Thay đổi quy hoạch xoành xoạch, cả trăm hộ dân điêu đứng

Sự kiện: Thời sự

Sau nhiều năm quy hoạch treo, chính quyền địa phương đã "mở", cho người dân chuyển đổi sang đất ở nhưng sau đó bất ngờ "đóng" quy hoạch khiến cả trăm hộ dân khốn đốn.

74 hộ dân tại khu vực Tổ dân phố Toàn Thắng (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk), đã có đơn đề nghị UBND huyện điều chỉnh, bỏ quy hoạch cây xanh, trường học để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đảo lộn cuộc sống của người dân.

Người dân khốn đốn

Ông Phạm Hiệp (Tổ trưởng Tổ dân phố Toàn Thắng - người đại diện cho các hộ dân) cho biết năm 2009, cơ quan chức năng lập quy hoạch một phần tổ dân phố làm đất cây xăng, trường học. Lúc này đã có đông dân cư xây dựng nhà cửa sinh sống nên người dân chờ dự án triển khai để xin tái định cư, ổn định cuộc sống. Chờ suốt 6 năm nhưng không thấy xây dựng, đến năm 2015 cơ quan chức năng đã quyết định gỡ bỏ quy hoạch treo này thành quy hoạch đất ở đô thị, cho phép người dân chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở.

Khu vực "đóng - mở" quy hoạch khiến người dân khốn đốn

Khu vực "đóng - mở" quy hoạch khiến người dân khốn đốn

Nghe tin này người dân vui mừng, gom góp, vay mượn tiền bạc cùng nhau lên xin chuyển đổi sang đất ở và được đồng ý. "Lúc đó, tôi vay mượn được hơn 100 triệu đồng lên chuyển 200m2 sang đất ở" - ông Hiệp nói.

Bất ngờ vào năm 2020, cơ quan chức năng lại lập quy hoạch khu vực này thành đất cây xanh, trường học. Cả trăm hộ dân đang sinh sống ổn định tiếp tục lo lắng, bất an.

Một vấn đề nữa là dù trong giai đoạn 2015 - 2020, cơ quan chức năng đã điều chỉnh quy hoạch thành đất ở nhưng lại không điều chỉnh đồng bộ quy hoạch xây dựng nên người dân không xin được giấy phép xây dựng. Nhiều hộ dân phải xây dựng "chui" trên chính đất thổ cư của mình.

"Hơn 10 năm qua, cả trăm hộ dân luôn sống trong tình trạng lo âu, muốn sang nhượng, thế chấp ngân hàng vay vốn làm ăn cũng không được. Nếu nhà nước thực hiện các dự án thì sớm triển khai để tái định cư cho người dân. Còn không thì bỏ quy hoạch để người dân yên tâm an cư, chứ giờ chạy theo quy hoạch thế này thì khốn đốn lắm" - ông Hiệp kiến nghị.

Lỗi do đơn vị tư vấn!

Để giải quyết đơn kiến nghị của người dân, chiều 12-4, UBND huyện Cư M’Gar đã tổ chức đối thoại với đại diện các hộ dân là ông Phạm Hiệp.

UBND huyện Cư M'Gar đối thoại với đại diện các hộ dân

UBND huyện Cư M'Gar đối thoại với đại diện các hộ dân

Tại đây, đại diện phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Cư M’Gar đề nghị xem xét có hay không nhu cầu xây dựng cây xanh, trường học. Nếu không thì đề nghị sớm điều chỉnh quy hoạch để người dân yên tâm sinh sống.

Ông Bùi Thanh Thịnh, Bí thư Đảng ủy thị trấn Ea Pốk, thừa nhận từ năm 2009 đến nay, địa phương chưa xây dựng một công trình nào trong khu vực quy hoạch này. Vừa qua, địa phương đã tin tưởng vào đơn vị tư vấn dẫn đến quy hoạch chồng lấn lên khu vực đất đã cho người dân chuyển đổi sang đất ở. Sai thì phải sửa, phải tiếp thu ý kiến của người dân để điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và điều chỉnh quy hoạch xây dựng cho khớp.

Lý giải về quy hoạch chồng lấn, ông Thịnh cho rằng: "Họp HĐND thị trấn cũng đưa ra nhưng đơn vị tư vấn không trình chiếu. Bên cạnh đó, cán bộ có chuyên môn giỏi chứ không thì không đọc được bản đồ. Lâu nay, chúng tôi vẫn cứ nghĩ đó là đất ở chứ có đề xuất quy hoạch cây xanh, trường học gì đâu".

Ông Nguyễn Công Văn kết luận cuộc họp

Ông Nguyễn Công Văn kết luận cuộc họp

Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Công Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’Gar, yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện khẩn trương làm việc với UBND thị trấn Ea Pốk để xin điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp. Đề nghị UBND thị trấn rà soát, báo cáo cụ thể từng hộ dân. "Quy hoạch này rõ ràng đã ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, vật chất của người dân, gây bức xúc cho người dân. Đơn vị tư vấn sai nhưng lỗi của chính quyền và sai thì phải sửa và xin lỗi người dân" - ông Văn nhấn mạnh.

Muốn sửa sai không dễ!

Ông Nguyễn Công Văn cũng thừa nhận để sửa sai không phải một sớm một chiều. Theo ông Văn, ai sai thì người ấy chịu nhưng quy hoạch đã phê duyệt rồi thì phải thực hiện, phải thượng tôn pháp luật. Do đó, trong thời gian chưa điều chỉnh thì người dân phải hạn chế một số quyền, không được xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

"Sau khi các phòng ban, UBND thị trấn Ea Pốk tham mưu, UBND huyện sẽ có văn bản xin chủ trương của Ban thường vụ Huyện ủy, Thường trực HĐND huyện. Sau khi huyện thống nhất, phải có văn bản đề nghị Sở TN-MT rồi trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh. Chúng tôi sẽ cố gắng làm sớm, làm nhanh để năm 2023 điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp" - ông Văn nói.

Quy hoạch sông Hồng, sông Ðuống: Hàng chục vạn dân đang “treo” quyền lợi

Hàng chục vạn dân sinh sống tại các khu vực chưa được đề cập trong danh mục được tồn tại của Ðồ án quy hoạch đô thị sông Hồng, sông Ðuống sẽ được UBND các quận,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Nguyên ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN