Thanh tra Chính phủ “điểm danh” sai phạm của Hà Nội

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND TP Hà Nội có khuyết điểm và sai phạm trong việc quản lý ngân sách, đầu tư dự án, quản lý và sử dụng đất đai…

Ngày 23.4, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã thông báo kết luận thanh tra số 1004/TB-TTCP đối với việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với UBND TP Hà Nội.

Nương tay với nhà đầu tư sai phạm

Theo thông báo kết luận thanh tra, trong công tác quản lý ngân sách, tài chính, tài sản, UBND TP cũng như các quận Hà Đông, Long Biên… chậm công khai dự toán, quyết toán thu - chi ngân sách theo quy định của Bộ Tài chính.

Thanh tra Chính phủ “điểm danh” sai phạm của Hà Nội - 1

Giải phóng mặt bằng để phục vụ xây dựng tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG

Ngoài ra, các quận Long Biên, Cầu Giấy, Hà Đông; huyện Từ Liêm (cũ) và Sở Y tế Hà Nội… công khai quản lý sử dụng tài sản chưa đúng biểu mẫu; chưa tổng hợp kết quả thực hiện công khai việc quản lý, sử dụng tài sản của các đơn vị trực thuộc theo quy định…

“Việc quản lý tiền thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước do lịch sử để lại. Qua các thời kỳ còn hạn chế, bất cập, thiếu quy định cụ thể về chế tài xử lý dẫn đến tình trạng có tổ chức, cá nhân chây ỳ; khiếu nại, tố cáo phức tạp trong việc nộp ngân sách nhà nước các khoản thuê trong nhiều năm” - kết luận thanh tra nêu rõ.

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư dự án chưa chấp hành nghiêm việc nộp thuế đất; việc thuê các đơn vị thẩm định giá để xác định giá đất theo quy định của Bộ Tài chính đạt hiệu quả thấp, giá đất sau thẩm định tăng ít so với khung giá UBND TP quy định…

Trong lĩnh vực đầu tư dự án, đầu tư xây dựng công trình giao thông, hạ tầng đô thị, kết luận của TTCP chỉ rõ việc một số chủ đầu tư không chấp hành báo cáo giám sát đầu tư nhưng TP chưa có biện pháp xử lý dứt điểm theo những quy định hiện hành. Công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước đối với các dự án chưa thường xuyên; một số chủ đầu tư triển khai đền bù giải phóng mặt bằng, ký hợp đồng thuê đất, bàn giao đất dự án tại thực địa chậm hoặc thiếu năng lực tài chính dẫn tới một số dự án chậm triển khai, việc xử lý các đơn vị chưa triệt để.

“Đáng chú ý, một số chủ đầu tư chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu như chưa lựa chọn nhà thầu, trình tự đánh giá hồ sơ dự thầu… Công tác quản lý dự án, giám sát tiến độ của một số chủ đầu tư đối với nhà thầu chưa thường xuyên so với tiến độ phê duyệt, phải điều chỉnh lại tổng mức đầu tư, làm tăng vốn ngân sách” - TTCP chỉ rõ.

Sử dụng đất sai mục đích

Riêng trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai, qua kiểm tra thực tế, TTCP chỉ ra một số dự án vi phạm quy hoạch sử dụng đất, sử dụng đất sai mục đích; có dự án sau khi được giao đất, chậm triển khai trên 24 tháng; đồng thời vi phạm quy hoạch, xây dựng trái phép nhưng chưa được cơ quan chức năng xử lý triệt để. Ngoài ra, Hà Nội ban hành quyết định giao đất tại một số dự án nhưng chậm tính tiền sử dụng đất, chậm bàn giao đất trên thực địa…, thậm chí, một số tổ chức sử dụng đất từ trước Luật Đất đai năm 2003 không có giấy tờ sử dụng đất, chưa được công nhận quyền sử dụng đất.

Đối với công tác thu hồi, bồi thường và giải phóng mặt bằng, TTCP cho rằng tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư diễn ra tại các dự án còn quá chậm. Năm 2011, có 291 dự án đã có quyết định thu hồi đất nhưng chậm hoàn thành công tác GPMB hoặc chưa triển khai GPMB; năm 2012, có 154 dự án chậm GPMB; 6 tháng đầu năm 2013, có 131/137 dự án chưa hoàn thành công tác GPMB.

Điển hình như trên địa bàn huyện Từ Liêm (cũ) còn tồn tại cơ chế đặc thù trong chính sách bồi thường, tái định cư đã tạo nên cách tính không công bằng, minh bạch. Tại quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm (cũ), công tác quản lý đất công còn thiếu chặt chẽ, thiếu công khai, minh bạch như không có hồ sơ địa chính, để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép, cho thuê trái phép…

TTCP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP Hà Nội nghiên cứu cơ chế xử lý đối với một số dự án đã GPMB xong, do điều chỉnh quy hoạch, phương án sản xuất kinh doanh… Mặt khác, TTCP cũng yêu cầu UBND Hà Nội có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những mặt còn hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm về quản lý tài chính, ngân sách, đất đai.

Xét xử hàng trăm bị cáo tham nhũng

Kết luận nêu rõ: Từ năm 2011 đến tháng 9-2013, Hà Nội thực hiện 803 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm 861 tỉ đồng và trên 1.800 ha đất, kiến nghị thu hồi trên 1.700 ha đất và 842 tỉ đồng. Công an TP Hà Nội khởi tố 238 đối tượng; kết thúc điều tra, chuyển VKSND đề nghị truy tố 57 vụ với 193 bị can; tài sản thiệt hại 386 tỉ đồng, hơn 116.000 ha đất; TAND TP đã xét xử 54 vụ với 128 bị cáo về những hành vi tham nhũng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Quyết (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN