Tham quan cầu Nhật Tân phải có hướng dẫn viên đi cùng
Người dân muốn lên cầu Nhật Tân (Hà Nội) tham quan, chụp ảnh trên cầu là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, nên để người dân tham quan vào ngày cuối tuần. Khi tham quan cầu, phải tổ chức thành từng đoàn, và có hướng dẫn viên dẫn đoàn.
Ngày 12.1, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó chủ tịch TP Hà Nội đã yêu cầu Sở GTVT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu phương án bảo đảm khai thác tối đa hiệu quả công trình về giao thông tại cầu Nhật Tân.
Đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân được tham quan về kiến trúc, chiếu sáng của cầu Nhật Tân, đảm bảo an toàn, trật tự, không để xảy ra tình trạng buôn bán, kinh doanh trên cầu.
Phải có hướng dẫn viên dẫn trên cầu
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho hay, cầu Nhật Tân, cây cầu dây văng đẹp nhất Đông Nam Á được khánh thành là niềm tự hào của người dân Việt Nam. Vì vậy, người dân muốn lên cầu Nhật Tân (Hà Nội) thăm quan, chụp ảnh trên cầu là nhu cầu chính đáng.
Cây cầu Nhật Tân (Hà Nội), cây cầu dây văng đẹp nhất Đông Nam Á
“Tuy nhiên, việc người dân lên tham quan cầu phải đảm bảo an toàn cho chính mình và các phương tiện tham gia giao thông. Có thể bổ trí cho người dân tham quan cầu vào thứ 7 và chủ nhật. Khi tham quan phải có hướng dẫn viên và tổ chức thành từng đoàn. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội là đơn vị làm việc này”, ông Liên chia sẻ.
Ông Liên cho biết, đối với hướng dẫn viên phải được tập huấn từ trước, am hiểu quy định, có loa đài khi dẫn đoàn. Tại khu vực đầu cầu phải có biển báo, biển chỉ dẫn cụ thể từng khu vực người dân được đứng lại chụp ảnh. Khi thăm quan cầu, người dân bắt buộc phải gửi xe ở dưới để đảm bảo an toàn giao thông trên cầu.
“Nếu người dân lên thăm quan cầu Nhật Tân vào ngày cuối tuần sẽ không lo đến việc quá tải bởi cây cầu rộng và dài. Mặt khác, những khách muốn lên tham quan chụp ảnh trên cầu phần lớn là du khách ở các tỉnh về Hà Nội tham quan. Còn người dân sống ở Hà Nội thì họ có thể đi xe máy qua cầu, vừa đi vừa ngắm cây cầu, không nhất thiết phải dừng lại chụp ảnh”, ông Liên nói.
Về phương án của sở GTVT Hà Nội, cấm người đi bộ, các phương tiện thô sơ như xe đạp, xe kéo súc vật qua cầu Nhật Tân. Ông Liên cho rằng phương án này hoàn toàn hợp lý, bởi lẽ, nếu để học sinh đi xe đạp hoặc người già lên cầu sẽ rất nguy hiểm, không đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện qua lại.
Ngay sau khi khánh thành cầu Nhật Tân, nhiều người dân đã dừng đỗ xe trên cầu chụp ảnh gây mất an toàn giao thông
Nghiên cứu phương án cho người dân lên tham quan cầu
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, cầu Nhật Tân không chỉ có ý nghĩa về mặt giao thông mà còn ý nghĩa về mặt văn hóa xã hội của quốc gia. Mọi người dân đều có quyền tham quan cầu.
“Sau khi UBND TP.Hà Nội có chỉ đạo, chúng tôi đã cùng với các đơn vị liên quan đi khảo sát và hiện nay đang nghiên cứu phương án tốt nhất để tạo điều kiện cho người dân lên thăm quan, chụp ảnh trên cầu Nhật Tân”, ông Tân nói.
Ông Tân cho biết thêm, trong thời gian chờ phương án cụ thể, các phương tiện giao thông qua cầu không được tự ý dừng đỗ phương tiện trên cầu gây mất trật tự an toàn giao thông. Nếu các phương tiện cố tình vi phạm sẽ bị lực lượng cảnh sát giao thông sẽ xử lý nghiêm.
Trước đó, ngày 4.1, cầu Nhật Tân, Hà Nội đã chính thức khánh thành. Theo phương án phân luồng giao thông của Sở GTVT Hà Nội, người đi bộ, xe súc vật kéo bị cấm qua cầu. Xe thô sơ, xe thồ, xe đạp điện chỉ được phép hoạt động từ 22h00 đến 5h00 sáng ngày hôm sau và theo làn tuyến quy định.
Tuy nhiên, ngay sau khi khánh thành cầu Nhật Tân, giao thông trên cầu lộn xộn. Nhiều chủ phương tiện dừng, đỗ trên cầu chụp ảnh đã khiến phần đường dành cho xe máy bị chắn hết, giao thông qua cầu gặp nhiều khó khăn.