Thăng trầm cột đá thề đền Hùng
Một công trình được thẩm định, xét duyệt dưới các tiêu chí khắt khe, được chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Bộ VH-TT&DL lại được cho là… vật cung tiến của cá nhân, vật lạ, vô hồn, vật trấn yểm. Cột đá thề nơi đất Tổ linh thiêng có bị tiếng “oan” hay không là câu chuyện khiến bao người trở trăn, chiêm nghiệm.
Danh, phận đá thề
Cột đá thề mới là một phần nằm trong chuỗi các công trình tu bổ, tôn tạo Đền Thượng, Đền Trung do Khu di tích Đền Hùng làm chủ đầu tư đã được sự chấp thuận của UBND tỉnh Phú Thọ và Bộ VH-TT&DL.
Trong thông báo số 443/DSVH-DT do ông Đặng Văn Bài, Cục trưởng Cục Di sản văn hoá (Bộ VH-TT&DL) ký ngày 5/6/2008 về kết luận của Hội đồng Khoa học bảo tồn di tích về phương hướng tu bổ Đền Thượng, Đền Trung thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phủ Thọ khẳng định: “Trong truyền thuyết và tâm thức dân gian đã ghi dấu hình ảnh cột đá thề. Cột đá thề hiện nay (cột cũ đã được thay thế - PV) được tạo dựng vào những năm đầu của thập kỷ 60 thế kỷ XX bằng một cấu kiện kiến trúc (là một cột đá nhỏ được phát hiện trong khu vực Đền Thượng vào năm 1966, đầu bị đục một lỗ xuyên qua, sau này trông phản cảm nên đã được trát xi măng lấp kín lỗ - PV). Do đó cột đá thề cần được thay thế để tránh những hiểu lầm của nhân dân. Việc thay thế cột đá thề có thể nghiên cứu hai phương án: Tìm một khối đá tự nhiên có giá trị địa chất và thẩm mỹ (kỳ thạch) hoặc tạo tác một cột đá mới thích hợp.
Sau đó, hạng mục thay thế cột đá thề cũng đã được ông Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL kết luận tại buổi làm việc với UBND tỉnh Phú Thọ. Cụ thể, tại thông báo số 176/TB-VP ngày 19/6/2008, Thứ trưởng Trần Chiến Thắng đưa ra chỉ đạo: “Nghiên cứu dựng một cột đá thề mang ý chí thời đại ngày nay, đảm bảo tôn vinh giá trị tinh thần của công trình này”. Ngày 11/7/2008, ông Đặng Đình Vượng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành văn bản chấp thuận điều chỉnh thiết kế hạng mục cột đá thề nằm trong công trình tu bổ, tôn tạo Đền Thượng.
Cột đá thề mới là điểm nhấn trong cụm di tích Đền Thượng (Đền Hùng, Phú Thọ). Ảnh D.V
Những huyền tích khó tin
Ngoài các thông tin cho rằng cột đá thề là cột đá lạ được cá nhân cung tiến còn có phần khẳng định cột đá cũ đã bị đập vỡ vụn. Thông tin này đi kèm với những huyền tích thần bí của một số người cho rằng cột đá cũ có năng lượng siêu nhiên, có thể chữa được nhiều bệnh đã khiến dư luận “nổi giận”. Vậy nhưng, thực hư của những tính năng thần bí, siêu nhiên của cột đá cũ thì có lẽ cũng chỉ người tung tin biết mà thôi. Hiện chưa hề có một công trình khoa học nào khẳng định những năng lực siêu nhiên đó.
Ngày 10/6, trên trang website của Bộ VH-TT&DL khẳng định: “Ông Nguyễn Xuân Các, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết, sau khi được thay thế, hiện vật này được cán bộ bảo tàng làm hồ sơ hiện vật và được bảo quản, gìn giữ nguyên trạng chứ không có chuyện đã bị đập vỡ vụn. Trong kho bảo tàng, hiện vật cột đá thề này vẫn đang nằm yên vị trên kệ giá như một nhân chứng cho ai muốn kiểm tra rằng, nó còn tồn tại hay không còn tồn tại như dư luận đồn đoán”.
“Cột đá là đá thiên nhiên. Là khối đá Chalcedon nhiều màu, từ trắng xám, vàng nhạt đến xám xanh, phớt tím uốn lượn xen kẽ nhau tạo nên nhiều hình thù lạ mắt, đôi chỗ đạt chất lượng ngọc mã não khá trong. Là khối đá hiếm gặp trong tự nhiên do giữ được nguyên vẹn cấu trúc ban đầu, không bị rỗ và gặm mòn. Đá đã được mài nhẵn và đánh bóng một phần”. (Nguồn: Chứng chỉ Chứng nhận Ngọc học được Hội đá quý Việt Nam cấp) |
Gốc gác của cột đá cũ được gán ghép cho rằng có năng lượng siêu nhiên cũng đã được ông Nguyễn Tiến Khôi, nguyên Giám đốc khu di tích lịch sử Đền Hùng giai đoạn 2005-2011 chỉ rõ. Theo đó, năm 1968, ông Lê Tượng lúc đó là Trưởng ban quản trị Đền Hùng phát hiện ra một cột của miếu đá, sau đó ông tự xây bệ, dựng cột đá lên.
Tới năm 2005, khi ông Khôi đảm trách chức vụ Giám đốc khu di tích đã chứng kiến cảnh người dân lầm tưởng cột đá do ông Tượng dựng lên vốn là cột miếu từ ngàn năm trước. Ông Khôi đã báo cáo lên Cục Di sản về các vấn đề trùng tu di tích Đền Hùng, phần ý kiến có câu hỏi của người dân về việc tại sao cột đá thề lại có mấy cái lỗ đục trên thân, ông Khôi đề xuất trám các lỗ nhưng ông Đặng Văn Bài cho rằng: “Chúng ta không nên lừa dối. Bây giờ ta phải làm cái cột đá cho nó đàng hoàng, mô phỏng lại đúng theo lời của Thục Phán An Dương Vương hứa với các Vua Hùng”. Như vậy, theo lời của vị nguyên lãnh đạo Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho thấy, cột đá cũ chỉ là cái cột miếu được dựng lên từ năm 1968 mà thôi và để người dân khỏi lầm tưởng các đơn vị liên quan đã thay thế cột đá mới.
Từ các cứ liệu nêu trên cho thấy, cột đá cũ được thay thế là để người dân hiểu hơn về các di tích trong quần thể di tích Đền Hùng. Cột đá thề mới đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, yếu tố để thay thế cột đá cũ theo chủ trương và chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL. Cột đá mới phù hợp với tổng quan mới của di tích Đền Hùng sau khi tu bổ.
Ông Nguyễn Minh Vũ, Giám đốc Công ty Mỹ thuật Trung ương (Bộ VH-TT&DL) trong báo cáo kinh tế kỹ thuật thực hiện dự án cột đá thề nhận định: “Xây dựng cột đá thề mới có chất lượng tốt sẽ có tác dụng góp thêm sự phong phú cho tổng thể Đền Thượng thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Do đó cần sớm được triển khai và hoàn thiện để nơi đất Tổ thiêng liêng có thêm một tác phẩm văn hoá nghệ thuật phục vụ du khách”.
Cột đá được xây dựng dưới sự chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL
Nỗi lòng của người làm đá quý
Kỹ sư Lê Mạnh Tuấn, người trực tiếp thi công cột đá thề cho biết, đây là công trình thể hiện sự tâm huyết của ông và tập thể công nhân đối với các Vua Hùng. Để tìm được cột đá có đủ các tiêu chí về chất, hình thể, ý nghĩa, cấu trúc đẹp đã là không dễ, việc chọn bệ cho cột đá còn khó vạn lần. Cột đá phải đáp ứng được 7 tiêu chí gồm: Trường tồn (yêu cầu phải sử dụng chất liệu đá bán quý trở lên); Tính dân tộc (phải là đá có nguồn gốc ở Việt Nam); Có thẩm mỹ; Kích thước phù hợp; Hài hoà với cảnh quan xung quanh; Cân đối với bệ thờ; Kết cấu có thần thái.
Sau khi tìm được cột đá ưng ý có xuất xứ tại tỉnh Thanh Hoá thì đến việc tìm bệ đá. Những tưởng tìm bệ đá đơn giản hơn cột đá, nào ngờ thay lên thay xuống nhiều lần mà ông Tuấn cùng đội thi công vẫn chưa ưng ý. Cuối cùng việc tìm bệ đá đến với ông Tuấn như duyên định, không phải qua những người tìm đá cự phách mà qua chỉ dẫn của người đàn ông bán nước có ruộng ngô lởm chởm đá ở Hoà Bình. Sau khi xem đá, đào bới để đá lộ hình hài, ông Tuấn lặng người dưới cái nắng như thiêu đốt, mồ hôi đầm đìa nhưng tâm hồn nhẹ nhõm bởi ông đã tìm được bệ đá ưng ý.
Sau khi hoàn thiện, đến công đoạn khó khăn không kém là di chuyển cả khối đá nặng trên chục tấn lên độ cao trên 200m. Theo ông Tuấn thì nhiều phương án đã được đặt ra, trong đó có cả dự tính sử dụng trực trăng để cẩu đá. Tuy nhiên, với sức nặng của khối đá và để trực thăng cẩu lên, giữ được thăng bằng thì sức gió từ cánh quạt sẽ đánh bật các công trình lịch sử cận kề. Cuối cùng để bảo tồn tối ưu di tích, phương án “hò kéo pháo” được áp dụng. “Chỗ thoải nhất cũng dựng đứng trên 50 độ, có ngày cả đội chỉ lê được hơn 3m”, kỹ sư Lê Mạnh Tuấn nói.
Bằng sức người, với lộ trình dựng đứng hơn 1km, sau nhiều tháng thi công, công trình cột đá thề đã hoàn thành và trở thành điểm nhấn cho cụm di tích Đền Thượng. Bao công sức, tâm huyết của những người thợ đã được đền đáp bằng lời khen ngợi của du khách thập phương.