Theo chân “bóng hồng xa lộ” chỉ điểm giao thông ở HN

Ngày ngày, người phụ nữ ấy một mình rong ruổi trên những cung đường thường xuyên xảy ra ùn tắc ở Hà Nội để ghi nhận tình hình giao thông, kết nối sớm nhất đến thính giả nghe đài. Chị được đồng nghiệp gọi với biệt danh trìu mến: “bóng hồng xa lộ”.

Tháng 8.2009, Kênh VOV giao thông Quốc gia (Đài Tiếng nói Việt Nam) được thành lập với nhiệm vụ cập nhật tình hình giao thông ở Hà Nội phát sóng trong các giờ cao điểm trên kênh radio FM 91Mhz.

Kể từ khi ra đời đến nay, Kênh VOV giao thông đã góp phần quan trọng vào việc giảm tải ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đằng sau những bản tin giờ cao điểm, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên... của đài phải làm những gì.

Để giúp bạn đọc có một cái nhìn rõ hơn về công việc của những người “chỉ điểm giao thông” ở Hà Nội, chúng tôi đã theo chân một phóng viên hiện trường của Kênh VOV giao thông Quốc gia ghi nhận công việc hằng ngày của họ.

Clip: Theo chân “bóng hồng xa lộ” chỉ điểm giao thông ở Hà Nội:

Theo chân “bóng hồng xa lộ” chỉ điểm giao thông ở HN - 1

Chị Trần Thị Huyền Vân hiện đang là một trong 20 phóng viên hiện trường của Phòng Phóng viên lưu động, Kênh VOV giao thông Quốc gia. Là phụ nữ nhưng chị lại lựa chọn làm phóng viên hiện trường vì lý do “ngồi một chỗ không chịu được”.

Theo chân “bóng hồng xa lộ” chỉ điểm giao thông ở HN - 2

Trong suốt 6 năm làm việc tại Kênh, chị luôn có mặt tại các cung đường thường xuyên xảy ra ùn tắc ở Hà Nội như đường Tố Hữu – Trung Văn, đường Kim Giang, cầu Lủ, cầu Tó, ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến... để ghi nhận tình hình giao thông vào các khung giờ cao điểm.

Theo chân “bóng hồng xa lộ” chỉ điểm giao thông ở HN - 3

Cung đường chị phụ trách kéo dài hơn 60km. Chị làm việc 3 ca mỗi ngày: buổi sáng từ 6h30-9h15, buổi trưa từ 10h30-12h, buổi chiều từ 16h15-19h. Dù mùa đông giá rét hay mùa hè nắng gắt, lịch làm việc vẫn không thay đổi.

Theo chân “bóng hồng xa lộ” chỉ điểm giao thông ở HN - 4

Tại mỗi điểm, chị quan sát tình hình giao thông rồi gọi điện báo về cho ê kíp trực tại đài. Nhiều khi đang lưu thông, chị phải dừng xe bên vệ đường để kết nối lên sóng trực tiếp đưa tin trong giờ cao điểm.

Theo chân “bóng hồng xa lộ” chỉ điểm giao thông ở HN - 5

“Ùn tắc phải báo về, không ùn tắc cũng vẫn phải đưa tin để thính giả nắm bắt được tình hình giao thông, từ đó lựa chọn được cung đường đi hợp lý nhất”, chị Huyền Vân cho biết.

Theo chân “bóng hồng xa lộ” chỉ điểm giao thông ở HN - 6

Chia sẻ về khó khăn khi làm nghề, chị Huyền Vân nói: “Phụ nữ hay nam giới làm nghề này đều gặp khó khăn giống nhau, đó là đều phải vượt qua những cung đường ùn tắc để đưa tin. Người ta cứ nghĩ rằng phụ nữ “chân yếu tay mềm” nhưng tôi đi nhiều thành quen nên không cảm nhận được sự khác biệt. Phụ nữ chỉ sợ ra đường ngày nắng hoặc khói bụi... nên tôi thường phải mang kính, khẩu trang, áo chống nắng... để đối phó với thời tiết”.

Theo chân “bóng hồng xa lộ” chỉ điểm giao thông ở HN - 7

Phóng viên hiện trường thường xuyên phải đi vào những điểm ùn tắc và ước chừng xem đi qua đó mất bao nhiêu thời gian. Thông tin sẽ được chuyển trên sóng để thính giả kịp thời điều chỉnh lộ trình giao thông cho thuận tiện.

Theo chân “bóng hồng xa lộ” chỉ điểm giao thông ở HN - 8

Nhiều khi để di chuyển nhanh nhất từ điểm ùn tắc này sang điểm ùn tắc khác, chị Huyền Vân phải luồn lách rất vất vả. Tuy nhiên, do thường xuyên đi lại, chị biết nhiều ngõ nhỏ, lối tắt nên việc di chuyển không gặp nhiều khó khăn.

Theo chân “bóng hồng xa lộ” chỉ điểm giao thông ở HN - 9

Khi tác nghiệp, chị Huyền Vân ghi nhận lại mọi tình huống giao thông trên cung đường mà mình phụ trách như ùn tắc hay không ùn tắc, va chạm giao thông, bùn đất rơi vãi trên đường, xe tải vi phạm...

Theo chân “bóng hồng xa lộ” chỉ điểm giao thông ở HN - 10

Điện thoại là phương tiện quan trọng để chị kết nối trực tiếp với ê kíp làm chương trình trên sóng VOV giao thông. Chị còn dùng điện thoại để làm tin hiện trường đẩy lên trang web của nhà đài.

Theo chân “bóng hồng xa lộ” chỉ điểm giao thông ở HN - 11

Trong quá trình tác nghiệp trên đường, chính bản thân chị Huyền Vân cũng không tránh khỏi những rủi ro. “Cách đây 2 năm, khi tôi đang tác nghiệp tại đường Kim Giang thì bị một chiếc xe 4 chỗ đi rước dâu đâm vào. Bị ngã, xe hỏng, chân đau... tôi phải nghỉ làm mất 10 ngày”, chị Huyền Vân nhớ lại.

Tuy nhiên, công việc cũng để lại cho chị nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Đó là những lời động viên của đồng nghiệp, của người dân và đặc biệt là được nhiều thính giả nhớ tên, gửi lời cảm ơn qua sóng chương trình.

Theo chân “bóng hồng xa lộ” chỉ điểm giao thông ở HN - 12

19h00 hằng ngày, chị Huyền Vân kết thúc công việc của mình. Tuy nhiên, nếu trên địa bàn chị phụ trách có sự việc xảy ra bất ngờ như tai nạn giao thông hay cháy, nổ... chị vẫn phải ra hiện trường dù bất kể thời gian nào.

____________________

Từ những thông tin mà phóng viên, cộng tác viên hiện trường cung cấp, làm thế nào để lên sóng FM 91Mhz thì chắc hẳn nhiều người còn chưa rõ.

Đón đọc kỳ tiếp theo Khám phá phòng thu đưa tin tắc đường ở Hà Nội vào 10h ngày mai (2.11)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang – Công Phương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN