Thầy trò trường Y đi chống dịch, chui vào kho để... giảng bài

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Có ngày cao điểm, nhóm 1 thầy 10 trò thực hiện lấy hơn 10 nghìn mẫu và chăm sóc cho vài chục F0 tại nhà.

Ở hầu hết các “điểm nóng” dịch Covid-19 bùng phát, thầy và trò trường Đại học Y Hà Nội đều sẵn sàng xung phong “ra trận”...

Những nỗ lực không ngừng cùng những trải nghiệm, kiến thức thu nhận được sau mỗi hành trình chống dịch giúp họ tự tin, vững tâm hơn trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thày trò trường Đại học Y Hà Nội trước giờ xuất quân vào hỗ trợ chống dịch tại TP.HCM

Thày trò trường Đại học Y Hà Nội trước giờ xuất quân vào hỗ trợ chống dịch tại TP.HCM

Đi chống dịch, chui vào kho để giảng bài online

Trở về sau gần 2 tháng cùng các đồng nghiệp tham gia chống dịch tại điểm nóng Covid-19 ở TP.HCM, Ths. Nguyễn Tuấn Hải, giảng viên bộ môn Tim mạch, trường Đại học Y Hà Nội, đồng thời phụ trách C6 Viện Tim mạch, BV Bạch Mai chia sẻ: “Đó là những chuỗi ngày tháng không thể nào quên”.

Anh Hải chia sẻ, gần 2 tháng gắn bó tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19, BV Bạch Mai, có thời điểm trung tâm tiếp nhận hơn 300 bệnh nhân nặng và nguy kịch, trong đó khá nhiều bệnh nhân gặp vấn đề về tim mạch.

“Có những ca chúng tôi có thể xử trí ngay được nhưng cũng có bệnh nhân chúng tôi phải xin ý kiến hội chẩn với các chuyên gia từ các chuyên khoa khác và bệnh viện khác như: Chợ Rẫy, Thủ Đức, Trưng Vương…”, BS. Hải cho biết.

Trong dòng ký ức ấy, có những kỷ niệm vui buồn đan xen về bệnh nhân Covid-19 mà anh cùng đồng nghiệp dốc lòng điều trị.

Đó là 1 sản phụ mang thai ở tuần thứ 27 nhập viện trong tình trạng rất nặng, phải can thiệp thở máy. Quyết định mổ lấy thai với hy vọng cứu cả mẹ và con được đặt ra tại cuộc hội chẩn liên khoa, liên viện.

“Ca mổ kết thúc cũng là lúc chúng tôi thở phào nhẹ nhõm khi sức khỏe của cả 2 mẹ con đều ổn. Em bé nhanh chóng được chuyển về BV Hùng Vương để chăm sóc chuyên khoa còn người mẹ được điều trị theo đúng phác đồ mà trước đó vì mang thai nên một số loại thuốc không được phép sử dụng.

Nhưng đáng tiếc chỉ 2 ngày sau, chúng tôi vô cùng hụt hẫng nhận thông tin em bé đột ngột trở nặng và không thể duy trì sự sống. Người mẹ sau đó cũng được chuyển về điều trị chuyên sâu tại BV Chợ Rẫy.

Trong ngày cuối cùng trước khi rời TP.HCM, món quà đầy ý nghĩa mà chúng tôi nhận được từ các đồng nghiệp gửi tới chính là clip ghi lại hình ảnh người mẹ hồi phục, túc tắc đi lại được và giơ tay vẫy chào”, anh Hải nhớ lại.

Theo BS. Hải, đây là lần đầu tiên anh đi chống dịch tại cơ sở điều trị không phải là nơi có đầy đủ nhân lực, vật lực cũng như điều kiện hiện đại.

Nhiều người trước đó chưa từng tiếp cận bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, dự phòng trước những khó khăn, các giải pháp xử lý các biến cố bệnh nhân có thể gặp phải đều được chuẩn bị trước, trong đó có xử trí với các biến cố tim mạch, mạch máu…

“Từ đợt dịch vừa qua, càng thấy rõ vai trò của chuyển giao kỹ thuật, phác đồ điều trị, đào tạo tại chỗ cho đội ngũ y, bác sĩ đến từ nhiều chuyên khoa cùng tham gia điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Nhờ nắm vững phác đồ điều trị về tim mạch, các bác sĩ trong ca trực có thể sẵn sàng xử trí được mà không nhất thiết phải có mặt các bác sĩ chuyên khoa.

Trung tâm Hồi sức BV Bạch Mai còn chuyển giao chương trình đào tạo với 10 bệnh viện vệ tinh, phối hợp hội chẩn về chuyên môn và điều tiết chuyển chăm sóc bệnh nhân…”, BS. Hải nói và cho biết, cùng với hoạt động điều trị là các chương trình đào tạo của nhiều chuyên khoa, trong đó có tim mạch, chống nhiễm khuẩn bệnh viện, phục hồi chức năng cho bệnh nhân trong và sau khi điều trị.

“Xung trận” nhưng BS. Hải vẫn đảm nhiệm vai trò giảng viên Bộ môn Tim mạch tại trường Đại học Y Hà Nội với việc giảng dạy online cho các bác sĩ tương lai.

“Có thời điểm ở Trung tâm Hồi sức vốn “sôi động”, muốn tìm một chỗ tĩnh để giảng bài online, chúng tôi phải vào nhà kho, thậm chí có lần chui vào toilet, chốt cửa 45 phút để hoàn thành buổi giảng”, BS. Hải cho hay…

Thầy dẫn trò “xung trận” chống dịch

Một ngày làm việc bị dính mưa của nhóm giảng viên và sinh viên Đại học Y Hà Nội

Một ngày làm việc bị dính mưa của nhóm giảng viên và sinh viên Đại học Y Hà Nội

Trong suốt các mùa dịch, tại các “mặt trận” như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, TP.HCM hay Hà Nội đều có bóng dáng xông xáo, nhiệt huyết của đội ngũ thầy trò trường Đại học Y Hà Nội. Hơn 1.400 sinh viên, giảng viên của trường sẵn sàng có mặt tại nhiều điểm nóng dịch Covid-19.

Đối với BS. Nguyễn Quốc Phương, giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Đại học Y Hà Nội, những tháng ngày cùng đồng nghiệp và học trò lăn xả chống dịch ở quận 8, TP.HCM mãi không bao giờ quên.

“Trong đợt dịch thứ 4 đã có hơn 20.000 nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch. Các đoàn công tác của trường Đại học Y Hà Nội đã rất nỗ lực, không quản ngại khó khăn để cùng các lực lượng y tế khác tham gia công tác phòng, chống dịch và được địa phương ghi nhận. Có nhiều bạn sinh viên đăng ký đi chống dịch liên tục các đợt; nhiều thầy, cô giáo, cán bộ của nhà trường nhiều tháng chưa thể về nhà; nhiều bạn vừa học vừa ôn thi. Đó là những sự hy sinh thầm lặng khó mà kể hết… PGS. TS. Nguyễn Vũ Trung, Phó cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế.”

“Đoàn chúng tôi nhận lệnh trước khi lên đường có 2 ngày với nhiệm vụ ban đầu là lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại trạm y tế lưu động và hỗ trợ địa phương tiêm vaccine, truy vết, chăm sóc điều trị F0 tại nhà, nhập liệu, cả tư vấn online cho người bệnh Covid-19…

Thời gian đầu, tâm lý lo lắng thật sự khi có những địa bàn như phường 16, có ngày test nhanh cho người dân, tỷ lệ dương tính lên đến 30%, có con ngõ hầu hết người dân đều nhiễm Covid-19.

Có ngày cao điểm một nhóm 1 thầy 10 trò thực hiện lấy hơn 10 nghìn mẫu và chăm sóc cho vài chục F0 tại nhà”, BS. Phương cho biết.

Vào TP.HCM chống dịch đúng mùa mưa, rồi lại nắng bất chợt khiến nhiều thành viên trong đoàn đổ bệnh.

Đoàn 111 người nhưng có ngày 11 sinh viên báo thầy là sốt, ho. Ai cũng rất lo lắng, thế nhưng test nhanh âm tính, sáng hôm sau ổn hơn tất cả lại lăn xả đi làm nhiệm vụ. Công việc có những lúc kéo dài từ sáng đến tối muộn.

Chưa kể, vào đó đúng đợt dịch sốt xuất huyết, cả đoàn 7 người mắc sốt xuất huyết. Nhưng đáng nói, thời điểm đó tiếp cận các bệnh viện trong khu vực rất khó khăn vì đa số đã chuyển đổi công năng sang điều trị bệnh nhân Covid-19.

Để chẩn đoán chính xác buộc phải làm công thức máu. Vậy là các thầy lại chạy đôn đáo nhờ vả khắp nơi, xác định đúng sốt xuất huyết lại thay nhau theo dõi, chăm sóc.

“Trộm vía, mọi người đều hồi phục tốt. Và hơn cả, là cả đoàn đều bình an, duy nhất có 1 trường hợp nhiễm Covid-19 nhưng diễn biến bệnh nhẹ. Từ ngày vào đây, chúng tôi học thêm từ “trộm vía” như để lấy may cho thầy trò”, anh Phương hài hước cho biết.

Đợt “công tác” đặc biệt của thầy trò trường Đại học Y Hà Nội dù gặp nhiều khó khăn, nhưng theo thầy Phương: “Nó giúp mối quan hệ thầy trò thêm khăng khít, được giao lưu nhiều hơn với các bạn thuộc chuyên ngành khác và hơn nữa nó mang lại nhiều bài học từ thực tế để hỗ trợ thêm trong công tác giảng dạy”.

“Dù không mong muốn có thêm những đợt dịch như ở TP.HCM nhưng nếu có, thầy trò chúng tôi vẫn luôn sẵn sàng lên đường…”, BS. Quốc Phương nói.

Đại tướng Phan Văn Giang: Quân đội sẵn sàng chi viện cho Bình Dương khi có yêu cầu

Quân ủy Trung ương (Bộ Quốc phòng) và Tỉnh ủy Bình Dương vừa tổ chức Hội nghị trao đổi kết quả phối hợp phòng,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Uyên Vũ ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN