Thanh niên uống rượu từ tối qua đến chiều nay vẫn vi phạm nồng độ cồn
Thấy kết quả kiểm tra nồng độ cồn có vi phạm, thanh niên điều khiển xe máy thắc mắc: Uống rượu từ tối hôm qua đến chiều nay sao vẫn "dính"?
Anh Vi Anh T. ký biên bản sau khi thắc mắc: Uống rượu từ tối hôm qua đến chiều ngày hôm nay sao vẫn vi phạm nồng độ cồn?
Chiều 13/5, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại nút giao thông Huỳnh Thúc Kháng - Láng Hạ, Tổ công tác CSGT Hà Nội thực hiện chuyên đề kiểm tra, xử lý đối với người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia.
Tổ công tác tiến hành dừng xe máy mang BKS 23B1-389.6x do anh Vi Anh T. (SN 1999, ở xã Nạm Ban, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) chở phía sau anh Phạm Bá B. (SN 1995, ở Bách Thuận, Vũ Thư, Thái Bình).
Khi CSGT kiểm tra nồng độ cồn, anh T. khá tự tin. Nhưng khi kết quả đo nồng độ cồn cho thấy vi phạm 0,202 mi li gam/1 lít khí thở, anh T. giật mình thắc mắc: "Tôi uống rượu liên hoan với bạn bè từ tối ngày hôm qua, sao bây giờ vẫn ra kết quả vi phạm nồng độ cồn?"
Thượng uý Nguyễn Hải Anh, Tổ trưởng Tổ công tác giải thích, với người sử dụng bia rượu nhiều, thì dù uống từ ngày hôm trước, hôm sau vẫn còn nồng độ cồn trong cơ thể. Và điều đó vẫn ảnh hưởng đến quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông, gây nguy hiểm cho chính bản thân anh T. và những người tham gia giao thông khác.
Sau khi được Tổ công tác tuyên truyền và trước kết quả vi phạm nồng độ cồn rõ ràng, anh T. đã "tâm phục khẩu phục" ký vào biên bản vi phạm.
Anh Trần Việt C. điều khiển phương tiện 20H1-210.4.x vừa đi sinh nhật bạn về vi phạm nồng độ cồn 0,302 mi li gam/1 lít khí thở
Chỉ ít phút sau, Tổ công tác tiếp tục dừng xe máy 29H1-210.4x cũng của nam thanh niên điều khiển. Khi CSGT yêu cầu vào chốt, thanh niên điều khiển xe máy 29H-210.4x cũng không biết mình vi phạm lỗi gì, vì xe giấy tờ đầy đủ, có đội MBH, đeo khẩu trang.
Chỉ khi CSGT thông báo kiểm tra chuyên đề nồng độ cồn, thanh niên này mới giật mình. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển xe máy 29H1-210.4x là anh Trần Việt C. (SN 1990, ở Tân Mai, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) vi phạm mức 0,302 mi li gam/1 lít khí thở. Anh C. trình bày, vừa đi sinh nhật bạn về và mình có uống 4 cốc bia, đồng thời kí vào biên bản vi phạm.
Thượng uý Nguyễn Hải Anh cho biết, với mức vi phạm nồng độ cồn 0,202 mi li gam/1 lít khí thở của anh T., tài xế sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng, tước GPLX từ 10-12 tháng và tạm giữ xe đến 7 ngày. Còn đối với lỗi vi phạm của anh C. (mức 0, 302 mi li gam/1 lít khí thở), sẽ bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng, tước GPLX từ 16-18 tháng và tạm giữ xe đến 6 ngày theo quy định.
Anh Vi Anh T. đọc lại biên bản vi phạm nồng độ cồn mà CSGT vừa lập
Thượng uý Nguyễn Hải Anh cho biết, sau khi kết thúc thời gian cách ly xã hội phòng dịch Covid-19, các quán ăn, quán nhậu quanh các tuyến đường Đội CSGT số 3 phụ trách hoạt động tấp nập trở lại, lượng người đến quán uống bia, rượu rất đông và rất nhiều người uống rượu bia say vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
“Quá trình kiểm tra cho thấy, nhiều người vi phạm biết được tính tăng nặng của Nghị định số 100 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, đã có ý thức hơn. Tuy nhiên, sau giãn cách xã hội, do thực hiện cách ly thời gian dài ít gặp bạn bè, nên nhiều người mải vui, nâng ly mà "quên" mất sau đó sẽ vi phạm giao thông", Thượng uý Hải Anh nói.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Trung tá Đặng Mạnh Hùng, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 3 thông tin, để đảm bảo ATGT sau đợt cách ly xã hội, Đội CSGT số 3 tiếp tục thành lập các tổ công tác, đẩy mạnh tiến hành kiểm tra xử lý chuyên đề nồng độ cồn.
Để đảm bảo ATGT cho người tham gia giao thông, các Tổ công tác của Đội CSGT số 3 sẽ tăng cường TTKS, xử lý vi phạm nồng độ cồn. Trong quá trình TTKS, các cán bộ, chiến sỹ CSGT sẽ giải thích, tuyên truyền cho người vi phạm hiểu được tác hại về việc sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là nguy hiểm cho chính họ và người tham gia giao thông trên đường.
“Để tránh người của nhà hàng báo cho khách về vị trí Tổ công tác lập chốt, các tổ công tác liên tục thay đổi địa bàn, xử lý bất chợt, cách làm này hiện đem lại hiệu quả xử lý vi phạm nồng độ cồn khá tốt”, Thượng uý Hải Anh nói.
Theo Trung tá Hùng, từ đầu năm 2020 đến nay, các tổ công tác Đội CSGT số 3 đã kiểm tra, lập biên bản 166 trường hợp người điều khiển xe máy lưu thông trên địa bàn vi phạm nồng độ cồn, góp phần kiềm chế TNGT, đảm bảo ATGT trên địa bàn quản lý.
Nguồn: [Link nguồn]
Chi cục Thuế huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã tạm dừng công việc với cán bộ vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, cự cãi...