Tháng 5 lấy phiếu tín nhiệm nhân sự cấp cao

Từ 2013, việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, trong đó cả những nhân sự cấp cao ở TƯ, sẽ được tiến hành định kỳ hàng năm.

Tại phiên họp sáng nay (16/1), UBTVQH đã thông qua nghị quyết hướng dẫn thi hành nghị quyết của QH về việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Dẫu còn những tranh luận kỹ thuật, song cơ bản tất cả các thành viên của UBTVQH nhất trí ban hành bản nghị quyết mở đường cho việc thực hiện chủ trương đánh giá chất lượng công tác của cán bộ.

Như Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh, việc thực hiện nghị quyết 35 phải đảm bảo thận trọng, công bằng, khách quan, công tâm, dân chủ, chặt chẽ. Nhưng cũng không vì thế mà cơ chế đánh giá chất lượng công tác của cán bộ bị "làm quá lên" khi nó được tiến hành hàng năm như bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội nêu.

Bà Mai cũng khẳng định chủ trương đánh giá chất lượng cán bộ được xây dựng cũng phải nhằm đảm bảo làm sao cho cán bộ "yên tâm bước vào lấy phiếu tín nhiệm".

"Bầu sao lấy phiếu làm vậy"

Đó là nhấn mạnh của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng về việc thực hiện cơ chế lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm. Theo ông, điều đó nhằm đảm bảo "sự tôn trọng" cán bộ.

Tháng 5 lấy phiếu tín nhiệm nhân sự cấp cao - 1

Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được thực hiện ngay tại kỳ họp QH tháng 5 tới. Ảnh minh họa: Minh Thăng

Việc lấy phiếu tín nhiệm được "chốt" thực hiện định kỳ tại kỳ họp thường lệ đầu tiên hằng năm của QH, HĐND các cấp, kể từ năm thứ hai của mỗi nhiệm kỳ. Kết quả lấy phiếu, bỏ phiếu đối với từng người sẽ được công bố công khai tại kỳ họp của QH.

Chủ trương xử lý hậu lấy phiếu tín nhiệm được quy định, trong trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có trên 2/3 tổng số ĐBQH, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì sẽ bị đưa ra bỏ phiếu theo quy định.

Nếu người được đưa ra bỏ phiếu nhận được quá nửa số phiếu là “không tín nhiệm” thì sẽ chịu xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức.

Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi nêu quan điểm phiếu tín nhiệm sử dụng nên được thực hiện theo quy cách phiếu riêng đối với từng người. "Nguyên tắc phải lấy phiếu tín nhiệm từng người một" - ông nói.

Song theo cơ chế "linh hoạt", nghị quyết quy định hai phương án sử dụng phiếu tín nhiệm, trong đó có phương án ông Đào Trọng Thi nêu và phương án phiếu ghi đầy đủ danh sách tất cả những người được lấy phiếu theo từng nhóm chức vụ quy định.

Trong đó ghi rõ các chức vụ của từng người được lấy phiếu kèm theo các ô tương ứng với các mức độ "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp".

Từ chức

Nghị quyết của UBTVQH dành một phần quy định cho việc từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức.

Mặc dù "từ chức" khi bị tín nhiệm thấp là cơ chế "tự thân" của cán bộ, người giữ chức vụ được bầu, song theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, trong mọi tình huống, song song với việc thực hiện cơ chế đánh giá cán bộ, luôn cần phải chuẩn bị sẵn sàng nhân lực thay thế, trong trường hợp không đủ tín nhiệm.

Nghị quyết có hiệu lực từ tháng 2 tới. Như vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được thực hiện ngay tại kỳ họp QH tháng 5 tới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Linh Thư (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN