Thế giới nô nức chuẩn bị đón năm mới 2015
Các thành phố trên toàn thế giới đang hoàn tất khâu chuẩn bị cuối cùng cho lễ đón giao thừa chào đón năm mới 2015 sắp diễn ra.
Năm 2014 sắp kết thúc, nhân loại trên toàn thế giới đã sẵn sàng để bỏ lại sau lưng quãng thời gian đầy biến động với những cuộc xung đột vũ trang đẫm máu, đại dịch Ebola và hàng loạt thảm họa hàng không để tạm biệt năm cũ, chào đón năm mới 2015 sắp gõ cửa.
Trên toàn cầu, mọi người đang cùng nhau quên đi những ảm đạm của năm cũ để tụ tập trên các bãi biển ở Brazil, Sydney, trên các đường phố ở Paris, Las Vegas... để chào đón năm mới với những màn pháo hoa rực rỡ và những bữa tiệc rộn ràng. Sau đây là không khí chào đón năm mới ở một số quốc gia trên thế giới.
Úc và New Zealand
Người dân Sydney luôn tự hào rằng đây là một trong những thành phố đầu tiên trên thế giới chào đón năm mới, và năm nay chính quyền thành phố sẽ tổ chức một lễ bắn pháo hoa đêm giao thừa hoành tráng và rực rỡ, khi lần đầu tiên loại pháo hoa hình cây cọ màu vàng và bạc được trình diễn.
Thành phố Sydney sẽ có màn bắn pháo hoa mừng năm mới hoành tráng
Hơn 1,5 triệu người sẽ tụ tập trên bờ biển dọc theo cảng Sydney để chứng kiến màn biểu diễn pháo hoa đặc sắc trên bầu trời Nhà hát Opera và cầu cảng Sydney cùng các điểm bắn pháo hoa khác.
Chính quyền thành phố đã tăng cường 3000 cảnh sát tuần tra liên tục trong lễ đón năm mới, sau khi Sydney vừa trải qua một thảm kịch bắt cóc con tin khiến 3 người thiệt mạng. Tuy nhiên, giới chức cũng khuyến khích người dân ra đường mừng năm mới như thường lệ và không nên quá lo sợ nguy cơ khủng bố.
Còn tại New Zealand, thời khắc đón năm mới sẽ được đếm ngược tại tòa tháp Sky Tower nổi tiếng ở Auckland, sau đó là một màn biểu diễn pháo hoa cực lớn từ trên đỉnh tháp. Thủ đô Wellington cũng tổ chức lễ đón năm mới trong công viên với các màn biểu diễn hòa nhạc và các đoạn clip ý nghĩa kết hợp với bắn pháo hoa. New Zealand sẽ đón năm mới trước Việt Nam khoảng 4 tiếng.
Trung Quốc và Nhật Bản
Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc sẽ tổ chức lễ đếm ngược đến năm mới tại Công viên Olympic, thể hiện quyết tâm đăng cai Olympic mùa đông 2022 của nước này. Trong buổi lễ này sẽ có sự xuất hiện của các vận động viên Olympic nổi tiếng như Zhao Hongbo, Yang Yang và nghệ sĩ piano Lang Lang.
Lễ đếm ngược đón năm mới sẽ diễn ra tại Công viên Olympic ở Bắc Kinh
Lễ đón năm mới cũng sẽ được tổ chức tưng bừng ở Zhang Jiakou, thành phố đồng tổ chức Olympic 2022, và tại chân Vạn lý trường thành ở phía tây bắc thủ đô Bắc Kinh.
Còn ở Nhật Bản, năm mới dương lịch được coi là kỳ nghỉ lễ lớn nhất, và các cửa hàng thường đóng cửa vào dịp này. Bởi vậy, ngay trong ngày hôm nay, người Nhật đã tất bật tới các cửa hàng, siêu thị để mua sắm và chuẩn bị cho tiệc mừng năm mới có tên gọi là “osechi ryori”.
Các thiếu nữ Nhật Bản trong trang phục truyền thống chào đón năm mới
Đúng nửa đêm nay, những chiếc chuông lớn tại các đền thờ Nhật Bản sẽ ngân lên 108 hồi nhằm xua đuổi quỷ dữ, chào đón năm mới theo quan niệm của đạo Phật. Các màn bắn pháo hoa và đốt lửa ăn mừng sẽ diễn ra trên khắp đất nước, trong khi hàng triệu người đổ tới các ngôi đền để cầu mong sức khỏe và hạnh phúc trong năm mới.
Brazil
Hơn 1 triệu người sẽ đổ tới các bãi biển cát vàng Copacabana ở Rio de Janeiro để chào đón năm mới trong tiếng nhạc sôi động cảu hàng chục nghệ sĩ và DJ tại 3 sân khấu cực lớn. Trong tiệc mừng năm mới, du khách và người dân địa phương thường tụ tập trên bãi biển cho đến khi bình minh để chứng kiến mặt trời mọc lần đầu tiên trong năm 2015.
Người dân Brazil có truyền thống đón năm mới ở bãi biển
Những màn pháo hoa rực rỡ được bắn lên từ các con tàu trên Đại Tây Dương sẽ thắp sáng bầu trời phía trên đầu hàng triệu người Brazil trong trang phục trắng tinh chào đón năm mới và cầu nguyện cho một năm 2015 bình yên, an lành.
Người Brazil có một phong tục đầu năm mới là quỳ gối đi ra phía biển và nhảy lên 7 ngọn sóng để cầu may mắn.
Mỹ
Thành phố New York của Mỹ sẽ thực hiện truyền thống thả quả cầu pha lê Waterford vào đúng giao thừa, một truyền thống đang ngày càng trở nên phổ biến trên khắp nước Mỹ.
Quả cầu pha lê Waterford ở quảng trường Thời Đại là một quả địa cầu có đường kính 3,6m, nặng gần 5,4 tấn, được từ từ thả từ trên nóc tòa tháp One Times Square xuống đúng vào khoảnh khắc giao thừa trong tiếng hò reo của những người chứng kiến.
Qủa cầu pha lê Warterford được thả xuống ở Quảng trường Thời đại đúng thời khắc giao thừa
Còn ở Miami, một ngọn đèn neon màu cam dài 10 mét sẽ được thắp sáng và thả xuống để chào đón năm mới. Thành phố Flagstaff ở Arizona thì thả một nón thông dài tới 2 mét từ nóc một khách sạn ở trung tâm vào đúng giao thừa. Thành phố Prescott cạnh đó cũng không chịu kém cạnh khi thả một chiếc ủng cao bồi dài 2 mét.
Trong khi đó, một số thành phố ở Mỹ lại đang phải đề cao cảnh giác trước các cuộc biểu tình có thể nổ ra vào dịp giao thừa để phản đối một số vụ cảnh sát bắn chết người da đen gần đây. Thị trưởng và cảnh sát trưởng Boston đã phải kêu gọi các nhà hoạt động hoãn kế hoạch biểu tình để cho người dân đón năm mới.