Thấy gì từ “cuộc gặp lịch sử” giữa Mỹ và Cuba?

Sự kiện: Quan hệ Mỹ - Cuba

Cụm từ "cuộc gặp lịch sử" có lẽ sẽ được nói đến nhiều trong quan hệ Mỹ-Cuba bởi sau hơn 50 năm, thế giới lại mới được chứng kiến một cuộc hội đàm chính thức giữa nguyên thủ hai nước.

Cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ, Cuba diễn ra tại một phòng họp nhỏ, bên lề hội nghị Hội nghị Thượng đỉnh các nước châu Mỹ (OAS) tại Panama hôm 11.4.

Không cờ, không nghi thức ngoại giao rườm rà, không nhạc hiệu nhưng  cái bắt tay "lịch sử" giữa Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro được giới quan sát đánh giá là "một dấu mốc khó quên trong quan hệ ngoại giao của Mỹ-Cuba", là biểu tượng cho những nỗ lực nhằm chôn vùi sự thù địch đã kéo dài nhiều thập kỷ. Đây cũng là lần đầu tiên trong hơn 20 năm lịch sử của OAS, Cuba được mời tham dự hội nghị.

"Quả ngọt" cho tiến trình bình thường hóa

Nhiều nhà phân tích nhận định, việc lãnh đạo hai nước gặp nhau trong hội nghị năm nay dường như là một bước đi tất yếu khi quan hệ Mỹ-Cuba đang đạt được một số tiến bộ nhất định. Kể từ tháng 12.2014, sau khi hai nước chính thức thông báo tiến trình bình thường hóa, Tổng thống Obama đã giảm nhẹ những hạn chế về du lịch đến Cuba, cũng như về việc chuyển tiền của người Cuba lưu vong về nước. Ông Obama cũng đã cho phép công dân Mỹ được sử dụng thẻ tín dụng khi du lịch ở Cuba và được mua về 100 USD thuốc lá hay rượu Cuba.

Thấy gì từ “cuộc gặp lịch sử” giữa Mỹ và Cuba? - 1

Tổng thống Obama (phải) bắt tay Chủ tịch Cuba Raul Castro (trái) trước cuộc gặp lịch sử hôm 11.4.2015.

Những trao đổi thương mại trong các lĩnh vực chủ chốt như viễn thông cũng đã được Washington mở rộng. Tháng 2.2015, một thỏa thuận đã được ký kết về việc tái lập liên lạc điện thoại trực tiếp giữa hai nước. Đến cuối tháng 3.2015, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã bãi bỏ các biện pháp trừng phạt đối với khoảng 60 công ty và cá nhân làm ăn buôn bán với Cuba.

Các doanh nghiệp Mỹ cũng được phép đầu tư vào khu vực tư nhân ở Cuba. Mới đây nhất, Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ đang hoàn tất những thủ tục để đưa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia bảo trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Việc Mỹ đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước bảo trợ cho chủ nghĩa khủng bố sẽ là một bước đột phá, hướng đến việc mở cửa lại Đại sứ quán của cả hai nước và chấm dứt việc Mỹ cô lập Cuba về mặt kinh tế và ngoại giao.

Tại cuộc gặp lần này, Tổng thống Obama nêu rõ: "Đây là cuộc nói chuyện thẳng thắn và có kết quả giữa tôi và ông Raul Castro. Chúng tôi đã có thể nói chuyện một cách ngay thẳng về những khác biệt và những mối quan ngại của chúng tôi theo cách mà tôi cho là sẽ đem lại khả năng đưa mối quan hệ giữa 2 nước chúng tôi đi theo một chiều hướng khác tốt đẹp hơn.”

Sự ủng hộ của nhân dân hai nước

Tiến trình hòa giải giữa Mỹ và Cuba hiện nay đang nhận được sự đồng tình mạnh mẽ từ nhân dân hai nước khi kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây tại Mỹ cho thấy, 59% người Mỹ ủng hộ những chính sách với Cuba của chính quyền Tổng thống Obama.

Thấy gì từ “cuộc gặp lịch sử” giữa Mỹ và Cuba? - 2

Người dân Cuba chăm chú theo dõi diễn biến cuộc gặp giữa hai lãnh đạo cấp cao.

 Trong khi đó tại Cuba, cuộc gặp gỡ giữa hai lãnh đạo cấp cao, Tổng thống Obama và Chủ tịch Castro đã được người dân nước này đón nhận nồng nhiệt. Người dân ở thủ đô Havana đã dừng các công việc thường nhật và tập trung theo dõi khoảnh khắc lịch sử khi hai nhà lãnh đạo bắt tay nhau và đưa ra những tuyên bố về việc thúc đẩy hơn nữa quá trình bình thường hóa quan hệ hai nước. Ông Roger Rodriguez, một giáo sư trường đại học ở Cuba nhận xét: "Việc Chủ tịch Raul và Tổng thống Obama đã cùng ngồi xuống sau nhiều năm có những bất đồng sâu sắc dường như là một sự kiện lịch sử với tôi và người dân Cuba".

Chị Irene Quintana, một người nội trợ tại thủ đô Havana cho hay, chị đang dọn nhà thì bà ngoại gọi chị tới để cùng ngồi xem khoảng khắc hai vị nguyên thủ bắt tay nhau và đưa ra các tuyên bố chung. "Điều này cực kỳ có ý nghĩa với tôi, tôi thực sự rất hy vọng vào việc Cuba và Mỹ sẽ cải thiện được các mối quan hệ", chị Irene cho biết.
Thấy gì từ “cuộc gặp lịch sử” giữa Mỹ và Cuba? - 3

Đa phần người dân Cuba và nhân dân Mỹ Latinh trông chờ tiến trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ diễn ra tốt đẹp.

Không chỉ theo dõi sát sao tình hình gặp gỡ ngoại giao, người dân Cuba cũng đang rất háo hức với thông tin sứ quán của hai nước sẽ sớm được mở cửa trở lại. Theo các nhà phân tích, việc người dân Cuba háo hức với việc mở cửa trở lại các đại sứ quán là bởi họ cho rằng sự kiện này sẽ giúp thúc đẩy thương mại và du lịch giữa hai nước và giúp cho nền kinh tế của Cuba phát triển.

"Chúng tôi, người dân Cuba đã chờ đợi cuộc gặp như thế này nhiều năm, tôi hy vọng nó sẽ mở ra một tương lai tươi đẹp chứ không dừng lại ở một cuộc gặp đơn thuần", anh Rosa Marie Argudin, một nghệ sĩ biểu diễn đường phố ở Havana chia sẻ.

Các nước thuộc khu vực Mỹ Latinh cũng bày tỏ sự ủng hộ sau cuộc gặp lịch sử này giữa hai lãnh đạo cấp cao Mỹ- Cuba. Tổng thống Brazil Dilma Rousseff tuyên bố, cuộc gặp thượng đỉnh Cuba-Mỹ là minh chứng cho những tàn dư cuối cùng của Chiến tranh Lạnh đã được xóa bỏ và cho rằng sự kiện này sẽ mang lại lợi ích cho toàn bộ khu vực. Trong khi đó, Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto bình luận, "cuộc gặp Cuba-Mỹ tại Panama đã nhắc nhở thế giới về việc mở ra những cánh cửa đối thoại đồng nghĩa với việc mở ra tương lai và cơ hội phát triển".

Rõ ràng, Hội nghị thưởng định lần thứ 7 của OAS năm nay đã đạt được một ý nghĩa quan trọng khi không chỉ có mặt toàn bộ 35 quốc gia thành viên trong khu vực mà đang là nơi chứng kiến sự hòa giải thế kỷ, sự chấm hết hoàn toàn của các tàn dư từ thời Chiến tranh Lạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đông Phong (theo CNN, BBC) ([Tên nguồn])
Quan hệ Mỹ - Cuba Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN