Bại liệt tứ chi lại chẳng được đào tạo qua trường lớp sư phạm nào, thế nhưng người đàn ông ấy vẫn hằng ngày mở lớp dạy học cho các em nhỏ và viết chữ bằng miệng rất đẹp.
Nhiều năm qua ở xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) - nơi người ta vẫn ví von là “rốn lũ” của Thủ đô có một người thầy rất đặc biệt. Anh bị liệt tứ chi nhưng có thể dùng miệng để viết chữ, lại còn viết rất đẹp. Nhiều phụ huynh gửi gắm con em mình cho anh dạy dỗ, chỉ bảo việc học hành. Đó là anh Phùng Văn Trường (SN 1979).
Anh Trường là con cả trong gia đình có 5 anh em. Bố mẹ làm nghề nông, lại ở vùng lũ nên cuộc sống quanh năm thiếu thốn, vất vả.
Hồi mới sinh, anh Trường cũng kháu khỉnh, bụ bẫm như những đứa trẻ khác. Năm lên 1-2 tuổi, khi các bạn bè cùng trang lứa đã biết đi, biết chạy thì anh vẫn cứ chập chững, bước những bước khó khăn. Gia đình chỉ nghĩ anh chậm đi hay thiếu canxi...
Đến khi lên 4-5 tuổi, anh Trường vẫn không biết đi. Lúc này, gia đình mới đưa anh đi khám. Mới đầu là tìm đến những thầy lang để khám và cắt thuốc nhưng bệnh tình không chuyển biến, sau đó, gia đình dồn lực đưa anh đi viện. Các bác sĩ chẩn đoán anh mắc căn bệnh thoái hóa cơ tiến triển. Nghĩa là càng lớn lên, các cơ chân, tay anh sẽ càng teo đi.
Để chữa trị căn bệnh này phải cần số tiền rất lớn. Bố mẹ anh Trường chỉ biết ngậm ngùi mang con về nhà. Chân anh yếu chẳng thể đứng nổi, tay run run cầm gì cũng khó… mọi sinh hoạt của anh đều phụ thuộc vào bố mẹ.
Dù tật nguyền nhưng anh Trường lại rất hiếu học. Anh xin bố mẹ cho mình được đến trường để cùng bạn bè học lấy con chữ. Những ngày tháng sau đó, con đường đến trường của anh là trên tấm lưng của bố.
Suốt 8 năm tiểu học và trung học cơ sở, dù viết chậm hơn các bạn nhưng anh Trường luôn hoàn thành bài vở và đạt học sinh giỏi. Hết lớp 8, vì hai tay co cứng không thể cầm bút, anh buộc phải nghỉ học.
Anh ở nhà, tự nhốt mình trong 4 bức tường. Nhìn cảnh bạn bè được chơi đùa, chạy nhảy, tung tăng đến trường… anh chạnh lòng. Những suy nghĩ tiêu cực đã xuất hiện trong đầu anh.
Thế rồi một ngày nọ, khi đang nằm thẫn thờ trong phòng nghe đài, anh Trường bắt gặp chương trình nói về Nhà giáo ưu tú, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký – người viết chữ bằng chân. Tia hy vọng bắt đầu lóe lên trong con người anh.
“Tôi cả chân, tay đều không dùng được nhưng tôi nghĩ lại, mình đã từng thấy một nhân vật trong phim dùng miệng để viết chữ. Từ đó, tôi có suy nghĩ sẽ tập viết bằng miệng”, anh Trường chia sẻ.
Có động lực sống, anh Trường tươi tỉnh hẳn lên. Năm 2010, anh xin bố mẹ ra mặt đường để mở một quán tạp hóa nhỏ thử kiếm sống, cũng là mong muốn được gặp gỡ, giao lưu với mọi người. Thương con, bố mẹ anh lấp ao, dựng một căn nhà nhỏ cấp 4 ven đường làng để anh buôn bán.
Thời gian này, đứa cháu con em gái anh thường xuyên qua quán chơi với bác. Thấy cháu học kém, anh Trường chỉ dạy cho cháu học. Thế nhưng vì chân tay đều liệt, anh chẳng thể viết mẫu, ra bài tập được cho cháu. Không bằng lòng với bản thân, anh lao vào tập viết bằng miệng.
Lúc bắt đầu chưa có kinh nghiệm, anh chọc thẳng bút vào cổ họng, dùng răng cửa giữ bút khiến nét chữ cứ nguệch ngoạc lại còn gây buồn nôn. Đôi môi anh rớm máu vì phải cắn bút quá lâu. Vai, cổ đau nhức.
“Lâu dần tôi có kinh nghiệm, lấy bút chì tập viết dễ hơn bút bi, ngậm bút cũng không thể ngậm thẳng mà phải ngậm chéo. Tôi dùng răng hàm giữ một đầu bút, còn răng cửa thì như 2 ngón tay kẹp chặt thân bút tạo thành một khối, rồi dùng cổ lái. Mất cả tháng trời, những nét chữ đầu tiên mới hình thành gọi là dễ nhìn”, anh Trường nhớ lại.
Chưa dừng lại ở mức viết được, anh Trường còn muốn phải viết thật đẹp. Bởi, thấy cháu viết chữ quá xấu, muốn chỉ bảo cho cháu viết đẹp thì bản thân anh phải làm gương trước đã. Anh tiếp tục miệt mài ngày đêm tập viết để những nét bút của mình thêm nắn nót, chỉn chu. Anh tham khảo thêm sách, internet để có thể viết được nhiều kiểu chữ hơn.
Nhìn những nét chữ của anh Trường, những người thấy lần đầu chắc chắn sẽ không tin nó được viết ra bằng miệng. Ngay cả những người lành lặn, trông chữ anh ngẫm đến chữ mình cũng cảm thấy xấu hổ.
Thấy anh Trường viết chữ đẹp bằng miệng, cháu anh học hành ngày càng tiến bộ, những người hàng xóm bắt đầu mang con sang nhờ anh Trường phụ đạo. Với phương châm sống: “Yêu trẻ thì trẻ đến nhà”, anh Trường vui vẻ nhận các cháu, dạy học trong khả năng của mình.
Lớp học chính là ngôi nhà của anh. Lớp chẳng có bảng đen, phấn trắng, cũng chẳng có bàn ghế. Lúc đầu, nó đơn giản chỉ có một cánh cửa kê trên những viên gạch cho các bé lấy chỗ để sách vở. Mãi sau, anh mới đóng được mấy chiếc bàn.
Lớp học ban đầu cũng chỉ có 2, 3 cháu, sau đó tiếng lành đồn xa, những phụ huynh ở xã bên đưa con đến lớp của “thầy” Trường học thêm. Cứ như thế, hơn 10 năm qua, ngôi nhà chính là lớp học và bản thân anh Trường đã thành “thầy giáo” lúc nào không hay.
Nhưng với anh, chữ “thầy” thiêng liêng lắm. Anh không được đào tạo qua trường lớp sư phạm, không có bằng cấp nên không muốn các em học sinh gọi mình là “thầy”.
“Tôi vẫn bảo các cháu gọi mình là bác, là chú thôi. Tôi không dám nhận mình là thầy, tôi chỉ là người đi trước chỉ bảo cho người đi sau, dạy theo những hiểu biết của tôi”, anh Trường khiêm tốn nói.
Hằng ngày, cứ từ khoảng 16h30 trở đi, học sinh bắt đầu đến lớp. Lớp học đặc biệt ở chỗ, ai đến giờ nào cũng được, tùy thuộc vào thời gian của mỗi gia đình; các học sinh không học cùng một môn, ai yếu chỗ nào anh Trường bổ sung chỗ đó. Thế mới có chuyện, trong cùng một lớp nhưng bé thì học toán, bé tập viết chữ, bé học đánh vần…Chẳng sao cả, anh Trường vẫn ân cần, chỉ bảo tận tình cho các bé.
Suốt nhiều năm trời, anh Trường không thu một đồng học phí nào của học sinh. Ai đưa con đến anh cũng nhận, nhiều hôm chỉ có một học sinh anh vẫn dạy. Gần đây, thấy anh Trường bệnh tật, không còn bán hàng nên các phụ huynh học sinh bảo nhau đóng góp khoảng 100.000/học sinh/tháng, đủ để anh Trường trả tiền điện, tiền quạt, tiền nước cho lớp học.
Bên cạnh lớp học, năm 2014, anh Trường còn lập một tủ sách để làm nơi cho các em học sinh bổ sung thêm kiến thức. Sau này, được sự giúp đỡ của một số bạn bè và nhà hảo tâm, anh lập lên thư viện Hallo World (Xin chào thế giới) với hàng ngàn đầu sách. Mọi thứ đều hoàn toàn miễn phí cho mọi người đến đọc và mượn sách mang về.
Lúc đương tuổi thanh niên, nhìn bạn bè cùng trang lứa có vợ con, gia đình vui vẻ, anh Trường cũng muốn được yêu đương, được có vợ con bên cạnh nhưng nhìn lại bản thân, anh chẳng dám vì sợ làm khổ người ta. Anh nghĩ, đến thân mình còn không lo được thì còn lo được cho ai.
Họ hàng, người thân lại cứ thúc giục anh lấy vợ, sinh con để sau này có người lo hương khói cho tổ tiên, anh vừa chạnh lòng vừa tủi thân. Ai chịu lấy người khuyết tật như anh? Lấy anh rồi, chẳng may anh chết sớm thì vợ con sẽ ra sao?... những suy nghĩ tiêu cực đó cứ xuất hiện trong đầu anh Trường.
Thế nhưng bất ngờ hạnh phúc đã đến với anh. Năm 2012, qua sự giới thiệu của người quen, anh kết giao được với chị Ngô Thị Hường, một người con gái ở xã bên. Chị Hường cảm thông với số phận của anh Trường, khâm phục nghị lực sống của anh nên đem lòng yêu thương.
Con đường đến với hạnh phúc của anh chị gặp nhiều sóng gió bởi sự cấm cản từ bố người yêu. Ông cụ không đồng ý cho con gái yêu một người tàn tật như anh Trường nên ra sức phản đối. Anh Trường thêm một lần tổn thương.
Thế nhưng qua thời gian, bằng sự kiên trì và tình yêu dành cho nhau, anh Trường và chị Hường đã được 2 bên gia đình chấp thuận. Đám cưới nhỏ diễn ra trong tiếng cười vui rộn ràng và lời chúc phúc 2 bên họ hàng.
Năm 2013, anh chị sinh bé trai đầu lòng - bé Phùng Thiên Trường Quảng. Đến nay, bé đã học lớp 4 và mừng là cháu hoàn toàn khỏe mạnh chứ không bị ảnh hưởng từ căn bệnh của bố.
Chị Hường hằng ngày đi làm tại một công ty sữa cách nhà 7-8km. Do không biết đi xe máy nên chị phải đạp xe. Thu nhập của chị Hường cộng với tiền trợ cấp người khuyết tật của anh Trường hằng tháng đủ để anh chị đong gạo, nộp tiền học cho bé Quảng và trang trải chi phí sinh hoạt gia đình. Với anh Trường, từng đó đã là quá hạnh phúc.
Anh Trường tâm sự: “Tôi giờ mỗi năm sức khỏe một yếu đi, chân tay khô cứng không làm gì được. Mấy năm trước thì tôi còn tự phục vụ bản thân được một số thứ, chứ giờ thì hoàn toàn dựa vào bố mẹ, vợ con. Thôi thì mình còn sống được ngày nào thì cố gắng ngày đó để làm chỗ dựa, động viên tinh thần vợ con.
Còn lớp học, chừng nào sức khỏe còn cho phép thì tôi vẫn sẽ duy trì. Bây giờ còn viết được, còn nói được, các cháu đến với tôi, tôi vẫn dạy”.