Thầy tát học sinh: Dạy thế là phản giáo dục!

“Học sinh mắc lỗi ở trên lớp thầy giáo phạt học sinh là đúng. Tuy nhiên, cách phạt của thầy là sai vì thầy đã xúc phạm đến thân thể các em. Trong môi trường giáo dục, nếu làm theo các này chỉ khiến học sinh thêm chán ghét thầy cô chứ không khiến các em sửa lỗi”, GS Văn Như Cương chia sẻ.

Ngày 17/2, trên mạng xã hội xuất hiện video clip ghi lại hình ảnh một giáo viên tát liên tiếp nhiều lần vào mặt học sinh ngay trên bục giảng. Bị đánh đau, cậu học trò đã phản đòn thầy giáo khiến dư luận xôn xao. Sự việc được xác định xảy ra tại lớp 11A1, Trường THPT Nguyễn Huệ thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

“Thầy giáo đánh học sinh là sai”

Sau khi xem xong đoạn video trên mạng xã hội, Giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội đã không khỏi giật mình. Ông chia sẻ, trong môi trường giáo dục thầy giáo ứng xử với học sinh như vậy là hoàn toàn sai.

Theo GS Cương, học sinh mắc lỗi ở trên lớp thầy giáo phạt học sinh là đúng. Tuy nhiên, cách phạt của thầy là sai vì thầy đã xúc phạm đến thân thể các em. Trong môi trường giáo dục, nếu làm theo các này chỉ khiến học sinh thêm chán ghét thầy cô chứ không khiến các em sửa lỗi.

Xét về mối quan hệ giữa con người với con người, đặc biệt là người lớn đối với người ít tuổi hơn thì cũng không bao giờ được ứng xử như vậy. Đánh ai đó một cách tàn bạo mà do không kiềm chế được bản thân thì không thể chấp nhận được.

“Ngay ở trong gia đình, bố mẹ đánh con cái thì cũng bị pháp luật xử tội chứ không phải bố mẹ thích đánh con thế nào cũng được. Do vậy, trong hoàn cảnh này thầy giáo có bị học sinh dọa nạt, chửi mắng thì không được hành xử giống “côn đồ” như vậy. Môi trường giáo dục phải luôn đề cao tình yêu thương giữa thầy và trò”, GS Cương nêu.

Thầy tát học sinh: Dạy thế là phản giáo dục! - 1

Thầy giáo tát học sinh trong giờ học ở tỉnh Bình Định (ảnh chụp từ video)

Sau khi xem xong clip, ông Cương cũng nói rằng, thầy đánh trò là sai. Nhưng học trò trong trường hợp này cũng sai. Nếu thầy đánh lại trò thô bạo, học sinh có thể phản ứng, né tránh sau đó báo lại với nhà trường để lãnh đạo có hình thức kỹ luật chứ không phải là hành động lao lên đánh trả lại thầy.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho hay, các em học sinh tuổi còn nhỏ nên dù các em có sai, có hỗn xược thì thầy cô vẫn phải biết kiềm chế. Thầy giáo có thể nhờ nhà trường can thiệp, có biện pháp giáo dục cứng rắn hơn chứ không phải mất bình tĩnh tát học sinh như vậy.

Trong clip, sau khi một bạn nam bị thầy giáo tát gây ra cảnh hỗn loạn trong lớp nhưng các em học sinh khác không vào hùa mà lên để can ngăn. Theo TS. Lâm thì cách hành xử của các em học sinh khác như vậy là hợp lý.

“Sự việc xảy ra ở học sinh lớp 11, ở độ tuổi này các em có khả năng chịu đứng lớn, biết phân biệt phải trái, đúng sai. Về mặt tâm lý, học sinh không bị ảnh hưởng, tác động gì nhiều. Nhưng ngược lại về mặt hội thì phải dẹp bỏ ngay bởi hành động đó là một gương xấu, nó phản ảnh cái bất ổn của nhà trường”, TS. Lâm giải thích.

Trong nhà trường, các em nhỏ ở độ tuổi mới lớn còn bồng bột, do vậy nhà trường phải xây dựng được văn hóa ứng xử chuẩn mực và cái chính ở đây là học sinh phải được tôn trọng. Trong các giờ học, ngoại khóa, thầy giáo phải luôn quan tâm, chia sẻ nhiều với các em nhỏ. Như vậy, tình yêu thương giữ thầy và trò được củng cố và sẽ không có chuyện thầy giáo tát học sinh như trong clip.

“Môi trường đào tạo giáo viên chưa tốt”

Tiến sĩ Lâm cho biết thêm, sau sự việc cho thấy thầy giáo đã thiếu kỹ năng sư phạm; kỹ năng ứng xử với học sinh; đạo đức nhà giáo. Từ những cái thiếu ấy dẫn đến chuyện thầy giáo non kinh nghiệm, không kiềm chế được bản thân nên có hành động tát học sinh như vậy.

“Ở đây cũng một phần nữa ảnh hưởng từ môi trường đào tạo ra các giáo viên, nhà trường chưa đào tạo đầy đủ các kỹ năng ứng xử, giao tiếp, nghề nghiệp cho sinh viên trước khi bước vào nghề. Hoặc nhà trường chưa hướng dẫn đầy đủ sinh viên các kỹ năng đó nên thầy cô mới bị mắc lỗi như vậy”, TS Lâm nói.

Thầy tát học sinh: Dạy thế là phản giáo dục! - 2

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng

Tiến sĩ Lâm dẫn chứng, năm 2012, ở trường THCS, tỉnh Quảng Ninh, trong giờ ôn luyện một số học sinh không thuộc lòng bài đã bị cô giáo dùng thước kẻ đánh vào mặt. Ngay sau đó, phụ huynh các em biết chuyện đã phẫn nộ. Cô giáo đã bị nhà trường kỷ luật ngay sau đó.

Hay gần đây nhất ở TP. HCM, vụ hai  bảo mẫu Lê Thị Đông Phương (31 tuổi, chủ cơ sở mầm non Phương Anh) và Nguyễn Lê Thiên Lý (19 tuổi, ngụ Kiên Giang) đã có hành động tát, dúi đầu vào thùng nước, túm tóc…các em nhỏ. Ít lâu, hai bảo mẫu này bị khởi tố, chịu mức án 3 năm tù.

Từ hai sự việc đó cho thấy, thầy, cô giáo còn khá trẻ và đều là giáo viên mới ra trường non kinh nghiệm nên mới dẫn đến sự việc đáng tiếc nêu trên.

Theo TS. Lâm, vai trò của của các trường sư phạm rất quan trọng, hiện nay các trường sư phạm mới nặng về đào tạo kiến thức khoa học chứ chưa đào tạo sâu về tâm lý học, giáo dục học. Giáo viên thiếu kỹ năng ứng xử với học sinh. Sinh viên sư phạm khi ra trường thiếu kỹ năng, kinh nghiệm về nghề. Đặc biệt, một số trường học, số giờ học về nghiệp vụ sư phạm rất ít, đạo đức nhà giáo chưa được chú ý. Sinh viên ít có thời gian tiếp xúc, làm quen giờ học ngoại khóa.

“Giảng dạy về tâm lý giáo dục; rèn luyện về tay nghề; cách ứng xử thái độ với học sinh. Tất cả những cái này sinh viên phải được học, thực hành trong môi trường sư phạm trước khi các em ra trường. Có như vậy khi đi vào giảng dạy, giáo viên mới có thể ứng xử linh hoạt mọi tình huống”, TS Lâm nói.

Clip học sinh đánh trả lại thầy giáo trên bục giảng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Nguyễn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN