Thế giới lên án cuộc đảo chính của quân đội Thái Lan
Mỹ chỉ trích quyết liệt và đe dọa cắt khoản viện trợ 10 triệu USD cho Thái Lan sau đảo chính.
Ngày 23/5, nhiều nước trên thế giới, dẫn đầu là Mỹ đã bắt đầu lên tiếng chỉ trích cuộc đảo chính ở Thái Lan trong bối cảnh nước này vừa trải qua đêm đầu tiên trong lệnh giới nghiêm.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng “không có gì có thể biện hộ” cho cuộc đảo chính này, và Mỹ có thể đình chỉ gói viện trợ 10 triệu USD cho Thái Lan.
Pháp và Đức cũng lên án vụ đảo chính của quân đội Thái Lan lật đổ chính phủ dân bầu, trong khi Liên Hợp Quốc bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình Thái Lan.
Binh sĩ Thái Lan áp tải người biểu tình ra khỏi Bangkok sau đảo chính
Hôm thứ Năm, quân đội Thái Lan tuyên bố đình chỉ Hiến pháp, cấm người dân tụ tập đông người và tạm giữ lãnh đạo các đảng phái chính trị và cho rằng các mệnh lệnh này là cần thiết để vãn hồi hòa bình và trật tự.
Trước đó, Tư lệnh quân đội Thái Lan đã triệu tập tất cả các lãnh đạo đảng phái chính trị ở Thái Lan để đàm phán tìm cách tháo gỡ cuộc khủng hoảng hiện nay. Và chỉ một ngày sau đó, sau 2 vòng đàm phán không có kết quả, quân đội bất ngờ tuyên bố đảo chính.
Theo chuyên gia phân tích Jonah Fishier ở Bangkok, cuộc đảo chính của quân đội là kết cục mà những người biểu tình chống chính phủ mong muốn. Tuy nhiên ông Fishier nghi ngờ rằng cuộc họp trên là một “cái bẫy” do quân đội giăng ra để gom toàn bộ lãnh đạo chính trị các đảng phái về một chỗ trước khi đảo chính.
Phản ứng trước cuộc đảo chính này, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc bày tỏ “quan ngại sâu sắc” và hối thúc các bên ở Thái Lan “quay trở lại hoạt động theo hiến pháp của một xã hội dân sự, dân chủ”.
Ga tàu điện ngầm ở Bangkok vắng tanh sau giờ giới nghiêm
Trong khi đó, Ngoại trưởng Kerry tuyên bố: “Mặc dù chúng tôi đánh giá cao quan hệ hữu nghị lâu dài với Thái Lan, nhưng hành động đảo chính này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực cho quan hệ Mỹ-Thái, đặc biệt là quan hệ giữa chúng tôi với quân đội Thái Lan.”
Về phần mình, Anh hối thúc “tất cả các bên gạt bỏ bất đồng, hướng tới các giá trị của dân chủ và pháp trị.” Còn Tổng thống Pháp và Ngoại trưởng Đức thì mạnh mẽ lên án vụ đảo chính, trong khi Ngoại trưởng Nhật Bản coi hành động này của quân đội Thái Lan là “đáng tiếc”.
Người phát ngôn của Đại diện ngoại giao EU Catherine Ashton cho rằng Thái Lan cần phải tổ chức “bầu cử trung thực và toàn diện càng sớm càng tốt”. Singapore cũng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” với diễn biến tình hình ở Thái Lan.
Các thành viên phe Áo Đỏ bật khóc sau khi quân đội lật đổ chính phủ
Tại thủ đô Bangkok, tình hình yên tĩnh một cách bất thường sau vụ đảo chính, đặc biệt là sau khi quân đội áp dụng lệnh giới nghiêm. Các binh sĩ Thái Lan đã bắn chỉ thiên để giải tán những người thuộc phe “Áo Đỏ” ủng hộ chính phủ trong hòa bình và không có bạo lực xảy ra.
Quân đội Thái Lan kiểm duyệt chặt chẽ toàn bộ các đài truyền hình và đài phát thanh trên toàn quốc, buộc họ ngừng phát sóng các chương trình bình thường mà chỉ phát các thông báo ngắn do quân đội đưa ra. Các đài truyền hình nước ngoài như BBC, CNN và nhiều kênh khác đã ngừng phát sóng ở Thái Lan.
Kể từ năm 1932 đến nay, quân đội Thái Lan đã tổ chức ít nhất 12 cuộc đảo chính, và có vẻ như người dân Thái Lan cũng đã quá quen với các cuộc đảo chính như thế này. Anh trai của Thủ tướng Yingluck Shinawatra là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra cũng đã bị quân đội lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2006.