Thầy giáo Tây háo hức vì được chọn xông nhà bạn gái Việt
Năm thứ 3 đón Tết tại Việt Nam, thầy Kevin sẽ có một trải nghiệm mới. Kevin được gia đình bạn gái chọn là người xông đất đầu năm. Kevin nói người xông nhà sẽ là người đem lại may mắn tốt lành trong năm mới cho cả gia đình chủ nhà nên anh rất háo hức và hồi hộp.
Hồi hộp vì được chọn xông nhà bạn gái Việt
Kevin Geneugelijk là thầy giáo dạy tiếng Anh. Năm nay là năm thứ ba Kevin sống và làm việc ở Hà Nội. Bạn gái của Kevin là người Việt nên Kevin khá am hiểu một số phong tục của người Việt Nam vào đầu năm mới như xông đất, mừng tuổi và đi lễ chùa. Kevin rất thích thú với những phong tục này.
Kevin Geneugelijk
“ Tết năm trước khi đến nhà bạn gái, tôi đã mừng tuổi các thành viên trong gia đình cô ấy theo phong tục của người Việt Nam. Năm nay thì rất đặc biệt, vì tôi là người được gia đình cô ấy chọn xông nhà ”. Kevin nói người xông nhà sẽ là người đem lại may mắn tốt lành trong năm mới cho cả gia đình chủ nhà nên anh rất háo hức và hồi hộp.
Khi được hỏi về các món ăn ngày Tết, Kevin nói anh rất thích vì mâm cỗ của người Việt Nam ngày Tết rất ngon và đặc biệt là có rất nhiều món. Những món ăn này không phải ngày nào cũng có.
“Lần đầu tiên tôi ăn các món ăn ngày Tết, phải nói là rất rất ngon. Tết thứ 2 ở Việt Nam tôi cũng ăn các món ăn đó, nhưng cảm giác không còn ngon như lần đầu tiên. Và đến Tết thứ 3 thì hương vị các món ăn ấy đã rất khác. Có lẽ là bởi có quá nhiều món ngon, nhưng vì chưa biết cách ăn, ăn gì trước, ăn gì sau nên tôi mất đi cảm giác ngon miệng của lần đầu tiên. Đúng là cần phải biết ăn Tết ” – Kevin hóm hỉnh chia sẻ.
“Các học sinh của tôi có hỏi tên của một số món ăn của Việt Nam bằng tiếng Anh, và tôi đã trả lời các em rằng đấy là tên những món ăn truyền thống của người Việt Nam nên không thể dịch sang ngôn ngữ khác được. “Bánh chưng ” không nên dịch là “chung cake ”. Giữ nguyên tên gọi của chúng cũng là một cách bảo tồn văn hóa và ngôn ngữ của người bản xứ ”.
Lần đầu tiên đón Tết ở Hà Nội
Lee Min Jeung, sinh viên năm thứ hai của khoa Tiếng Việt, trường đại học ngoại ngữ Hankuk cho biết Xuân 2015 này là lần thứ 5 cô đón Tết cổ truyền Việt Nam. Lee đã từng đón 4 cái Tết cổ truyền ở thành phố Hồ Chí Minh cùng gia đình khi bố cô đến đây làm việc. Cô rất ấn tượng với không khí đón tết của người dân thành phố Hồ Chí Minh. Đường phố được trang hoàng lộng lẫy hơn ngày thường. Mọi người tập nập đi sắm tết. Và đặc biệt là hoa mai vàng ở khắp nơi. Vì vậy, với Lee, Tết Cổ truyền Việt Nam gắn liền với màu vàng của hoa mai.
Lee (thứ hai từ phải sang) rất thích tìm hiểu văn hóa những nơi mình đến. Trong kì nghỉ Tết dài ngày này cô sẽ đi khám phá miền núi phía Bắc
Xuân 2015 này là lần đầu tiên Lee ăn Tết xa gia đình. Đây cũng là lần đầu tiên Lee đón Tết ở Hà Nội. Những ngày giáp Tết, đường phố Hà Nội cũng hối hả nhộn nhịp người đi sắm Tết. Thời tiết của miền Bắc cũng lạnh như ở Hàn Quốc chứ không nóng như trong thành phố Hồ Chí Minh. Lee rất ngạc nhiên và thích thú khi thấy ở Hà Nội mọi người đón Tết bằng hoa đào chứ không phải hoa mai như trong Sài Gòn.
Khi được hỏi Tết cổ truyền ở Việt Nam có gì khác với Tết cổ truyền ở Hàn Quốc Lee cho biết: “ Tết cổ truyền ở Hàn Quốc là thời gian dành cho gia đình. Mọi thành viên trong gia đình quay quần bên nhau, đến chúc Tết nhau. Còn ở Việt Nam đến chúc Tết nhà nhau không chỉ có họ hàng mà còn có cả bạn bè, khách khứa. Đây là một điều mới lạ đối với em ”.
Vì là lần đầu tiên ở Hà Nội đón Tết một mình nên Lee rất háo hức. Cô muốn xem người Hà Nội đón Tết như thế nào. Với Lee, học tiếng Việt không phải chỉ là học tiếng nói, học ngôn ngữ của người Việt Nam mà còn là học về văn hóa, về phong tục tập quán đẹp của người Việt Nam. Tết cổ truyền là một dịp tốt để cô bổ sung thêm vốn hiểu biết của mình về con người và đất nước Việt Nam.
“ Tôi muốn biết thêm về phong tục cúng ông Công, ông Táo"
Luke đã sống và làm việc ở Việt Nam được 3 năm nên anh đã quen với không khí đón Tết của người Việt Nam. Vợ anh là người Việt Nam. Lần đầu đón Tết ở Việt Nam Luke thấy rất lạ với hoạt động lau dọn nhà cửa – thường được gọi là “ tổng vệ sinh nhà cửa ” để đón Tết của người Việt. Dù bây giờ không còn bỡ ngỡ như lần đầu nhưng với Luke Tết cổ truyền vẫn có sức hấp dẫn kì lạ. Làm rể Việt Nam, anh đã tiếp thu những phong tục đẹp của quê hương thứ 2 của mình, như : mừng tuổi đầu năm, đưa gia đình về chúc Tết nhà ngoại.
Trong các món ăn ngày Tết, Luke thích nhất giò và bánh chưng. Đây là 2 món Luke ăn nhiều nhất trong những ngày Tết. “Tết ở Việt Nam rất vui, và đường phố đẹp hơn ngày thường, cờ hoa được trang trí khắp nơi” cũng là một điều khiến cho Luke thích thú.