Thanh tra Chính phủ: Nhiều sai phạm về đất đai tại Gia Lai

Sự kiện: Thời sự
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra hành vi trốn thuế trong việc đấu giá, chuyển nhượng 373 lô đất. 

Ngày 12-8, nguồn tin PLO cho hay UBND tỉnh Gia Lai đã xây dựng kế hoạch khắc phục các sai phạm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về trách nhiệm của UBND tỉnh trong quản lý, sử dụng đất đai, đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; hoạt động khai thác cát, đất, đá, sỏi và quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Thanh tra Chính phủ xác định tỉnh Gia Lai có nhiều thiếu sót, vi phạm quy định pháp luật đất đai, gây thất thu ngân sách, với số tiền sai phạm gần 410 tỉ đồng.

Giao đất không đúng thẩm quyền, quy hoạch

Theo Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2020, UBND tỉnh Gia Lai ban hành 308 quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích hơn 5.752 ha. Trong đó, giao đất không thu tiền tiền sử dụng đất 133 hồ sơ với diện tích 2.699 ha; cho thuê đất 171 hồ sơ với diện tích hơn 3.000 ha.

Qua thanh tra điểm đối với 11 hồ sơ dự án cho thấy việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất có vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư như thực hiện không đúng, không đầy đủ trình tự, thủ tục trong việc giao đất, cho thuê đất, bàn giao đất trên thực địa, cho thuê đất để thực hiện dự án không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Dự án tổ hợp khách sạn- nhà ở thương mại tại số 29 Nguyễn Văn Cừ, TP Pleiku được quy hoạch đất cơ sở văn hóa nhưng chuyển sang hạng mục nhà phố thương mại. Ảnh: LK.

Dự án tổ hợp khách sạn- nhà ở thương mại tại số 29 Nguyễn Văn Cừ, TP Pleiku được quy hoạch đất cơ sở văn hóa nhưng chuyển sang hạng mục nhà phố thương mại. Ảnh: LK.

Mặt khác, UBND tỉnh Gia Lai ban hành quyết định tạm giao đất không đúng thẩm quyền, không thu hồi đất bàn giao địa phương quản lý theo quy định, không kiểm tra, rà soát, xử lý, làm rõ diện tích đất công ty quản lý, sử dụng trước khi phê duyệt phương án cổ phần hóa; không yêu cầu các đơn vị nộp số tiền bằng 20% giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với nhà nước để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Các dự án chậm tiến độ nhưng không thu hồi tiền ký quỹ, chấm dứt thực hiện dự án, thu hồi đất theo quy định; thực hiện không đúng trình tự trong việc xác định, phê duyệt giá đất cụ thể; cho thuê đất thực hiện dự án nhưng không tổ chức thẩm định năng lực tài chính, nhu cầu sử dụng đất của chủ đầu tư; khởi công xây dựng dự án khi chưa được cho thuê đất...

Thanh tra Chính phủ xác định trách nhiệm để xảy ra tồn tại, thiếu sót nêu trên thuộc chủ tịch UBND tỉnh, phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách, giám đốc các Sở TN&MT, Tài chính, Xây dựng, NN&PTNT, Công Thương, các tổ chức, cá nhân liên quan qua các thời kỳ.

Để cá nhân thâu tóm hàng trăm lô đất, trốn thuế

Kết quả thanh tra tại chín đơn vị cấp huyện gồm TP Pleiku, thị xã An Khê, thị xã Ayun, các huyện Chư Sê, Chư Prông, Đắk Đoa, Đức Cơ, Kbang, Ia Grai cho thấy có hiện tượng một số người trúng đấu giá hàng chục đến cả trăm lô đất. Những lô đất trúng đấu giá này sau đó không được xây dựng, để hoang hóa, hạ tầng xuống cấp gây mất mỹ quan, lãng phí tài nguyên đất.

Thanh tra Chính phủ phát hiện có đến 373 lô đất đấu giá thành công nhưng giá trị chuyển nhượng rất thấp. 373 lô có giá trị đấu giá hơn 144 tỉ đồng, trong khi kê khai chuyển nhượng chỉ 46 tỉ đồng.

Thanh tra Chính phủ xác định cơ quan thuế chỉ căn cứ vào giá trị ghi trong hợp đồng chuyển nhượng hoặc giá trong bảng giá đất của UBND tỉnh để tính thuế mà không căn cứ vào kết quả trúng đấu giá.

Cơ quan thuế chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý thu thuế. Hành vi kê khai giá trị chuyển nhượng thấp hơn giá trị trúng đấu giá có dấu hiệu kê khai không trung thực nhưng cơ quan chuyên môn, thuế không kịp thời tham mưu xử lý theo thẩm quyền, gây thất thu ngân sách hơn 98 tỉ đồng.

Dự án Trung tâm hành chính- đô thị sinh thái phía đông thị trấn Chư Sê xảy ra tình trạng cá nhân gom đất đấu giá, chậm nộp tiền, chuyển nhượng giá thấp gây thất thu thuế. Ảnh: LK.

Dự án Trung tâm hành chính- đô thị sinh thái phía đông thị trấn Chư Sê xảy ra tình trạng cá nhân gom đất đấu giá, chậm nộp tiền, chuyển nhượng giá thấp gây thất thu thuế. Ảnh: LK.

Có trường hợp lô đất trúng đấu giá 4,2 tỉ đồng nhưng khi chuyển nhượng chỉ 50 triệu đồng.

Thanh tra Chính phủ cũng kết luận tỉnh Gia Lai có nhiều sai phạm trong việc giao đất không thông qua đấu giá, như xác định sai giá trị đất để tính thuế, giao đất không đúng quy định, giao đất nhưng không có biên bản giao đất; thực hiện đấu giá khi chưa ban hành quyết định đấu giá quyền sử dụng đất, chậm nộp tiền đấu giá nhưng không bị thu hồi tiền đặt cọc…

Tại TP Pleiku có 121 trường hợp giao đất không thông qua đấu giá không đúng quy định. Giá đất năm 2016 nhưng thu tiền sử dụng đất của năm 2013, gây thất thu ngân sách hơn 8 tỉ đồng.

Còn tại huyện Chư Sê, năm 2019 đấu giá quyền sử dụng đất dự án khu trung tâm hành chính- đô thị sinh thái phía đông thị trấn Chư Sê chậm nộp tiền đấu giá đất, quá thời hạn nhưng chính quyền địa phương không phát hiện, không thu hồi mà còn cho phép gia hạn. Có những cá nhân trúng đấu giá từ vài chục đến hơn 100 lô đất chậm nộp tiền trúng đấu giá đất nhưng UBND huyện Chư Sê thiếu kiểm tra, không hủy kết quả đấu giá theo quy định mà còn gia hạn thời gian nộp tiền.

Thanh tra Chính phủ xác định trách nhiệm để xảy ra như trên thuộc về chi cục thuế các huyện, Cục Thuế tỉnh Gia Lai, chủ tịch, phó chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP Pleiku cùng các cá nhân liên quan.

Yêu cầu xử lý trách nhiệm hàng loạt cán bộ

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016-2020.

Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Gia Lai tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân chủ tịch, các phó chủ tịch UBND tỉnh giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn có liên quan về những thiếu sót, tồn tại, vi phạm đã nêu; tiến hành khắc phục, xử lý theo kết luận.

Đồng thời, chỉ đạo thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP, các tổ chức, cá nhân liên quan kiểm điểm nghiêm túc, có hình thức xử lý trách nhiệm theo quy định. Giao cơ quan chức năng xử lý số tiền vi phạm gần 410 tỉ đồng.

Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Gia Lai rà soát lại 373 lô đất kê khai giá chuyển nhượng thấp hơn giá trị đấu giá; chỉ đạo Cục Thuế tỉnh phối hợp cơ quan công an điều tra hành vi trốn thuế.

Nguồn: [Link nguồn]

Ban An toàn giao thông TP.HCM sẽ đề nghị cơ quan chuyên ngành, chuyên môn đảm bảo hạ tầng và tổ chức giao thông, trong đó phải khảo sát, đánh giá lại thiết kế hạ tầng như độ dốc, mặt đường cầu Phú Mỹ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo LÊ KIẾN ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN