"Tháo khoán" ở lễ hội Linh tinh tình phộc

Lễ mật xong, cụ chủ lễ hô to “tháo khoán”. Lúc này, các đôi trai gái trong làng được “tự do yêu đương”.

Gần nửa đêm, một cán bộ xã căn dặn chúng tôi: “Sau lễ mật là lễ “tháo khoán”. Lúc này, các đôi trai gái được “tự do” mọi chuyện. Bởi vậy, trong 15 phút ấy, nếu có ai… “nghịch” hay làm gì cậu, cũng không được từ chối. Đó là “15 phút đứng trên mọi khuôn phép””.

Trong lúc chúng tôi còn chưa hết ngơ ngác, vị cán bộ lại tự hào cho biết thêm: “Chỉ có Tứ Xã này mới có màn lễ độc đáo đến thế”.

Lễ giáo mà kỳ lạ vậy?

"Tháo khoán" ở lễ hội Linh tinh tình phộc - 1

Lễ tế do các cụ cao niên trong làng thực hiện

Đó là lễ Linh tinh tình phộc được tổ chức tại miếu Trò làng Trám (còn có tên là miếu Đụ Đị), xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Nghi lễ tái hiện cảnh giao hợp của đàn ông và đàn bà này vừa được tổ chức vào đêm 11 rạng sáng 12 tháng Giêng (tức đêm 10 rạng 11/2) vừa qua.

Các cụ cao niên trong làng cho hay, ngôi miếu này thờ bà Ngô Thị Thanh - người có công dạy dân làng múa hát, chơi trò chơi và làm lễ hội. Chính bởi những trò chơi rất “khác biệt” nên người dân gọi bà là “bà Đụ Đị” cái tên mang ý nghĩa phồn thực.

"Tháo khoán" ở lễ hội Linh tinh tình phộc - 2

Hai vật linh được cất kỹ trong miếu, chỉ lấy ra khi làm "lễ mật"

Đúng 0 giờ, cụ chủ lễ Chử Bá Thơ lấy ra cặp sinh thực khí bằng gỗ được cất rất cẩn thận trong chiếc hòm đỏ phía trên bàn thờ trong miếu. Lúc này, miếu Đụ Đị như muốn sập bởi dân làng xô đẩy, chen nhau cố để nhìn tận mắt “hai vật thiêng”. Bởi chỉ cần hai vật được đưa đến tay đôi nam nữ, ánh đèn sẽ tắt hết.

Cụ chủ lễ phải dừng lại nhắc nhở các cháu nam nữ thanh niên trật tự, không tò mò chen lấn xô đẩy sẽ làm cho “lễ mất thiêng”. Cụ cũng nhắc nhở, chỉ có cụ mới được hô lễ “tháo khoán”, sau khi làm xong “lễ mật”. Thanh niên không được phép tự hô “vô tổ chức" như thế!.

"Tháo khoán" ở lễ hội Linh tinh tình phộc - 3

Cụ chủ lễ mở hộp, lấy ra hai vật linh

"Tháo khoán" ở lễ hội Linh tinh tình phộc - 4

Người dân cố chen chúc nhau để được tận mắt mình thấy vật linh

Rồi cụ chủ lễ đưa “linh vật” cho một cặp nam nữ, người nam cầm “cái của nam” còn người nữ cầm “cái của nữ”. Đèn tắt phụt, đồng thời vang lên khẩu lệnh của cụ chủ lễ “linh tinh tình phộc”. Sau khẩu lệnh, đôi nam nữ “phộc” sinh thực khí bằng gỗ vào nhau 3 lần.

Trong bóng tối, dân làng nín thở chờ đợi. Họ tin rằng nếu đôi trai gái đâm trúng cả 3 lần thì năm đó, âm dương hòa hợp, mùa màng tươi tốt, cây cối xanh tươi...

Sự chờ đợi đã được đền đáp, sau đủ 3 lần “phộc”, đèn lại sáng, “lễ mật – linh tinh tình phộc” đã thành công. Khuôn mặt Chủ tịch xã và Phó chủ tịch xã rạng rỡ hẳn lên.

"Tháo khoán" ở lễ hội Linh tinh tình phộc - 5

Phần quan trọng nhất lễ hội: Hai sinh thực khí chạm vào nhau

Lễ mật xong, cụ chủ lễ hô to “tháo khoán”, lúc này, các đôi trai gái trong làng được “tự do yêu đương”, thỏa sức làm “chuyện trai gái” nếu muốn. Nếu 9 tháng 10 ngày sau sinh con, đứa con ấy được coi là “trời ban”, cả làng sẽ cùng nhau nuôi dưỡng.

Theo cụ chủ lễ Chử Bá Thơ, ngày xưa nếu ai yêu nhau nhưng bị lễ giáo phong kiến không cho thành vợ thành chồng, thì đây là lúc để vượt qua ngăn cản, có nhau một đêm xuân tình yêu mặn nồng. Còn lại, đây là lúc để các đôi trai gái tìm nhau, nếu có tình yêu và tiến tới hôn nhân chính là “duyên trời ban”, không ai có quyền ngăn cấm.

Tuy vậy, cụ Thơ cho biết, trước kia, nơi đây là rừng trám nên các đôi trai gái có chỗ kín đáo để tâm sự. Nhưng giờ, rừng không còn nữa, các cặp trai gái cũng không còn chỗ để “tâm tình”. Phần nữa, có thể do ngày nay tình yêu được tự do, cởi mở hơn nên nhu cầu “tâm sự” tại chỗ cũng không nhiều.

Quả vậy, tại lễ hội Linh tinh tình phộc năm nay, sau khi lễ mật thành công, các đôi trai gái không đi tìm “nơi tâm sự”. Họ trải chiếu trước miếu, cùng nhau thụ lộc, tâm tình.

Trong đêm hội, các đôi trai gái vừa ăn xôi thịt vừa đồng thanh hát: “Người ta câu diếc câu rô / Tôi nay câu lấy một cô không chồng / Người ta câu bể câu sông / Tôi nay câu lấy cháu ông cháu bà...”.

Gần 1 giờ sáng, tiếng hát tiếng cười vẫn rộn ràng xóm nhỏ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Tết Nguyên đán 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN