Thanh tra Chính phủ chỉ ra sai phạm, Bộ LĐ-TB&XH nói chỉ 'rút kinh nghiệm'
Bộ LĐ-TB&XH cho rằng Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH không sai khi không xử phạt hết lỗi của doanh nghiệp nhưng đã phê bình và yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH vừa có báo cáo bổ sung kết quả xử lý sau thanh tra đối với đề nghị xử lý trách nhiệm của Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH do không xử phạt hết lỗi vi phạm của doanh nghiệp trong quá trình thanh tra.
Không xử phạt hết lỗi vì... doanh nghiệp khó khăn
Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH cho biết sau khi có kết luận, đơn vị đã rà soát tất cả các lỗi mà Thanh tra Chính phủ chỉ ra. Tuy nhiên, chiếu theo Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính, việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ biên bản vi phạm hành chính, trong khi Chánh thanh tra không được lập biên bản vi phạm hành chính mà chỉ lập biên bản thanh tra. Vì vậy, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH không có căn cứ để ban hành quyết định xử phạt.
Trong thời kỳ năm 2015-2018, một số doanh nghiệp không bị xử phạt hết các hành vi vi phạm hành chính vì nhiều lý do. Chẳng hạn doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, hoạt động không hiệu quả; hành vi vi phạm không gây hậu quả nghiêm trọng cho nhà nước và người lao động.
Ngoài ra, giai đoạn 2015 - 2018, doanh nghiệp bị xử phạt sẽ không được Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN) giới thiệu đổi giấy phép đưa lao động đi làm việc tại Đài Loan. Điều này gây ra khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Mặt khác, thực hiện Nghị quyết 35/2016 của Chính phủ với tinh thần hỗ trợ tối đa, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật nên mới có sự việc trên.
Người lao động đi làm việc tại Nhật Bản. Ảnh: V.LONG
Đối với đề nghị của Thanh tra Chính phủ trong việc xử lý số tiền gần chín tỉ đồng do Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH không xử phạt hết lỗi vi phạm hành chính, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng vi phạm của doanh nghiệp xảy ra trước thời điểm Thanh tra Chính phủ thanh tra, đến thời điểm báo cáo đã hết thời hiệu xử phạt và không có cơ sở để xác định doanh nghiệp còn vi phạm lỗi đó hay không. Do đó Bộ LĐ-TB&XH không xử lý được số tiền do không xử phạt.
Cơ quan này cũng cho biết qua xem xét đánh giá, Chánh thanh tra cơ bản xử lý nghiêm đối với các vi phạm của doanh nghiệp, chưa phát hiện Chánh Thanh tra có hành vi trục lợi hay lạm dụng chức vụ, quyền hạn.
Tuy nhiên, bộ này cũng thừa nhận thiếu sót của Chánh Thanh tra là không kịp thời chấn chỉnh các trưởng đoàn thanh tra khi không lập biên bản vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp. Do vậy, Bộ LĐ-TB&XH đã phê bình và yêu cầu Chánh Thanh tra nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Cục trưởng cũng chỉ… “nghiêm khắc rút kinh nghiệm”
Về khắc phục các thiếu sót trong quá trình thanh tra, Bộ LĐ-TB&XH cho biết dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trong năm 2021, đơn vị vẫn thanh tra 16 doanh nghiệp theo danh sách Thanh tra Chính phủ yêu cầu.
Qua đó, thu hồi giấy phép hoạt động ba doanh nghiệp, đình chỉ hoạt động có thời hạn 12 tháng ba doanh nghiệp, xử phạt 12/16 doanh nghiệp với số tiền 699 triệu đồng.
“Trong năm 2022, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai phiếu tự kiểm tra đến tất cả các doanh nghiệp còn lại để các doanh nghiệp báo cáo kết quả thực hiện, từ đó sẽ có biện pháp thanh tra, chấn chỉnh trong năm 2023…” - Bộ LĐ-TB&XH cho hay.
Về trách nhiệm của Cục trưởng QLLĐNN giai đoạn 2012-2019 đối với sai phạm trong tham mưu và không ban hành kết luận thanh tra, Bộ LĐ-TB&XH cho biết ngày 2-7-2021 đơn vị đã họp và yêu cầu cục trưởng nghiêm túc rút kinh nghiệm để thời gian tới không xảy ra các vi phạm tương tự.
Như PLO đã đưa tin, năm 2020 Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận về việc quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó chỉ ra hàng loạt sai phạm tại Bộ LĐ-TB&XH.
Điển hình như việc Cục QLLĐNN không có biện pháp để loại bỏ môi giới theo thỏa thuận đã ký mà còn để tình trạng công ty môi giới của Nhật Bản ký hợp đồng với doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có yêu cầu tiền môi giới (thực tế là tiền của người lao động).
Khó hiểu hơn, ngày 12-8-2008, Cục QLLĐNN tham mưu cho Bộ LĐ-TB&XH ban hành Quyết định 61. Trong đó có nội dung quy định mức tiền môi giới tối đa người lao động hoàn trả cho doanh nghiệp đối với thị trường Nhật Bản là 1.500 USD/người/hợp đồng. Trong giai đoạn năm 2013-2018 có 175.239 người lao động đi làm việc ở Nhật Bản phải chi trả khoản tiền môi giới với mức thu do Bộ LĐ-TB&XH quy định.
Từ các sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý nghiêm theo quy định đối với Cục trưởng Cục QLLĐNN giai đoạn năm 2012-2016; xử lý trách nhiệm Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH thời kỳ 2015-2018.
Đến hết tháng 6-2022, số tiền nợ bảo hiểm của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội là hơn 5.100 tỉ đồng. Hiện cơ quan chức năng đang phối hợp xử lý các doanh nghiệp nợ...
Nguồn: [Link nguồn]