Thế bế tắc của Mỹ trong cuộc chiến chống IS

Nhiều quan chức cho rằng nhiệm vụ "tiêu diệt" phiến quân IS là nằm ngoài khả năng của nước Mỹ.

Mỹ và các đồng minh của mình giờ đây không thể thua trong cuộc chiến chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria, và những nỗ lực của họ ở Trung Đông cũng đang đạt nhiều tiến bộ.

Thế bế tắc của Mỹ trong cuộc chiến chống IS - 1

Mỹ tăng cường không kích xuống thị trấn Kobani

Tại Syria, lực lượng dân quân người Kurd tưởng như đã mất quyền kiểm soát thị trấn chiến lược Kobani vào tay IS cách đây 2 tuần giờ đây đã kiên cường cầm chân phiến quân nhờ những cuộc không kích dữ dội của liên quân và số vũ khí, đạn dược được Mỹ viện trợ khẩn cấp bằng dù hồi cuối tuần trước.

Tại nước láng giềng Iraq, quân đội nước này đã không còn tình trạng tháo chạy khỏi các căn cứ xung quanh Baghdad và thậm chí đã mở một số đợt phản công nhỏ ở ngoại ô thủ đô. Mặc dù họ chưa chiếm lại được nhiều lãnh thổ từ tay IS, nhưng ít nhất họ đã không còn rút chạy.

Còn trên mặt trận chính trị, chính quyền mới của Iraq cuối cùng cũng đã bổ nhiệm được một bộ trưởng quốc phòng người Sunni và bộ trưởng nội vụ người Shia sau một tháng bế tắc, và động thái này có thể sẽ giúp Baghdad bắt đầu xây dựng lại lực lượng vũ trang của mình có sức chiến đấu thực chất hơn.

Thế bế tắc của Mỹ trong cuộc chiến chống IS - 2

Quân đội Iraq đã không còn tháo chạy trước các cuộc tấn công của IS

Những diễn biến trên đã khiến một số quan chức chính quyền Obama cảm thấy đủ tự tin để thay đổi giọng điệu thận trọng thường thấy bằng một tuyên bố chiến thắng trước IS. Hồi tuần trước, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố: “Chiến lược này của chúng tôi đang thành công”.

Chỉ huy lực lượng Mỹ ở Trung Đông, tướng Lloyd Austin cũng tỏ ra tự tin: “Chúng tôi đang đạt được những hiệu quả mong muốn, nhưng điều đó phải mất chút thời gian”.

Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích thì lại cho rằng Mỹ đang lâm vào “thế bí” trong cuộc chiến chống lại IS ở Iraq và Syria

Theo ông Douglas Ollivant, chuyên gia phân tích tại Quỹ Hoa Kỳ Mới, dù hiện nay phiến quân IS không còn ào ạt mở các đợt tiến công và chiếm thêm lãnh thổ, nhưng điều dễ nhận thấy là chúng hầu như chưa mất một khu vực nào so với hồi tháng 9, khi IS áp sát vào thủ đô Baghdad.

Theo ông Ollivant, một trong những nguyên nhân khiến Mỹ lâm vào thế bí là do việc sử dụng hạn chế sức mạnh quân sự đối với phiến quân IS. Cho tới nay, Mỹ mới chỉ thực hiện 541 vụ không kích vào phiến quân IS, trung bình khoảng 7 lượt không kích một ngày.

Thế bế tắc của Mỹ trong cuộc chiến chống IS - 3

Chiến đấu cơ Mỹ xuất kích ném bom vào phiến quân IS

Chuyên gia này cho rằng như vậy là chưa đủ, và dù Mỹ có tăng cường thêm các đợt không kích thì bom vẫn không thể chiếm được lãnh thổ, mà họ vẫn cần một lực lượng mặt đất đáng tin cậy để làm được việc đó.

Từ trước tới nay Mỹ vẫn luôn hy vọng rằng quân đội Iraq và lực lượng nổi dậy ôn hòa ở Syria sẽ giúp họ thực hiện được sứ mệnh khó khăn này trên mặt đất. Thế nhưng quân đội Iraq dù được trang bị hùng hậu lại vẫn chưa sẵn sàng, trong khi cái mà Mỹ gọi là “phe nổi dậy ôn hòa” gần như không tồn tại.

Kết quả là chiến lược “làm suy yếu và tiêu diệt” phiến quân IS do Mỹ đưa ra đến nay vẫn đang mắc kẹt ở giai đoạn một là “làm suy yếu”.

Nhiều quan chức Mỹ thậm chí giờ đây đang nghĩ rằng việc “tiêu diệt” IS là nằm ngoài khả năng của họ. Cách đây vài tuần, tướng John Allen phụ trách chiến lược này đã đề xuất sử dụng từ thay thế là “đánh bại” IS, ám chỉ một mục tiêu ít tham vọng hơn nhiều.

Đó là ở Iraq, còn ở Syria, tình hình có vẻ còn ảm đạm hơn, khi phe nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn lại rất yếu ớt và thiếu tổ chức, phần lớn chỉ là các nhóm dân quân nhỏ lẻ thiếu sự phối hợp với nhau. Tuần trước, các lãnh đạo phe nhóm này đã tìm cách thông nhất với nhau để bầu ra một chỉ huy duy nhất, nhưng họ đã thất bại, và đây không phải là lần đầu tiên.

Thế bế tắc của Mỹ trong cuộc chiến chống IS - 4

Máy bay Mỹ thả dù tiếp tế vũ khí, đạn dược cho dân quân người Kurd ở thị trấn Kobani

Chính tướng Austin cũng phải thừa nhận “Iraq là trọng tâm của chúng tôi, và nó cần phải như vậy”, ám chỉ rằng Mỹ không đặt nặng mục tiêu tiêu diệt IS trên đất Syria. Ngay cả việc không kích và viện trợ vũ khí cho người Kurd ở thị trấn Kobani, theo ông Austin, cũng chỉ là để giảm áp lực mà IS gây ra đối với Iraq.

Theo đó, chiến dịch không kích tăng cường xuống Kobani và viện trợ khẩn cấp vũ khí cho dân quân người Kurd ở đây không thể hiện vai trò tích cực hơn của Mỹ trong cuộc nội chiến ở Syria, mà chỉ là một nỗ lực tiêu hao lực lượng của IS và làm giảm khả năng chiến đấu của chúng ở những nơi khác.

Một quan chức Mỹ giấu tên cũng đã thú nhận: “Xét về dài hạn, chúng ta vẫn đang đối mặt với một câu hỏi cũ rích: Cuộc chiến này sẽ kết thúc như thế nào”.

Đây là một câu hỏi đã nhiều lần được đặt ra trong quá khứ, và nó cũng chính là câu hỏi mà tướng David Petraeus đặt ra khi chỉ huy sư đoàn dù số 101 tấn công vào Iraq năm 2003.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo LATimes) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN