SAU LOẠT PHÓNG SỰ "THẾ GIỚI TAXI RIÊNG Ở SÂN BAY TÂN SƠN NHẤT": Còn giao dịch "chóng vánh" trong nhà xe TCP
Sau loạt phóng sự của Báo Người Lao Động, hành khách đi taxi ở sân bay Tân Sơn Nhất đã "dễ thở" hơn nhưng vẫn còn những giao dịch "chóng vánh" bên trong nhà xe TCP
Trưa 21-2, lượng khách đổ về sân bay Tân Sơn Nhất khá đông, từng dòng người nối đuôi nhau rời ga quốc nội. Lúc này, phóng viên Báo Người Lao Động tiếp tục có mặt để ghi nhận tình hình sau loạt bài "Thế giới taxi riêng" ở sân bay Tân Sơn Nhất".
Cái "gai" vẫn gây nhức
"Lầu 3, làn D hả anh? Vâng, giờ em sang đó liền đây" - chị Mai Thị Hà (ngụ quận 3, TP HCM) trao đổi với tài xế taxi công nghệ. Chị Hà cho biết nhận hành lý ký gửi xong, gia đình chị đặt taxi công nghệ qua ứng dụng. "Chưa đến 1 phút, tôi đã đặt được xe. Rất nhanh" - chị Hà vui mừng nói và không quên cảm ơn Báo Người Lao Động đã lên tiếng về tình trạng lộn xộn của taxi trong sân bay.
Từ Tết Nguyên đán đến nay, đây là lần thứ 2 anh Ngô Văn Đức (ngụ quận Tân Phú, TP HCM) trở lại sân bay Tân Sơn Nhất. Khác với lần trước, lần này anh Đức đã thoát cảnh vật vờ đón taxi. "Hôm mùng 4 Tết, tôi không bắt được taxi công nghệ nên phải đi xe thông qua "cò". Hôm nay, vừa xuống sân bay đã đặt được taxi công nghệ. Tài xế hẹn rước tôi ở làn D1. Nhanh, gọn, lẹ lắm" - anh Đức chia sẻ và nhanh chân bước lên xe.
Nhóm người mời chào hành khách đi taxi tại lầu 3, làn D, tòa nhà TCP vào trưa 21-2 Ảnh: LÊ VĨNH
Theo ghi nhận, mặc dù lượng khách đến sân bay khá đông nhưng sân bay không bị rơi vào tình trạng đông đúc, quá tải. Tại các làn A, B, C, nhân viên an ninh sân bay liên tục điều phối, hướng dẫn người dân di chuyển đến vị trí bắt taxi. Chúng tôi cũng ghi nhận có lực lượng Thanh tra giao thông làm việc tại đây, nhiều tài xế vi phạm đã bị lực lượng này lập biên bản. Ngoài ra, vị trí bên ngoài sân bay cũng có nhiều lực lượng chức năng tuần tra, xử lý các phương tiện vi phạm.
Cứ nghĩ tình trạng bát nháo, lộn xộn ở sân bay Tân Sơn Nhất, đặc biệt là nhà xe TCP, đã hết. Thế nhưng, khi phóng viên lên lầu 3 (làn D) của nhà xe TCP thì mọi việc lại khác. Khi phóng viên vừa ngồi xuống chiếc ghế chờ, một người đàn ông đến hỏi: "Anh về đâu, tôi chở cho". Khi phóng viên trả lời muốn về Tân Bình, dường như người này chê quãng đường quá ngắn nên ngay lập tức quay mặt đi nơi khác.
Vài phút sau, 3 thanh niên với hành lý trên tay được một nhóm người đàn ông đã ngồi sẵn ở hàng ghế mời chào. Nhóm này cho biết muốn về đường Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức), một người đàn ông liền ra giá 300.000 đồng. "Đắt thế hả anh, có 10 cây (km - PV) mà" - một thanh niên thắc mắc. Người đàn ông kia tiếp tục thuyết phục: "Giờ kẹt xe lắm. Được không anh chạy xe tới?". Không đồng ý với giá tiền được đề nghị, 3 thanh niên này bỏ đi.
Vẫn ngồi ở vị trí cũ, sau 10 phút, phóng viên tiếp tục được một người đàn ông khác đến mời chào. Người đàn ông này thừa nhận mình là tài xế của một hãng xe công nghệ. Lần này, phóng viên nói muốn về nhà bạn ở chợ đầu mối Thủ Đức, thay vì về nhà trọ ở Tân Bình thì ngay lập tức người đàn ông này ra giá, với cam kết rẻ bất ngờ. Tuy nhiên, số tiền mà người đàn ông này tính vẫn cao hơn so với giá đặt trên aap vài chục ngàn đồng.
Người đàn ông nhận mình là tài xế taxi công nghệ mời chào hành khách tại khu vực lầu 3, tòa nhà TCP Ảnh: LÊ VĨNH
Trong khoảng thời gian hơn 30 phút ngồi tại lầu 3, phóng viên ghi nhận nhóm người này liên tục mời chào hành khách. Các đối tượng này không hoạt động rầm rộ mà chỉ ngồi sẵn hoặc lân la tại các hàng ghế chờ, khi thấy có người phù hợp liền bắt chuyện và "đặt vấn đề". Theo tìm hiểu của phóng viên, nhóm người này đa số là tài xế taxi công nghệ. Khi điện thoại báo có khách đặt xe, nhiều người tại đây liên tục bấm hủy chuyến vì "không nổ đơn to".
Sở GTVT TP HCM đưa ra 3 yêu cầu chính
Theo ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, để xảy ra tình trạng báo chí phản ánh thời gian qua, có nguyên nhân xuất phát từ việc tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý tình trạng chèo kéo, ép giá hành khách chưa quyết liệt. Một số trường hợp xảy ra trong nhà xe TCP nhưng chưa có sự phối hợp của Cảng vụ Hàng không miền Nam, Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất với đơn vị quản lý nhà xe để xử lý, chấn chỉnh... "Từ thực tế này, cần phải nhìn nhận việc tổ chức taxi, giao thông trong nhà xe TCP chưa ổn, có thể do cách quản lý, điều hành của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất hoặc giao kết hợp đồng chưa ổn. Do đó, chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn vào những gì chưa làm được, còn khuất tất để chấn chỉnh" - ông Võ Khánh Hưng nhấn mạnh.
Ông Hưng cho rằng là đơn vị quản lý nhà nước, Sở GTVT TP HCM đã cho làm ngay những việc liên quan đến trách nhiệm như tăng cường lực lượng Thanh tra giao thông kiểm tra hoạt động taxi, ôtô công nghệ tại khu vực ngoài sân bay cũng như các tuyến đường kết nối sân bay tại các làn A, B, C... Riêng đối với Cảng vụ Hàng không miền Nam, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất thì Sở GTVT TP đề xuất 3 yêu cầu chính.
Lực lượng Thanh tra giao thông làm việc với tài xế vi phạm tại sân bay Tân Sơn Nhất vào trưa 21-2 Ảnh: LÊ VĨNH
Đó là, đối với khu vực bên trong Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Sở GTVT đề nghị Cảng vụ Hàng không miền Nam và Cảng HKQT Tân Sơn Nhất tăng cường, quyết liệt hơn trong công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và phối hợp giải quyết các kiến nghị theo thẩm quyền. Ngoài ra, các đơn vị này phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra các sự việc mất an toàn, trật tự trong khu vực cảng hàng không; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác quản lý khi có sự việc phát sinh và báo cáo Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT giải quyết các khó khăn nếu vượt thẩm quyền.
Kế đến, đề nghị Cảng HKQT Tân Sơn Nhất rà soát, tăng cường diện tích bãi đỗ xe dừng chờ đón khách nhằm bảo đảm số lượng phương tiện đáp ứng nhu cầu sản lượng hành khách thông qua cảng; nghiên cứu tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ điều tiết giao thông trong cụm cảng.
Tiếp theo là tăng cường kiểm tra, giám sát những điều khoản đã ký kết với Công ty CP Đầu tư TCP, xem đơn vị này có thực hiện đúng hợp đồng nhượng quyền khai thác, hợp đồng dịch vụ với các đơn vị vận tải, với đơn vị quản lý đậu, giữ xe tại nhà xe TCP không. "Những đơn vị trên nếu vi phạm điều khoản hợp đồng thì xử lý, tránh tình trạng thiếu xe, tạo cơ hội cho cò xe hoạt động, bắt chẹt hành khách, ảnh hưởng hình ảnh của một trong những sân bay lớn nhất nước" - Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM Võ Khánh Hưng nhấn mạnh.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho xe buýt Theo ông Võ Khánh Hưng, hiện có 2 tuyến xe buýt hoạt động trong sân bay Tân Sơn Nhất là tuyến 152 (sân bay đi trung tâm thành phố) và tuyến 721 (sân bay đi Bà Rịa - Vũng Tàu). Ban đầu các tuyến được bố trí hoạt động tại ga quốc nội nhưng từ tháng 1-2020 chuyển sang ga quốc tế, cách xa gần 400 m do Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cho rằng ảnh hưởng an toàn giao thông, cắt dòng phương tiện. "Sau khi chuyển vị trí mới, theo báo cáo của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM, sản lượng khách sụt giảm khoảng 7-8 khách/chuyến, có thể do hành khách ngại mang hành lý đi một đoạn đường xa, bất tiện" - ông Võ Khánh Hưng thông tin. Ông Võ Khánh Hưng nói xe buýt đóng vai trò rất quan trọng để giải tỏa hành khách khi ùn ứ, giống như tại các bến xe dịp lễ, Tết, khi khách tăng đột biến, một lượng lớn xe buýt được Sở GTVT hỗ trợ giải tỏa nhanh. "Do đó, chúng tôi đề xuất Cảng HKQT Tân Sơn Nhất sắp xếp vị trí để các tuyến xe buýt trong sân bay thuận tiện đón khách tại ga quốc nội thay vì ga quốc tế. Nếu cắt dòng, xảy ra ùn ứ, chúng tôi sẽ cho dừng hoạt động ngay" - Phó Giám đốc Sở GTVT nhấn mạnh. Ông Võ Khánh Hưng thông tin thêm hiện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM đang khảo sát nhu cầu hành khách tại sân bay và sẽ làm việc với Cảng HKQT Tân Sơn Nhất để điều chỉnh tăng số chuyến xe buýt cho phù hợp thực tế. |
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chấn chỉnh nhiều hoạt động ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Nguồn: [Link nguồn]