Thành ủy Hà Nội xem xét kỷ luật một số cán bộ liên quan công ty AIC
Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội sẽ xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên tại một số đơn vị và tại Đảng ủy Đại học Quốc gia Hà Nội do có liên quan đến công tác lãnh đạo, thực hiện các dự án/gói thầu do Công ty AIC và 'hệ sinh thái' AIC thực hiện từ năm 2011 - 2021.
Tại Hội nghị lần thứ 18 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội sáng 25/6, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy (điều hành Thành ủy) Nguyễn Thị Tuyến cho biết, Hội nghị sẽ xem xét hình thức kỷ luật một số đảng viên theo thẩm quyền.
Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Tuyến, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố sẽ tiến hành quy trình để kiểm điểm trách nhiệm, xem xét hình thức kỷ luật một số đảng viên theo thẩm quyền liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các dự án/gói thầu do Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC (Cty AIC) và các doanh nghiệp thuộc “hệ sinh thái” AIC thực hiện từ năm 2011 đến năm 2021 tại một số đơn vị trên địa bàn thành phố và tại Đảng ủy Đại học Quốc gia Hà Nội.
ĐHQG Hà Nội. Ảnh: PV.
Cty AIC được Sở KH&ĐT Hà Nội cấp giấy phép kinh doanh hồi tháng 5/2010, do bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Liên tiếp trong nhiều năm, công ty này trúng hàng loạt gói thầu trong lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường..., quy mô lớn tại nhiều địa phương trên cả nước.
Sau khi bị cơ quan chức năng phát hiện các hành vi vi phạm, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và nhiều cán bộ, đảng viên tại nhiều địa phương, đơn vị bị khởi tố trong nhiều vụ án hình sự. Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn được xác định đã bỏ trốn, hiện bị Bộ Công an phát lệnh truy nã. Dù thế, bà Nhàn bị xét xử vắng mặt trong một số vụ án, bị tuyên phạt nhiều năm tù.
Liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư công, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến chỉ rõ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm của Hà Nội đạt 18,6%, thấp hơn cùng kỳ là 24,8%; ước đến hết tháng 6/2024 là 22.870 tỷ đồng, đạt 28,2% kế hoạch. Theo bà Tuyến, tiến độ thực hiện một số dự án có vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ, không đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời có một số dự án có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ triển khai hoặc đã đủ thủ tục, điều kiện để bố trí vốn khởi công… Nguyên nhân chủ yếu của việc giải ngân thấp là từ khâu tổ chức thực hiện, công tác giải phóng mặt bằng, công tác chỉ đạo. Đây là nguyên nhân đã được nhận diện và chỉ ra từ nhiều năm nay, đã có nhiều chỉ đạo, giải pháp quyết liệt được đưa ra nhưng kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng. Bà Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu, cần xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể gây ảnh hưởng đến tiến độ chung của thành phố theo đúng tinh thần Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Tuyến cũng yêu cầu rà soát, đánh giá khả năng thực hiện các chương trình, nhiệm vụ, dự án nằm trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025, các dự án dân sinh bức xúc, dự án trong các lĩnh vực môi trường, văn hóa, giáo dục, y tế, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… |
Trả lời câu hỏi liên quan đến bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong vụ án Công ty AIC, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết đây là vấn...
Nguồn: [Link nguồn]