Tháng 3, Bộ trưởng Trần Đại Quang trình QH Luật Biểu tình

Trong kỳ họp thứ 11 QH khoá XIII vào tháng 3 tới, QH lần đầu nghe Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang trình bày Tờ trình dự án Luật Biểu tình.

Tháng 3, Bộ trưởng Trần Đại Quang trình QH Luật Biểu tình - 1

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, sẽ trình QH dự án Luật Biểu tình vào tháng 3 tới

Sáng nay, 24-2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 11 QH khoá XIII.

Chủ nhiệm Văn phòng QH, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết kỳ họp sẽ khai mạc ngày 21-3 và kết thúc vào ngày 9-4. Đáng chú ý, trong kỳ họp, QH nghe và thảo luận về báo cáo tổng kết hoạt động của QH, các cơ quan của QH nhiệm kỳ khóa XII (2011-2015); Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2015 của Chủ tịch nước; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2015 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp đó, Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2015 của Tổng kiểm toán Nhà nước; Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2015 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2015 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao.

Trong nội dung kỳ họp, QH cũng nghe và cho ý kiến về Bộ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình về kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020; Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình về kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 và tờ trình về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020…

Về công tác lập pháp, QH cũng cho ý kiến dự thảo Luật tiếp cận thông tin; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi); Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật dược (sửa đổi).

Đặc biệt, QH lần đầu nghe Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Biểu tình; Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh Nguyễn Kim Khoa trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Biểu tình.

Đáng chú ý, QH cũng thảo luận và biểu quyết thông qua dự án Luật Báo chí (sửa đổi); Luật Tiếp cận thông tin; Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật Dược (sửa đổi); Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi).

QH cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; Nghị quyết về kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020; Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Về vấn đề tiếp xúc cử tri, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho biết Chủ tịch QH khẳng định là không có tiếp xúc cử tri, còn nếu vẫn tiếp xúc cử tri thì kỳ họp có chất vấn và trả lời chất vấn hay không?

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện hỏi lại Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc rằng Luật Tổ chức QH quy định trước và sau kỳ họp phải có tiếp xúc cử tri. “Đoàn Sơn La cũng hỏi có tiếp xúc không, tôi không biết trả lời ra sao. Không tiếp xúc cũng phải có lý do” - ông Hiện băn khoăn.

Giải đáp, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc nói đúng là luật quy định phải có tiếp xúc cử tri và vẫn phải tiến hành để báo cáo cử tri về kỳ họp. “Nếu UBTVQH quyết không tiếp xúc thì sẽ tính” - ông Phúc nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thế Dũng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN