Cảm giác lúc ấy không hề dễ chịu chút nào. Mình quen bị ong đốt rồi mà còn khó chịu đựng được chứ chưa nói người bình thường ngẫu nhiên bị ong đốt”, anh Nhất nói trên đường dẫn chúng tôi đi tìm tổ ong.
Tiếp cận một tổ ong cách bản Na Sang 1 khoảng 500 mét trong một thân cây, anh Nhất trực tiếp dùng tay rẽ đàn ong ra để chúng tôi có thể nhìn kĩ hơn tổ ong ở bên trong. “Vua ong” cho hay những tổ ong rú, ong ruồi thường được làm từ bên trong các thân cây chứ không bám vào cành như các tổ ong khác. Đây cũng là loại mật được cho là tốt cho sức khỏe nhất trong nhiều loại mật ong rừng đang được bán trên thị trường.
“Cả một tổ ong này mỗi lần chỉ khai thác được lượng sáp bằng bắp ngô. Có nghĩa là phải nhiều lần khai thác mật thì mới được 1 chai mật ong dung tích khoảng 1 lít. Ong rừng vào những năm 90 có rất nhiều, nhưng những năm gần đây, người dân khai thác tràn lan sai cách nên đàn ong cũng bay đi nhiều.
Loại ong rú này thì chúng không đốt, tuy nhiên chúng tự vệ khi cảm thấy có nguy cơ đến tổ bằng cách bâu kín người và tiết ra chất dịch dính, không thể rửa sạch được trên quần áo và trên tóc, chỉ có cách là cắt toàn bộ tóc đi và bỏ bộ quần áo bị dịch dính vào”, anh Nhất nói.
Bàn tay bị hàng trăm vết ông đốt sau một lần “lỗi kỹ thuật” của dị nhân Bùi Duy Nhất.
Những bí mật trong nghề chưa từng hé lộ
Lần đầu tiết lộ về kỹ năng trong nghề chơi ong, anh Bùi Duy Nhất cho hay để có thể quan sát, tìm được tổ ong trong rừng thì cần phải có “mẹo nhìn”. Tức là khi vào rừng, muốn quan sát có ong hay không thì phải nhìn vào các điểm có bóng râm, ong bay qua sẽ dễ nhìn thấy hơn là quan sát ở các điểm nắng chiếu vào.
“Còn một cách nữa là dụ ong, mình thường bôi mật ong vào khăn mặt ẩm, sau đó vắt vào một cành cây và đứng từ xa quan sát. Khi ong ngửi thấy mùi mật, chúng sẽ tìm đến và lấy mật mang về tổ. Lúc này thì ong sẽ bay nối đuôi nhau như đường dây điện vậy, mình chỉ cần tìm theo hướng ong di chuyển là sẽ thấy tổ của chúng”, anh Nhất tiết lộ cách dụ ong.
Anh Bùi Duy Nhất tìm thấy tổ ong trong cánh rừng cách bản vài trăm mét.
Khi tìm thấy tổ ong, việc quan trọng nhất phải làm lúc này là “làm loạn” tổ ong lên. Thường thì cách làm loạn tốt nhất là… hun khói tổ ong. Khi đàn ong đã “say” khói, người săn ong có thể tiếp cận và lấy mật. Trong trường hợp muốn đàn ong tuân theo sự điều khiển của người “chơi” ong thì phải khống chế được ong chúa, tùy theo khả năng của người chơi, đàn ong sẽ tuân theo mệnh lệnh và di chuyển hoặc đậu vào một điểm theo chỉ định.
Tuy nhiên, “vua ong” cũng khuyến cáo mọi người không nên đến gần bất kỳ một đàn ong nào vì như đã nói bên trên, ong là một loài động vật thù… rất dai. Việc hàng trăm, hàng nghìn con ong tập trung vào đốt có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Nói về sức khỏe hiện tại sau gần 30 năm chơi ong của mình, dị nhân Bùi Duy Nhất cho biết hiện anh đang phải điều trị viêm cầu thận vì bị ong đốt quá nhiều lần. Đây là hệ quả sau nhiều lần “lỗi kỹ thuật” khiến đàn ong quay ngược lại đốt người điều khiển.
---------
Việc dị nhân “vua ong” Bùi Duy Nhất thường xuyên chơi đùa với đàn ong đã trở thành một hình ảnh quen thuộc tại bản Na Sang 1 nơi anh sinh sống. Thế nhưng với nhiều người dân, mỗi khi thấy hàng trăm con ong chơi đùa quanh người “vua ong” họ vẫn không khỏi rùng mình.
Mời quý độc giả đón đọc kỳ tiếp theo của loạt bài Dị nhân "vua ong" vào lúc 0h30 ngày 12/5/2020 trên mục Tin tức trong ngày.
Một cây gạo trong vườn nhà dân mỗi năm có hơn 40 tổ một ong rừng "khủng" treo trên các cành cây.
Nguồn: [Link nguồn]