Thành lập tổ bí mật kiểm tra CSGT Hà Nội

Đại tá Đào Vĩnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Hà Nội ngày 11/4 cho biết: "Chúng tôi đã thành lập 5 tổ thanh kiểm tra cả công khai, bí mật, hàng ngày kiểm tra giám sát tác phong của CSGT tại nơi làm việc, thậm chí cả nơi ăn chốn ở, nơi tiếp khách....".

"Đã có cán bộ, chiến sĩ bị rút về làm tại văn phòng do có thái độ chưa đúng mực hoặc không làm đúng quy trình. Tổ giám sát sẽ làm đùng quy trình, nếu chốt giao thông nào có chiến sĩ cư xử, làm việc chưa đúng mực thì sẽ quy trách nhiệm cho người lãnh đạo, chỉ huy của chốt, phòng đó.

Việc tác phong của CSGT làm việc nghiêm túc, đúng mực cũng là một trong những điều nằm trong việc gây dựng hình ảnh người chiến sĩ CSGT Hà Nội thân thiện với người dân", ông Thắng cho biết thêm.
 
Trước đó, Phòng CSGT Hà Nội đã đề ra 8 bước thực hiện để làm tăng hình ảnh đẹp người chiến sĩ CSGT trong mắt người dân.

Thành lập tổ bí mật kiểm tra CSGT Hà Nội - 1

Hà Nội đang nỗ lực xây dựng hình ảnh người chiến sĩ CSGT trong mắt người dân

Một trong những bước đó là đưa các chiến sĩ CSGT nữ ra điều tiết ở những chốt giao thông "nóng" trên địa bàn thành phố Hà Nội và đưa các chiến sĩ CSGT bụng phệ, ngoại hình thấp bé vào làm việc tại văn phòng.
 
"Việc đưa CSGT nữ ra ngoài các chốt giao thông làm việc đã nhận được rất nhiều ý kiến ủng hộ của người dân. Tiến tới chúng tôi sẽ triển khai nhiều hơn nữa về việc này. Còn việc đưa CSGT có vòng bụng quá khổ, và ngoại hình thấp bé vào làm việc tại văn phòng thì đang thực hiện, bước đầu cho các chiến sĩ tự đánh giá ngoại hình để đề xuất với lãnh đạo", ông Thắng nói.
 
Trong khi đó tại TP. HCM, từ ngày 8 - 15/4, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP. HCM sẽ tổ chức nhiều lớp tập huấn về “văn hóa ứng xử, đạo đức tác phong của cán bộ chiến sĩ CSGT” trong quá trình thi hành công vụ.

Thành lập tổ bí mật kiểm tra CSGT Hà Nội - 2

TP.HCM cũng đang mở lớp tập huấn chiến sĩ CSGT thân thiện hơn với người vi phạm

Thượng tá Trần Thanh Trà- Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP. HCM cho biết: “Mục đích của lớp tập huấn lần này là hướng đến xây dựng hình ảnh người cán bộ chiến sĩ CSGT đẹp, tức là khi xử lý vi phạm, đầu tiên phải chào, xin lỗi người dân, rồi công bố hình ảnh vi phạm, giải thích cặn kẽ các lỗi vi phạm đó để người dân biết và hiểu”.
 
GS.TS Vũ Gia Hiền (chuyên gia tâm lý Hội Tâm lý giáo dục TPHCM), người tham gia giảng dạy tại lớp tập huấn cho biết: "CSGT thực sự là người của công chúng, thời đại công nghệ thông tin hiện nay thì những hình ảnh của CSGT dễ dàng được ghi hình ảnh, quay phim lại và phổ biến khắp nơi, do đó một hình ảnh không đẹp của một cán bộ chiến sĩ CSGT dễ dàng ảnh hưởng đến lực lượng của ngành.
 
Mục đích của người CSGT là nhằm đến giáo dục để con người hiểu luật pháp, không vi phạm Luật Giao thông… chứ không chỉ một mục đích là để trừng phạt. CSGT khi làm nhiệm vụ phải luôn tươi cười, rồi phải xin lỗi dân trước khi công bố lỗi vi phạm, xử phạt người dân".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đông Tẩu (Đất Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN