Thân nhân hai lái tàu khóc lặng trước nỗi đau bất ngờ
Sự ra đi đột ngột của hai lái tàu - trụ cột của hai gia đình khiến thân nhân các anh đau đớn, chết lặng.
Bố của anh Đệ vẫn cố đứng vững để chuẩn bị tang lễ cho con trai
Con chào đời không biết mặt cha
Trưa 24/5, PV Báo Giao thông có mặt tại nhà của anh Nguyễn Xuân Đệ (SN 1985, trú tại thôn Phần Hà, xã Bắc Sơn, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) - lái tàu SE19 tử vong trong vụ TNGT đường sắt kinh hoàng tại Thanh Hóa rạng sáng cùng ngày.
Trong ngôi nhà nhỏ ở xóm nghèo, bà Nguyễn Thị San (SN 1965, mẹ của anh Đệ) nằm khóc ngất trên giường. Nỗi đau mất con trai cùng bệnh thấp khớp mãn tính khiến bà không gượng dậy nổi. “Nó vừa ở nhà được hai hôm, sum vầy với bố mẹ, vợ con, vậy mà hôm nay đã gặp nạn. Trước khi lên Hà Nội chạy tàu, nó còn dặn tôi đợi nó về đưa đi khám bệnh, giờ gia đình tôi mất hết rồi”, bà San nghẹn lời.
Nén nỗi đau để tổ chức hậu sự cho anh trai, chị Nguyễn Thị Loan (SN 1988, em gái anh Đệ) kể, khoảng 3h sáng 24/5, chị nhận được cuộc điện thoại của người thân đang làm trong ngành Đường sắt thông báo chuyến tàu SE19 gặp tai nạn ở Thanh Hóa. Giật mình, chị hỏi: “Anh Đệ có sao không?” thì phía bên kia ngập ngừng cho biết tin dữ: “Anh Đệ đã tử vong”.
“4h sáng, chúng tôi thuê xe để bố và mọi người vào Thanh Hóa đưa thi thể anh về. Vợ của anh Đệ đang mang thai cháu thứ 2 mới được 6 tháng, nghe tin chồng gặp nạn đã ngã quỵ, phải đưa lên bệnh viện tỉnh cấp cứu ngay trong đêm. Bác sĩ yêu cầu chị dâu phải ở lại điều trị nhưng chị vẫn cương quyết đòi về để đợi chồng. Sợ chị bị ảnh hưởng tâm lý, nguy hại cho thai nhi nên gia đình phải đưa sang nhà hàng xóm nghỉ ngơi. Còn bà nội đã 103 tuổi, già yếu nên hiện mọi người vẫn giấu chuyện buồn”, chị Loan khóc nấc.
Theo lời chị Loan, sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp ngành Đường sắt, anh Đệ xin làm tại một xí nghiệp đầu máy và là lái tàu chính chuyến tàu SE19. Cách đây 3 năm, anh Đệ cưới vợ. Hiện, vợ của anh Đệ cũng chưa có việc làm nên cả nhà đều sống nhờ tiền lương chạy tàu của anh. Do tính chất công việc, anh Đệ thường xuyên đi làm xa, một tuần chỉ về 1 - 2 hôm.
“Cách đây 4 hôm, sinh nhật con trai, anh Đệ cố gắng về dự rồi tranh thủ sửa sang nhà cửa, sơn tường, sắm điều hòa cho bố mẹ, vợ con bớt nóng. Giờ tường nhà chưa khô, điều hòa chưa hoạt động mà anh đã ra đi. Tội cháu tôi quá, chào đời sẽ không biết mặt cha”, chị Loan mếu máo.
Bát cơm nguội trước giờ lên ban
Còn tại gia đình tài xế Nguyễn Thế Hùng (SN 1976, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội), gia đình cũng đang trông ngóng đón thi thể anh về. Cố nén tiếng nấc nghẹn, chị Trần Thị Hải Yến (vợ anh Hùng) cho biết: Hai vợ chồng cùng làm trong ngành Đường sắt. Anh Hùng làm lái tàu bên xí nghiệp đầu máy, còn chị Yến làm nhân viên phục vụ hành khách trên tàu. Hai vợ chồng đã có 2 người con, cháu đầu năm nay lên lớp 12, cháu thứ 2 mới 8 tuổi. Vợ chồng anh Hùng mang tiếng là đã ở riêng, nhưng thực chất vẫn ở chung nhà với bố mẹ. Đồng lương ngành Đường sắt ít ỏi cũng chỉ đủ cho 2 vợ chồng trang trải cuộc sống hàng ngày.
Do đặc thù công việc nên cả anh Hùng và chị Yến thường xuyên vắng nhà. Hai người con của anh chị đều cậy nhờ bố mẹ đẻ trông nom là chính. “Hôm qua, em nhận được lịch đi tàu QB1 (Hà Nội - Quảng Bình) khởi hành vào buổi tối, còn chồng em thì đi tàu SE19 (Hà Nội - Đà Nẵng) khởi hành sớm hơn. Vì thế, anh Hùng ở nhà và nhận mang giúp em chăn gối ra tàu. Anh ấy ăn vội bát cơm nguội rồi đi. Lúc em về anh ấy có nhìn thấy em và gọi nhưng em không biết. Tối em về nấu cơm 3 mẹ con ăn. Anh Hùng đi tàu còn điện về nói chuyện với em và con gái. Anh hẹn với nó mai bố về. Nào ngờ, khi em đang đi tàu thì được anh em điện báo là đoàn tàu chồng em lái gặp tai nạn ở Trường Lâm”, chị Yến khóc nấc.
Cả đêm đứng bên đường ngóng tin chồng, chị Yến vẫn nuôi hy vọng điều thần kỳ sẽ đến với anh Hùng. Thế nhưng, 7h sáng, chị ngã quỵ khi được lực lượng cứu hộ báo tin anh Hùng đã qua đời.
Bất chấp cái nắng như thiêu như đốt với nhiệt độ ngoài trời trên 38 độ C, hàng trăm cán bộ, nhân viên đường sắt...