Thảo luận thêm về kênh đào Funan Techo: Những lo ngại về dự báo tác động, rủi ro
Nếu lượng thông tin về kênh đào Funan Techo được Việt Nam, Campuchia và các nước trao đổi rõ ràng, đầy đủ thì những tin đồn tiêu cực về dự án sẽ không còn.
Theo thông báo hồi tháng 8-2023 của Campuchia trình lên Ủy hội sông Mekong (MRC), dự án kênh đào Funan Techo được triển khai với mục đích phục vụ giao thông đường thủy nội địa và kết nối đường thủy với chiều dài 180 km và sâu 5,4 m cùng chiều rộng 80-100 m, trong đó gồm có ba âu thuyền để duy trì mực nước cho tàu bè qua lại và 11 cây cầu bắc qua kênh.
Phối cảnh kênh đào Funan Techo. Nguồn: Video do Bộ Giao thông Công chính Campuchia phát trên Facebook
Hình ảnh đồ họa đường đi của kênh đào Funan Techo được Bộ Giao thông Công chính Campuchia cung cấp, cùng với đó là nhận định dự án chỉ tác động tối thiểu đến môi trường. Ảnh: THE PHNOM PENH POST
Campuchia: Dự án giúp giảm lũ tràn vào Việt Nam
Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol hồi đầu tháng 5-2024 đã khẳng định dự án kênh đào Funan Techo “có tác động tối thiểu đến môi trường” vì chỉ cần 5 m3/giây, tương đương 0,053% lưu lượng sông Mekong.
Thông điệp này tiếp tục được ông Sun Chanthol nhắc lại khi gặp gỡ Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 29 tại Nhật Bản (hôm 23-5). Cũng tại cuộc gặp này, Phó Thủ tướng Sun Chanthol cho biết dự án kênh đào Funan Techo sẽ giúp giảm lũ lụt tại năm tỉnh ở Campuchia và ngăn dòng lũ tràn vào Việt Nam (VN). Dự án này có ba cửa cống được đặt ở các tỉnh Kandal, Takeo và Kep, điều đó giúp đảm bảo nước mặn không thể xâm nhập vào mạng lưới nước ngọt.
Cũng theo Phó Thủ tướng Sun Chanthol, với cách Campuchia xây kênh đào sẽ dễ dàng xác định được tổng lượng và lưu lượng dòng chảy nước ngọt đổ ra biển, vì vậy sẽ tránh được những tác động tiêu cực đến môi trường, không chỉ với Campuchia mà còn cả những quốc gia láng giềng. Cạnh đó, kênh đào này cũng góp phần duy trì tính bền vững đối với môi trường, hệ sinh thái, đồng thời tạo ra các loại môi sinh đa dạng, hữu ích cho nhiều loài động vật, thực vật và cá.
Để thực hiện dự án này, Phó Thủ tướng Sun Chanthol cho biết Campuchia đã nghiên cứu cụ thể trong vòng hai năm, với sự tham gia của 48 chuyên gia, nhà khoa học (gồm 11 giáo sư, 37 kỹ sư hàng đầu thế giới) trong các lĩnh vực liên quan như phân tích thủy văn, kỹ thuật bơm và phục hồi kênh đào, thiết kế xây dựng đường thủy và giảm thiểu các tác động đến môi trường.
“Campuchia cần chứng minh việc sử dụng và bảo trì hợp lý các cửa nước và âu tàu, đồng thời đảm bảo rằng nước sẽ không bị lấy từ các dòng chính cho mục đích tưới tiêu phục vụ nông nghiệp hay các mục đích khác.”
Chuyên gia: Cần làm rõ thêm mục đích của dự án
Trong khi đó, chuyên gia Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Chương trình Năng lượng, nước và bền vững thuộc Trung tâm Stimson (Mỹ), nói với Pháp Luật TP.HCM: Thiết kế của dự án kênh đào Funan Techo bao gồm các cửa nước và các âu tàu dùng để điều chỉnh lượng nước qua kênh đào. Nếu kênh đào chỉ dùng cho mục đích giao thông và nếu các cửa nước và âu tàu được quản lý hợp lý thì chỉ có một lượng nước rất nhỏ sẽ được lấy từ dòng chính sông Mekong và do đó việc giảm dòng chảy dòng chính sông Mekong ở ĐBSCL sẽ ở mức tối thiểu.
“Tuy nhiên, Campuchia cần chứng minh việc sử dụng và bảo trì hợp lý các cửa nước và âu tàu, đồng thời đảm bảo rằng nước sẽ không bị lấy từ các dòng chính cho mục đích tưới tiêu phục vụ nông nghiệp hay các mục đích khác” - chuyên gia Brian Eyler đặt vấn đề. Vị này cũng cảnh báo nếu nước từ dự án Funan Techo được lấy từ sông Hậu hoặc sông Tiền cho mục đích tưới tiêu, đặc biệt là trong mùa khô thì sản lượng nông nghiệp của VN sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là vụ đông xuân. Tác động cụ thể cần được xác định bằng các nghiên cứu sâu hơn bởi cho đến lúc này chưa có đầy đủ thông tin từ Campuchia.
Ngoài ra, nếu Campuchia sử dụng nước sông Mekong cho mục đích tưới tiêu trong những tháng khô hạn thì xâm nhập mặn sẽ trở nên phức tạp hơn. Tuy nhiên, mức độ giảm nguồn nước ra sao, mức độ xâm nhập mặn thế nào thì cần phải có thêm thông tin và những nghiên cứu cụ thể hơn.
Thông tin nhìn từ lợi ích của Campuchia Giới quan sát cho rằng dự án Funan Techo là cơ hội để các nước lưu vực sông Mekong, đặc biệt là Campuchia với VN cùng ngồi lại chia sẻ và đánh giá thông tin; chia sẻ những vấn đề về khoa học và đánh giá tác động môi trường. Điều đó không chỉ vì lợi ích chung cho cả vùng Mekong mà còn vì lợi ích riêng của Campuchia. Điển hình, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Stimson (Mỹ) công bố hôm 9-5 vừa qua, việc thiếu thông tin về dự án Funan Techo có thể dẫn đến việc đánh giá không đầy đủ những rủi ro khả dĩ với cả Campuchia. Ví dụ, việc xây dựng hoặc nâng cấp các đê cao hơn dọc theo kênh Funan Techo nếu không được tính toán phù hợp có thể khiến lũ lụt tràn vào các khu vực thượng nguồn thường không bị lũ lụt, có thể bao gồm các khu vực của TP Takeo và các khu vực ven đô ở phía nam Phnom Penh, khu vực sân bay quốc tế Techo mới. Hơn nữa, việc xây dựng và nâng cấp đê cũng có thể khiến một số khu vực ở Campuchia có thể trở nên khô hạn hơn đáng kể, bao gồm vùng đất ngập nước Boueng Prek Lapouv. Theo báo cáo của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN), đây là một trong những tàn tích lớn nhất của đồng cỏ ngập nước theo mùa ở khu vực hạ lưu sông Mekong, với diện tích hơn 8.300 ha. Đây là một trong 40 vùng chim quan trọng toàn cầu (IBA) được xác định là địa điểm quan trọng để bảo tồn ở Campuchia và là một trong ba khu bảo tồn sếu đầu đỏ. |
Thiếu thông tin, xuất hiện nhiều tranh luận trái chiều
Về đánh giá tác động môi trường, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một số chuyên gia, nhà khoa học lại có những ý kiến mang tính dự báo khác nhau, đáng chú ý là “độ chênh” giữa các dự báo là rất lớn. Thế nhưng điểm chung trong các nhận định này là: Các chuyên gia thừa nhận đánh giá của họ về tác động của dự án Funan Techo đến môi trường chỉ dựa vào những “thông tin rất sơ bộ ban đầu”, nếu phía Campuchia cung cấp thông tin chi tiết hơn thì việc đánh giá sẽ sát thực tế hơn.
Ví dụ, chuyên gia James Borton của ĐH Johns Hopkins (Mỹ) dẫn lại nhận định của một số chuyên gia môi trường quốc tế cho rằng dự án Funan Techo thậm chí có thể sử dụng tới 30% lượng nước đổ về thượng nguồn sông Hậu, có thể làm phức tạp thêm tình trạng xâm nhập mặn ở hạ lưu ĐBSCL.
“Kênh đào gây ra mối lo ngại về tình trạng thiếu nước cho sinh hoạt hằng ngày, nông nghiệp, sản xuất, đồng thời tình trạng xâm nhập mặn vào ruộng lúa sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Do tình trạng khan hiếm nước hiện nay và chất lượng đất ngày càng xấu đi, đặc biệt là trong vụ đông xuân, con kênh này có thể sẽ có tác động đến chương trình lúa gạo chất lượng cao theo kế hoạch của VN” - ông James Borton cho hay.
Trong khi đó, có chuyên gia khác lại nhận định nếu kênh đào Funan Techo đi vào vận hành sẽ làm dòng chảy về vùng ĐBSCL suy giảm khoảng 6%-10% vào mùa cạn. Đáng chú ý, tại một hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia tổ chức tại Cần Thơ gần đây, có chuyên gia cho rằng nếu ngoài mục đích giao thông, dự án Funan Techo còn phục vụ sinh hoạt và công nghiệp, vận hành đô thị cho khu vực xung quanh dự án này thì lượng nước từ sông Tiền và sông Hậu đổ về ĐBSCL có thể sẽ giảm đến 50%, thậm chí nhiều hơn nếu khô hạn. Điều này khiến không ít người lo lắng về những tác động nhất định đến hệ sinh thái và cả đời sống, sinh kế của người dân ở khu vực này.
Chỉ ra một đánh giá rất sơ bộ khác về dự án, PGS-TS Vũ Thanh Ca, giảng viên cao cấp ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, dẫn ra tính toán ban đầu của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đã được công bố. Theo đó, với điều kiện của năm 2020 là năm hạn hán rất nghiêm trọng, tổng lượng nước chuyển vào kênh đào Funan Techo trong sáu tháng mùa khô khoảng 2% tổng lượng nước sông Mekong trong thời gian tương ứng. Do giảm lượng nước về, tác động của kênh đào vào mùa khô có thể làm gia tăng xâm nhập mặn, gia tăng thiếu nước ở vùng ĐBSCL, đặc biệt trong những kỳ triều cường.
Về mùa mưa, bờ kênh có thể ngăn trở dòng chảy tràn bề mặt vào VN và làm giảm lượng nước chảy về VN. Phân bố lượng nước về sông Tiền và sông Hậu cũng bị thay đổi. Do vậy, kênh có thể làm giảm thêm lượng phù sa được tải về VN, giảm tác dụng thau chua rửa mặn, ảnh hưởng tới nguồn lợi tôm cá.
“Như vậy, nếu đánh giá của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam chính xác thì khả năng tác động của dự án kênh đào Funan Techo tới hiện trạng thiếu nước, xâm nhập mặn, các hoạt động nông nghiệp và sinh kế của người dân VN tại hạ nguồn là có thể xảy ra. Ngoài ra, thiếu hụt bùn cát có thể làm gia tăng xói lở bờ sông, bờ biển” - ông Vũ Thanh Ca kết luận.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái gặp gỡ song phương với Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol tại Nhật Bản hôm 23-5. Ảnh: THE PHNOM PENH POST Việt Nam tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia Ngày 23-5, theo thông tin từ TTXVN, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có cuộc gặp song phương với Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 29 tại Nhật Bản. Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã chia sẻ nhiều nội dung quan trọng về kinh tế - xã hội, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước. Liên quan đến dự án kênh đào Funan Techo, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định VN tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia trong xây dựng, phát triển đất nước, trong đó có dự án kênh đào Funan Techo, phù hợp với quan hệ hữu nghị và các quy định liên quan của Ủy hội sông Mekong (MRC). Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng mong phía Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với VN và MRC trong việc chia sẻ thông tin về dự án và đánh giá tác động của dự án này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của lưu vực sông Mekong, bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông, vì sự phát triển bền vững của lưu vực và vì lợi ích của người dân. Trước đó, trong các cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 5 và 9-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN cũng luôn khẳng định quan điểm nhất quán và xuyên suốt: VN luôn coi trọng, đồng thời luôn dành ưu tiên hàng đầu cho mối quan hệ với Campuchia, mong muốn quan hệ hai nước ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực vì lợi ích của nhân dân hai nước. Về dự án kênh đào Funan Techo, VN rất quan tâm và tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia theo tinh thần của Hiệp định Mekong năm 1995, phù hợp với các quy định liên quan của Ủy hội sông Mekong và quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Tuy nhiên, tất cả thông tin mà VN có được về kênh đào Funan Techo cho đến hiện tại chưa đủ để đánh giá về tác động của dự án này. VN mong muốn phía Campuchia phối hợp với VN cũng như các nước trong Ủy hội sông Mekong chia sẻ đầy đủ thông tin về dự án. Đồng thời tiếp tục đánh giá tác động chi tiết của dự án này đến tài nguyên nước cũng như môi trường sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mekong. Các nước cũng cần đến các biện pháp quản lý chung và dài hạn đảm bảo lợi ích của các quốc gia ven sông, quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước sông Mekong. |
Bình tĩnh, thận trọng và chờ thêm thông tin
Trước tình trạng “mỗi người một nhận định” và độ chênh trong các đánh giá tác động của kênh đào Funan Techo, PGS-TS Vũ Thanh Ca lưu ý: “Các số liệu và đánh giá tác động nêu trên của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam chỉ là những kết quả rất sơ bộ. Chưa gì có thể chắc chắn đến tác động của kênh đào Funan Techo tính đến thời điểm hiện tại. Để đảm bảo có được những đánh giá chính xác nhằm đề ra những giải pháp phù hợp theo quy định trong Hiệp định Mekong, cần phải có những số liệu đầy đủ hơn từ phía Campuchia”.
Vị chuyên gia này cũng khuyến nghị: Chúng ta cần hết sức bình tĩnh, lắng nghe các bên, nhất là từ phía Campuchia, đồng thời đề nghị nước bạn cung cấp thêm thông tin, từ đó dựa vào các tính toán khoa học để tính toán trước khi đưa ra kết luận cuối cùng về sự tác động của dự án.
“Nếu tính toán thiếu thận trọng, gây hoang mang cho dư luận hoặc ngược lại, tính toán qua loa, chủ quan khiến việc quản lý rủi ro không hiệu quả… Một số cơ quan nghiên cứu lớn trên thế giới khi nói về kênh đào Funan Techo cũng dừng ở mức đề nghị Campuchia cung cấp thêm thông tin, từ đó mới đánh giá cụ thể” - ông Ca nhận xét.
Ở góc độ truyền thông chính sách, một số chuyên gia cho rằng với dự án Funan Techo đang xuất hiện “khoảng trống thông tin”. Dự án lớn này liên quan đến hàng triệu dân Campuchia và VN. Việc thiếu thông tin kéo dài, “cơn khát” tin tức của công chúng càng lớn, nhiều thành phần xấu có thể lợi dụng môi trường mạng xã hội, Internet để “bơm” thông tin độc hại như tin giả, tin kích động, thậm chí là các thuyết âm mưu để “giải cơn khát” cho đám đông nhằm trục lợi, tác động xấu đến cả hai quốc gia vốn có mối quan hệ gắn bó, mật thiết.
Các dự án lớn và quan trọng như kênh đào Funan Techo cần được cung cấp thông tin một cách đầy đủ để quản trị hiệu quả những rủi ro khả dĩ.
Nguồn: [Link nguồn]