Theo chân đại gia săn gỗ "phong thủy"

Sự kiện: Quảng Bình

“Nói thật với chú, không có loại gỗ phong thủy quý hiếm nào mà nhà anh không có, nhưng từ khi săn được khúc hương giáng thì hiệu quả rõ rệt, công việc làm ăn hanh thông, đêm nằm ngủ không mộng mị, sức khỏe tốt lên trông thấy. Nhà chú cũng nên có một khúc, anh có mối... ” - một đại gia chuyên chơi gỗ phong thủy ở TP Đồng Hới (Quảng Bình) nói về một loại gỗ đang được dân chơi gỗ săn tìm như báu vật ở vùng Phong Nha - Kẻ Bàng.

Theo chân đại gia săn gỗ "phong thủy" - 1

Sau những vụ lâm tặc khai thác gỗ sưa chấn động tại Phong Nha - Kẻ Bàng (ảnh lớn), giờ gỗ hương giáng là điểm ngắm (ảnh nhỏ)? Ảnh: PV.

Từ lời đồn trừ tà, ma...

Những ngôi làng nép mình dưới trùng điệp núi đá vôi vùng Phong Nha - Kẻ Bàng xác xơ, im lìm sau hai trận lũ vừa đi qua. Trong những liếp nhà nghèo nàn vẫn hằn in vết lũ, chỉ còn lại người già, phụ nữ và trẻ em.

Một cụ già ở thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, ngồi ở bậu cửa buồn rầu nói: Hai trận lũ vừa qua làm toàn bộ lợn gà, lúa má của gia đình bị cuốn đi sạch. Lũ vừa rút, người con trai của cụ lại tất tả vào rừng. “Dân ở đây bao đời nay nghề chính vẫn là rừng. Từ khi có di sản, du lịch rộ lên, nhưng mấy ai được vào làm du lịch mô chú, rừng vẫn là nguồn sống của nhiều gia đình trong vùng. Đúng là trời không triệt đường sống của ai. Cứ tưởng hết huê (gỗ sưa) là đói, ai ngờ Trung Quốc hắn lại ăn (mua) hương giáng, rứa là dân bầy tui lại có tiền đong gạo” - cụ già nói.

Theo chân đại gia săn gỗ "phong thủy" - 2

Gỗ hương giáng được các đầu nậu trong vùng thu mua để bán lại cho thương lái kiếm lời.

Theo ông cụ, cây hương giáng là một loại dây leo, có nhiều ở những vách núi đá vôi, mùi hương rất thơm. Nói là dây leo, nhưng thân cây rất lớn, có khi đến vài người ôm, uốn lượn ôm vào vách núi đá. Loại cây này, xưa nay chẳng có giá trị kinh tế, người dân trong vùng vẫn thường lấy về, đốt lên, xông trong nhà vào dịp cuối năm để trừ tà, ma, hy vọng một năm mới làm ăn phát đạt, sức khỏe dồi dào. Mấy tháng nay rộ lên việc Trung Quốc mua cây hương giáng, con trai ông và dân làng cũng kiếm được, cứ vào rừng vài ba ngày về là có tiền triệu.

Cách nhà cụ già không xa, chủ của một ngôi nhà mái bằng khá khang trang là một người đàn ông chừng 40 tuổi tên là H. Nhận ra vị đại gia là người quen, H. vồn vã mời chào: “Em vừa mới gom được hơn chục khúc hương giáng, đang nghĩ đến bác thì bác lại xuất hiện. Sướng nha, hôm nay bác tha hồ mà lựa”.

Cửa phòng hé mở, một mùi hương thơm ngào ngạt xông lên mũi. Hơn 10 khúc gỗ vàng ươm, sần sùi cao chừng khoảng 1m, đường kính từ 20cm đến 40cm, được xếp ngay ngắn ở góc phòng. H. giới thiệu: “Lô hàng ni khá độc, nhiều mú (u, cục, sần sùi), em phải mua giá gấp ba bình thường đó. Riêng lô ni, về muốn tạo dáng chi cũng được, nếu không thì để nguyên rứa mà trưng bày cũng ô kê”.

Theo H., đây là gỗ hương giáng, chỉ có ở vùng núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng. Khoảng vài tháng lại đây, thương lái các vùng về tìm mua, nói là xuất đi Trung Quốc, giá cứ lên vùn vụt. Từ chỗ vài trăm nghìn một khúc chừng 30kg, nay có thể lên đến chục triệu, nếu khúc gỗ đó có nhiều u cục. Thương lái lùng mua khá nhiều, nên những đầu nậu (thu gom) gỗ trong vùng phải đầu tư tiền trước cho các sơn tràng mới có cơ may gom được hàng để bán lại kiếm lời.

H. tiết lộ, vẫn chưa biết Trung Quốc mua để làm gì, nhưng người chơi gỗ Việt Nam cũng đã bắt đầu săn tìm loại gỗ này, nhiều nhất là những người đến từ Huế và Đà Nẵng. Mỗi người có một cách chơi gỗ, nhưng đa phần gỗ mua về được các nghệ nhân đẽo, gọt thành nhiều hình hài như ông Thần Tài, Phúc - Lộc - Thọ, hay cóc ngậm tiền... Tùy theo hình hài đẽo gọt, mà người chơi có thể đặt ở phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ hay cả trên bàn thờ. “Trừ ma, trừ tà đâu không biết, chứ trong nhà mà có một khúc hương giáng là ruồi muỗi, dán nhện chi cũng chạy hết. Thi thoảng ngửi mùi hương của nó cũng thấy sảng khoái trong người” - H. nói.

Theo chân đại gia săn gỗ "phong thủy" - 3

Gỗ hương giáng càng nhiều u, mú giá càng cao.

...Ồ ạt phá rừng

Rời làng Phong Nha, vị đại gia đưa tôi ngược đường Hồ Chí Minh lên xã Phúc Trạch. Có lẽ do xa trung tâm, nên các đầu nậu gỗ hương giáng ở đây không hề cảnh giác, thậm chí còn trưng bày gỗ thu mua được ngay thềm nhà để thu hút khách hàng. “Ai bắt bớ chi mà sợ anh! Loại ni trước đây là gỗ tạp, mới rộ lên mấy tháng nay nên kiểm lâm chưa để ý. Dân ùn ùn kéo nhau vào rừng, thương lái khắp nơi đổ về, mua mỗi lần cả xe ô tô nhưng đã có ai bị bắt đâu. Mấy anh mà mua một vài khúc về chơi, chẳng ai bắt đâu mà sợ” - một đầu nậu gỗ hương giáng ở xã Phúc Trạch nói.

Một sơn tràng tên T. vừa từ rừng ra chia sẻ, nhóm của anh 3 người, đi 2 ngày cũng mang về được 5 khúc hương giáng. Nếu bán cho đầu nậu trong vùng thì mỗi khúc cũng được trên dưới 1 triệu, còn may mắn gặp được thương lái từ nơi khác về mua trực tiếp giá cao hơn. T. kể: Hồi mới rộ lên ăn hương giáng, nhóm của anh chỉ cần đi nửa ngày là có hàng mang về. Nay càng ngày càng khó, có khi phải đi mất vài ba ngày mới được một chuyến. Gỗ hương giáng ở vùng đệm của Phong Nha - Kẻ Bàng bắt đầu cạn kiệt. Các nhóm lâm tặc đã bắt đầu chú ý đến vùng lõi, tuy nhiên kiểm lâm vườn kiểm soát gắt gao nên chưa thể đột nhập.

“Làm gỗ hương giáng khỏe hơn gỗ tạp (gỗ làm nhà như lim, sến, táu...) nhiều, vừa nhẹ nhàng, vừa bán được giá, chỉ cần vài chục cân là có tiền triệu. Chứ đi gỗ tạp, cả sức người, sức trâu kết hợp, có khi mất cả tuần chỉ được vài trăm nghìn. Giờ dân ở đây họ bỏ đi gỗ tạp để quay sang săn lùng gỗ hương giáng cả rồi. Anh không tin, ở đây anh vô nhà nào cũng có vài khúc hương giáng cho mà coi” - T. tiết lộ.

Khi chúng tôi đề cập đến câu chuyện phá rừng, một đầu nậu gỗ hương giáng ở xã Phúc Trạch phân bua: “Phá rừng là có tội, phá rừng di sản tội còn nặng hơn, điều đó ai cũng biết. Nhưng dân đói thì biết mần răng? Họ không vô rừng là không có gạo để ăn, con cái không có sách vở để đến trường. Không biết Trung Quốc có ăn loại ni lâu dài hay không, nếu được giá thì hết vùng đệm thì vô vùng lõi thôi. Như huê (sưa) ngày xưa đó, Phong Nha - Kẻ Bàng được mệnh danh là vương quốc của huê cổ thụ, nhưng giờ thì cả vùng đệm, vùng lõi không còn một cái rễ để mà nhìn ngắm nữa rồi. Lỗi ni không phải của dân mà cũng không phải của vườn quốc gia, mà lỗi là do nghèo đói mà ra cả”.

Ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng xác nhận: Có hiện tượng thương lái thu mua gỗ hương giáng, nói là bán đi Trung Quốc làm đồ phong thủy. Hiện nay các khu vực vùng đệm đang bị xâm hại do người dân săn tìm gỗ hương giáng, vùng lõi vẫn đang an toàn. Vườn cũng đã tăng cường lực lượng kiểm lâm chốt chặn ở những khu vực có gỗ hương giáng để phòng ngừa, đồng thời gửi công văn lên Chi cục Kiểm lâm tỉnh báo cáo tình hình và đề xuất phương án phối hợp ngăn chặn.

“Gỗ hương giáng chưa được phân loại, nên chưa xác định nhóm, phân bố nhiều ở vùng núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng. Gỗ này có lõi màu đen, nhiều vân, vỏ màu vàng có nhiều u, mú. Lâu nay loại gỗ này người dân bản địa không dùng để làm mộc mà chỉ đốt để xông nhà vì có mùi rất thơm. Theo anh em báo cáo, thương lái nói mua xuất đi Trung Quốc làm gỗ phong thủy gì đó. Nhưng tôi ra vùng Ba Đồn, Quảng Trạch... thấy nhiều nhà cũng bắt đầu chơi loại gỗ này”, ông Tịnh nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Nam (Tiền Phong)
Quảng Bình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN