"Thần y" kỳ dị miền Tây: Quơ nhang, khấn vái chữa bệnh nan y

Sự kiện: Thời sự

Ở thị trấn Nàng Mau (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) nhiều người không lạ với cái tên “thầy” Năm Ngởi (Lê Văn Ngởi, 54 tuổi) với cách chữa bệnh bằng…quơ nhang. “Bất kì bệnh nan y nào bác sĩ chào thua, đến đây tôi chữa trong vài ngày là khỏi hẳn”- ông Năm Ngởi nói chắc như đinh đóng cột.

"Thần y" kỳ dị miền Tây: Quơ nhang, khấn vái chữa bệnh nan y - 1

Cúng tổ trước khi chữa bệnh.

Bệnh gì cũng quơ nhang, khấn vái

Trong vai là người bị đau khớp lâu ngày, chúng tôi tìm đến nhờ ông Năm Ngởi chữa trị. Đến nơi, thấy nhà vắng lặng, gọi mãi mới thấy một phụ nữ đứng tuổi- bà Năm Ngởi bước ra. Dò hỏi một lúc, thấy tin tưởng, bà mới gọi chồng ra. Sau khi nghe chúng tôi khai bệnh, “thầy” Năm Ngởi liền yêu cầu cởi áo ra để “khám”. Tay bắt thiên ấn và ấn mạnh vào khớp vai 2 - 3 lần, rồi ông lặng lẽ chạy ra trước sân hái mấy loại cây cỏ đem vào làm thuốc, gồm có củ ngải, củ huệ, rau dệu đỏ, lá sống đời, lá cây nổ, cỏ mần ri.

Để nắm cây cỏ trên bàn, ông Năm Ngởi lấy 6 cây nhang ra đốt. Cầm mớ nhang đang cháy, ông quay vào bàn thờ Tổ khấn vái lầm bầm trong vài phút rồi cắm 3 cây vào lư hương, phần còn lại ông dùng để chữa bệnh.

Bắc ghế giữa nhà, ông bảo tôi đến ngồi rồi phán: “Bệnh này không có gì đâu, do chú không thờ cúng cửu huyền nên người ta quở. Mấy vụ như thế này lại đây tôi trị hai ngày là khỏe liền”. Phán xong, ông cầm 3 cây nhang nghi ngút khói quơ qua quơ lại chỗ khớp vai mấy lần. Hai tay ông tiếp tục bắt thiên ấn và ấn mạnh vào hai bả vai, miệng đọc một tràng câu cầu khấn. Ông đọc không quá to nhưng đủ để chúng tôi nghe rõ: “Nam mô a di đà phật. Nay cung thỉnh Cửu huyền thất tổ, nội ngoại hai bên, bảy đời, chín kiếp, nhiều đời nhiều kiếp trong nhà họ Nguyễn, ông độ mạng cũng họ Nguyễn. Thì thôi giờ cũng cung thỉnh mấy ông, mấy bà đây là con, cháu của mấy ông, mấy bà bị nhức cái vai này tốn tiền biết bao nhiêu không hết bệnh mới đến đây. Thôi mấy ông cũng từ bi, hỷ xả cho con cháu được bình an vô sự, tai qua nạn khỏi, không còn nhức nhối, không còn đau đớn. Các vị cũng từ bi cho xác này để giải thoát cho con cháu của các vị trong kiếp nhà họ Nguyễn. Nam mô a di đà phật!”…

"Thần y" kỳ dị miền Tây: Quơ nhang, khấn vái chữa bệnh nan y - 2

Ông Năm Ngởi bắt ấn, quơ nhang vào vai người bệnh

Vừa dứt những câu cầu khấn bằng tiếng Việt, ông Năm Ngởi đọc tiếp một tràng thần chú bằng một thứ tiếng lạ  mà chúng tôi khó biết đó thuộc ngôn ngữ gì. Đọc được một lúc, ông lại ngừng để chuyển sang huýt sáo, rồi thổi phù phù, còn tay bắt ấn vuốt từ bả vai xuống cánh tay ba, bốn lần như muốn lùa cơn đau ra khỏi cơ thể người bệnh. Sau khi đọc thần chú xong ông liên tục hỏi: “Có thấy đỡ chút nào hay không?”. Tôi giả vờ trả lời: “Có đỡ một chút”. Ông tỏ ra đắc chí: “Chưa đâu, đó chỉ là bước đầu”.

Tiếp theo, ông Năm Ngởi quay sang bẻ một miếng ngải vừa hái lúc nãy bỏ vào ly có rót sẵn ít rượu trắng. Cầm miếng ngải nhúng rượu, ông vẽ những đường ngoằn ngoèo khó hiểu lên bả vai, rồi thoa đều, miết mạnh và dùng tay vỗ chan chát khiến da ở khu vực bả vai đỏ ửng, nóng rát. Sau đó, ông thổi tàn nhang vừa cháy vào vai rồi tiếp tục thoa và vỗ. Cứ như thế, việc chữa trị kéo dài gần 20 phút. Xong mọi việc, ông bảo chúng tôi cứ thoải mái vận động cánh tay xem còn đau chỗ nào không. Ông tiết lộ, bệnh gì ông cũng chữa trị theo cách thức này.

Chuyên đặt ống lươn, bắt cá

Kết thúc việc chữa trị, ông dặn chúng tôi mang các loại cây cỏ khi nãy ông hái về giã với rượu trắng và thoa lên chỗ đau một lần và hẹn 5 giờ chiều hôm sau quay lại ông trị cho lần nữa là khỏi hẳn. Rời chỗ chữa bệnh, chúng tôi tìm gặp bà Nguyễn Thị T. (55 tuổi, ở thị trấn Nàng Mau), người đã từng nhờ ông Năm Ngởi chữa trị. Bà T. cho biết: “Cách đây gần một năm, tôi bị trượt chân té trật khớp gối chạy chữa một tháng trời không hết, rồi tôi nghe người ta chỉ có ông thầy trị trật khớp hay lắm mà không tốn tiền nên tôi mới tìm đến thử xem sao. Lui tới trị cũng mấy lần thấy không thuyên giảm nên tôi không đến nữa”.

"Thần y" kỳ dị miền Tây: Quơ nhang, khấn vái chữa bệnh nan y - 3

Nhà của “thần y” Năm Ngởi

Chúng tôi đem gói cây cỏ do ông Năm Ngởi hái, đến gặp lương y Lê Văn Hồng (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) để nhờ ông phân tích tác dụng của chúng.  Sau khi xem xét kỹ, lương y Hồng cho biết, các cây cỏ này đều là thuốc nam lành tính, ít độc. Củ ngải hay dùng để bó giảm đau, lá sống đời để cầm máu, mần ri trị tiểu đường, lá cây nổ trị thận suy, rau dệu đỏ chống viêm. Chỉ có củ ngải giã với rượu đắp ngoài da là có tác dụng giảm đau tạm thời, còn việc đắp chung các loại này trong 2 ngày hết đau thì ông chưa kiểm chứng được.

“Bệnh khớp lâu năm thì cần phải có một quá trình điều trị lâu dài mới có khả năng giảm bớt, còn một ngày một bữa thì không thể”-lương y Hồng nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Ngọc Tôn - Bí thư Chi bộ ấp 5, đồng thời là người họ hàng với ông Năm Ngởi, khẳng định: “Gia đình ông Năm không có ruộng đất, hàng ngày ổng đi đặt ống lươn, bắt cá”. Khi được phóng viên cho xem đoạn video clip do phóng viên thực hiện, quay cảnh quá trình chữa bệnh của ông Năm Ngởi, ông Bí thư ấp 5 hết sức ngỡ ngàng và thốt lên: “Trước giờ tôi chỉ biết ông Năm bóp, nắn trị trật khớp tay, chân chứ đâu ngờ ổng lại trị bệnh bằng cách cúng vái, đọc thần chú như vậy!”.

Khi được phóng viên hỏi về cách chữa bệnh của ông Năm Ngởi, ông Võ Thanh Sử - Chủ tịch thị trấn Nàng Mau tỏ ra ngạc nhiên. Ông nói: “Địa phương từ trước đến nay chưa từng có người chữa bệnh như vậy. Hiện tại chúng tôi cũng chưa nắm được và không nghe thông tin phản ánh của người dân”. Ông Sử cũng cho rằng: “Chữa bệnh bằng cách quơ nhang, đọc thần chú như ông Năm Ngởi thì đúng là mê tin dị đoan, phi khoa học. Tôi sẽ cho người đến mời ông Năm lên để tuyên truyền, giáo dục và cho ký cam kết không tái phạm việc chữa bệnh này nữa. Nếu vẫn tiếp diễn thì sẽ tiến hành lập biên bản và xử phạt hành chính”.

Ý kiến của Phó Giám đốc Sở Y tế Hậu Giang

Tối 30/9, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Thành Phúc – Phó Giám đốc Sở Y tế Hậu Giang cho biết: “Không biết ở các tỉnh ĐBSCL khác thế nào chứ từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Hậu Giang chưa phát hiện trường hợp nào chữa bệnh dưới hình thức mê tín dị đoan như Tiền Phong vừa phản ánh. Có thể do người dân nông thôn không nhận thức được cách chữa như thế là phản khoa học, hễ bệnh nặng, bác sĩ bó tay là cứ “may thầy phước chủ”, nên lang băm mới lợi dụng điểm đó mà lừa gạt trục lợi”.

Ông Phúc cũng cho biết: “Việc ông Ngởi chữa bệnh quơ nhang, đọc thần chú như phóng viên phản ánh thì chưa thấy địa phương báo cho Sở. Chúng tôi sẽ liên hệ xem sự việc cụ thể như thế nào. Nếu như việc chữa bệnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân hay xảy ra chết người, chúng tôi sẽ lập đoàn kiểm tra đến làm việc ngay chứ không để cho tình trạng đó kéo dài. Hành vi chữa bệnh mê tín dị đoan bị nghiêm cấm tuyệt đối”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kim Hà - Khánh Nguyên (Tiền Phong)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN