"Thân cò” nhọc nhằn mưu sinh ở phố cổ Hội An

Khi sức khỏe yếu đi, những người phụ nữ tìm về TP. Hội An (Quảng Nam) để mưu sinh bằng nhiều nghề. Mỗi người một hoàn cảnh, công việc nhưng tất cả đều gánh nặng trên đôi vai cả gia đình vì miếng cơm, manh áo hằng ngày.

Ngày 20/10 sắp tới, niềm mong ước của các chị chỉ là có khách đi đò, gánh được nhiều nước, bán được hết bắp khiến ai cũng chạnh lòng.

Lầm lũi đợi khách đi đò

Chúng tôi đến Hội An những ngày giữa tháng 10, cơn mưa nặng hạt mang theo cái lạnh khiến khu phố cổ trầm lắng và ít du khách đi dạo hơn những ngày thường. Khi mùa mưa báo hiệu đang đến là những người phụ nữ mưu sinh ở đây có chung nỗi niềm. Tất cả đều lo sợ sẽ khó khăn kiếm sống nuôi cả gia đình hơn ngày thường.

"Thân cò” nhọc nhằn mưu sinh ở phố cổ Hội An - 1

Khách du lịch đi đò, mỗi chuyến các chị được khoảng 30-50 ngàn

Đang đi dạo phố cổ, chúng tôi nghe đon đả bên tai mình tiếng gọi “Đi thuyền ngắm phố cổ nào, mọi người đi chúng tôi lấy rẻ thôi!”. Đó là tiếng gọi trong sự nài nỉ của những người phụ nữ làm nghề chèo đò ở bến Bạch Đằng. Theo quan sát của chúng tôi, các chị có đến 8 người đang ngồi dập dềnh trên mạng thuyền để vẫy gọi. Bàn tay chai sạn, gương mặt nhợt nhạt, chị Trần Thị Nguyệt (49 tuổi, phường Cẩm Kim) mời lên thuyền, chị nói: “Các chú là lượt đầu tiên trong ngày của tôi đấy, đợi từ sáng đến giờ mà không có ai đi thuyền cả. Tôi bị ốm mấy ngày nay vì ráng dầm mưa để chèo thuyền cho khách kiếm thêm đồng tiền lo cho gia đình, mới khỏe lại thôi nhưng tranh thủ...”

Chồng chị Nguyệt lúc trước đi biển cùng bạn nhưng không may gặp nạn nên mất sức khỏe. Từ lao động chính giờ không thể làm việc gì nặng, hai đứa con đang tuổi ăn học không ai đảm đương. Vay mượn tiền khắp nơi, chị sửa sang lại chiếc thuyền cũ để đi đưa khách dạo phố cổ, gắn bó đến nay đã được hơn 8 năm.

"Thân cò” nhọc nhằn mưu sinh ở phố cổ Hội An - 2

Phút nghỉ ngơi đợi khách đi đò của những người phụ nữ chèo thuê

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở bến Bạch Đằng này có khoảng 15 người làm nghề chèo đò cho khách du lịch tham quan phố cổ, ngắm sông Hoài như chị Nguyệt. Đa số đều từng làm nghề đi biển đánh bắt cá, một số vì điều kiện gia đình khó khăn, không có đất đai để trồng trọt nên tìm đến đây mưu sinh. Nếu may mắn mỗi người làm việc cả ngày được khoảng 100 ngàn tiền công.

“Không chỉ có những người phụ nữ như chúng tôi, vẫn có các cụ già cao tuổi rồi vẫn làm nghề chèo đò, vừa bán hoa đăng để du khách thả mỗi khi rằm. Mỗi ngày đều đi làm sớm khi mọi người còn ngủ, đến tối khoảng 10 mới về nhà thì chồng con đã đi ngủ rồi. Lúc đó lại lật đật tắm rửa, dọn dẹp nhà cửa rồi ăn cơm một mình mà tủi…” – chị Nguyệt tâm sự.

Gánh nước, bán bắp dạo lo cả gia đình

Rời bến sông Bạch Đằng, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Lai (48 tuổi) hơn 10 năm qua ngày nắng cũng như ngày mưa tần tảo đi gánh nước thuê tại chợ Hội An để nuôi chồng bị tàn tật và một đứa con đang đi học.

"Thân cò” nhọc nhằn mưu sinh ở phố cổ Hội An - 3

Chị Nguyễn Thị Lai gánh nước thuê cho các tiểu thương, mỗi gánh 2 ngàn đồng

Chị Lai cho biết: “Tôi đi gánh nước từ 4 giờ sáng đến khoảng 3 giờ chiều cho các tiểu thương trong chợ. Ai kêu ở đâu thì đi gánh ở đó, gần thì 50m còn xa thì có khi hơn 300m. Ngày cao điểm cũng được 20 gánh, lúc đau ốm thì cũng cố gắng được 5 gánh để nuôi chồng con ở nhà…”

Niềm vui của chị Lai là đứa con trai đang học lớp 9 sinh ra không bị tật giống bố, việc học ở gần nhà nên có thể phụ giúp chăm sóc lúc chị đi gánh nước vắng không có ở nhà.

Nhiều tiểu thương trong chợ đều muốn gọi riêng chị Lai gánh cho mình vì thương cho hoàn cảnh cực khổ. Mỗi gánh nước được trả 2 ngàn đồng. Tiền “lương” của chị sau mỗi ngày được cao nhất khoảng 40 ngàn, một nửa thì để dành cho con ăn học, còn lại trang trải việc gia đình.

Khi màn đêm buông xuống, xen lẫn trong đám đông khách du lịch, chúng tôi bắt gặp chị Phan Thị Liên (48 tuổi, trú tại thôn 1, xã Cẩm Nam) mưu sinh bằng nghề bán bắp dạo đã gần 17 năm qua.

"Thân cò” nhọc nhằn mưu sinh ở phố cổ Hội An - 4

Chị Phan Thị Liên bán bắp dạo ban đêm tại phố cổ Hội An

Chị Liên cho biết, để có bắp đi bán phải chuẩn bị rất sớm. Chị đạp  xe dạo quanh phố cổ từ sẩm tối đến khuya, nếu may mắn bán được hết thì lời cũng được khoảng 70-100 ngàn.

“Nhà cũng có đất đai nhưng chỉ làm theo vụ mùa, thu nhập không bao nhiêu, chỉ đủ ăn. Để có tiền thu nhập lo lắng cho cả gia đình, con cái được đi học phải chạy vạy đủ nơi vay mượn. Tôi bán bắp từ năm 1997 đến nay đã gần 17 năm rồi, chừng đó năm nuôi sống cả gia đình là cũng nhờ nghề bán bắp dạo cả đấy!” – chị Liên tâm sự.

Ngày phụ nữ Việt Nam - 20/10 sắp đến, khi chúng tôi hỏi các chị, ai cũng không mong mỏi gì hơn là ngày đó có khách đi đò, gánh được nhiều gánh nước, bán được hết bắp là vui rồi. Với các chị, niềm vui của mình chính là gia đình được no ấm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Th. Tâm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN