Thanh tra Chính phủ phản hồi về kiến nghị bỏ việc kiểm tra tài sản theo kiểu bốc thăm may rủi
Cử tri cho rằng, cần áp dụng và tăng cường các biện pháp quản lý khoa học, nhất là quản lý dòng tiền, nguồn thu nhập của cán bộ, công chức, như các nước tiên tiến trên thế giới đang làm. Đồng thời, kiến nghị xem xét không nên áp dụng việc kê khai và giám sát kê khai tài sản theo kiểu bốc thăm hiện nay.
Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN còn bất cập?
Tại Báo cáo số 362/BC-TTCP về kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, cử tri Tây Ninh cho rằng, bộ chỉ số đánh giá công tác Phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Thanh tra Chính phủ (TTCP) còn một số bất cập về tiêu chí điểm.
Ngoài ra, cử tri cho rằng, bộ chỉ số còn đặt ra tiêu chí kết quả xử lý kỷ luật hành chính đối với tổ chức, trong khi pháp luật hiện hành hoàn toàn không có quy định kỷ luật hành chính. Do đó, để minh chứng việc xử lý, thanh tra tỉnh buộc phải vận dụng lấy kết quả xử lý về mặt Đảng đối với tổ chức Đảng để xảy ra tham nhũng. Tuy nhiên, việc này không thuộc thẩm quyền kiểm soát của chính quyền địa phương, thực tế một số trường hợp tổ chức Đảng để xảy ra tham nhũng không kỷ luật mà chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm nên TTCP không đồng ý, từ đó trừ điểm của tỉnh...
Giải đáp thắc mắc của cử tri, TTCP cho biết, tiêu chí đánh giá về công tác PCTN được quy định tại Điều 17 Luật PCTN 2018, gồm: Số lượng, tính chất và mức độ của vụ việc, vụ án tham nhũng; việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN; thực hiện các biện pháp PCTN; phát hiện, xử lý tham nhũng và thu hồi tài sản.
Theo TTCP, bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh hàng năm do TTCP xây dựng và ban hành căn cứ vào các tiêu chí nêu trên, được cụ thể hóa theo quy định tại các Điều 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21 của Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 của Chính phủ. Trong đó, tiêu chí phát hiện và xử lý tham nhũng được quy định chi tiết tại Điều 19.
Theo đó, tiêu chí phát hiện tham nhũng gồm các tiêu chí thành phần như: Kết quả phát hiện tham nhũng qua công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; qua phản ánh, tố cáo, báo cáo và qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
Tiêu chí đánh giá việc xử lý tham nhũng bao gồm: Kết quả xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính với tổ chức, cá nhân có vi phạm; kết quả xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng.
TTCP cho rằng, bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh hàng năm được áp dụng chung trên phạm vi cả nước; các tỉnh đều tự đánh giá trên cùng một mặt bằng, cùng phương pháp tính điểm để có thể so sánh mức độ đạt hiệu quả. Do đó, kết quả đánh giá một số tiêu chí thành phần không đạt điểm tuyệt đối 100% là điều thường xảy ra đối với tất cả các địa phương.
TTCP vừa tiến hành bốc thăm ngẫu nhiên, chọn cán bộ xác minh tài sản thu nhập.
Cần quản lý dòng tiền, nguồn thu nhập của cán bộ
Trong khi đó, cử tri Đà Nẵng kiến nghị cần áp dụng và tăng cường các biện pháp quản lý khoa học, nhất là quản lý dòng tiền, nguồn thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và toàn xã hội như các nước tiên tiến trên thế giới đang làm. Đồng thời, xem xét không nên áp dụng việc kê khai và giám sát kê khai tài sản theo kiểu bốc thăm hiện nay.
Phản hồi kiến nghị trên, TTCP cho hay, Luật PCTN 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có quy định cụ thể nhằm kiểm soát tài sản, thu nhập đối với người có chức vụ, góp phần kiểm soát, quản lý dòng tiền và nguồn thu nhập của cán bộ, công chức.
Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 Phê duyệt Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập".
Hiện nay, TTCP đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập trong phạm vi cả nước. Đây là cơ sở dữ liệu có vai trò quan trọng trong công tác PCTN, nhằm thực hiện có hiệu quả Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 8/2/2022 của Bộ Chính trị về quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.
TTCP cho biết, hằng năm, đơn vị cũng xây dựng định hướng xác minh tài sản, thu nhập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo cơ quan thanh tra xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm và tổ chức thực hiện; nơi không có cơ quan thanh tra thì chỉ đạo đơn vị phụ trách công tác tổ chức cán bộ thực hiện.
Bên cạnh đó, TTCP đang tổng hợp báo cáo và xem xét kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan về những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập. Trong đó có việc tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh tài sản, thu nhập bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính để làm cơ sở nghiên cứu và tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật đối với nội dung này.
Trao đổi với PV Tiền Phong, nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến có quan điểm rằng, bốc thăm xác minh tài sản thu nhập của cán bộ, công chức chỉ mang tính may rủi, rơi vào ai thì xác minh người đó. Một cơ quan Nhà nước không nên dựa vào sự “may rủi” để làm, bởi điều này không thể hiện được tính khách quan, khoa học.
Theo đại biểu Lê Như Tiến, chúng ta có rất nhiều cơ quan kiểm tra của Đảng, Thanh tra của chính quyền, từ Bộ ngành đến các tỉnh thành đều có thanh tra; rồi cơ quan giám sát dân cử của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; cơ quan giám sát phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Với nhiều cơ quan như thế, chúng ta hoàn toàn có thể biết được ai, cán bộ, tổ chức nào tham nhũng hoặc dễ có điều kiện tham nhũng. Việc làm của chúng ta là phải xem xét đơn tố cáo của công dân về những cán bộ, tổ chức có dấu hiệu tham nhũng để vào cuộc điều tra, xác minh.
“Nếu bốc thăm, có khi bốc phải những người không có tài sản hoặc rất ít tài sản để xác minh. Trong khi, người có nhiều tài sản lại lọt”, ông Tiến nói.
Năm 2023, Hà Nội sẽ xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ tại 24 đơn vị với hình thức bốc thăm ngẫu nhiên.
Nguồn: [Link nguồn]