Tham nhũng “vặt” ở Việt Nam đã giảm
Tuy tham nhũng “vặt” đã giảm bớt, song tham nhũng trong đấu thầu công lại tăng lên qua các năm.
Thông tin này được công bố tại Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm thứ 8 vừa diễn ra sáng nay (14/3).
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp khoa học để tìm hiểu những thông tin nhạy cảm. Theo báo cáo này, tình trạng chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thực hiện thủ tục, còn gọi là “tham nhũng vặt” ở Việt Nam đã giảm nhẹ trong những năm qua. Tuy vẫn còn trên 50% số doanh nghiệp cho rằng chi phí không chính thức là phổ biến, con số này đã giảm rất nhiều so với tỷ lệ 70% trong năm 2006 và 2007.
Thêm vào đó, tỷ lệ chi phí không chính thức/doanh thu cho những giao dịch như vậy cũng đã giảm đi một nửa, từ 13% trong năm 2006 xuống còn 6,5% trong năm 2012.
Chỉ số PCI được xây dựng nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và các nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Báo cáo PCI 2012 là kết quả điều tra năm thứ 8 liên tiếp, với sự tham gia của 8.053 doanh nghiệp trong nước. |
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tham nhũng đang dần thay đổi cách thức. Mặc dù tần suất chi trả chi phí không chính thức đã giảm xuống, song quy mô và phạm vi hối lộ để giành hợp đồng làm ăn với cơ quan chính phủ hoặc doanh nghiệp nhà nước đã gia tăng. Có 42% doanh nghiệp đã trả hoa hồng cho cán bộ có liên quan để đảm bảo giành được hợp đồng với cơ quan nhà nước, tăng mạnh so với năm 2011.
Báo cáo cho thấy, có hai sự khác biệt lớn giữa các loại hình doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia hối lộ trong mua sắm công rất khác nhau, tùy thuộc vào quy mô, mức độ tăng trưởng, mối quan hệ của doanh nghiệp, ngành nghề và mức độ tập trung của ngành.
Tham nhũng “vặt” ở Việt Nam đã giảm, song tham nhũng trong đấu thầu công lại tăng. (Ảnh minh họa)
Doanh nghiệp quy mô vừa có xu hướng trả hoa hồng nhiều nhất. Doanh nghiệp tăng trưởng tốt có xu hướng đưa hối lộ nhiều hơn, nghĩa là những doanh nghiệp thực hiện hoạt động này có khả năng phát triển cao hơn trong môi trường kinh doanh khó khăn.
Gần 20% doanh nghiệp có dưới 5 lao động có xu hướng trả hoa hồng cho các hợp đồng với cơ quan nhà nước. Trong khi đó đối với doanh nghiệp có từ 5 – 9 lao động, con số này lên tới 37%. DN có từ 10 – 49 lao động cũng có tỷ lệ trả hoa hồng tương đương. Tỷ lệ này gia tăng đột biến đối với DN có từ 50 – 99 lao động (chiếm 47%). Tuy nhiên, đối với DN có quy mô rất lớn trên 100 lao động thì tỷ lệ này giảm xuống đôi chút. Theo nhận định của nhóm nghiên cứu, sự thay đổi này có thể là do những DN lớn có mối liên hệ mật thiết với lãnh đạo địa phương, không phải đầu tư nhiều vào chi phí hoa hồng.
Tỷ lệ tham nhũng có xu hướng gia tăng khi chủ doanh nghiệp có mối quan hệ với cán bộ chính quyền. Tuy nhiên, mối quan hệ này ít phổ biến hơn đối với những doanh nghiệp mới hoạt động. kết quả này cho thấy doanh nghiệp lâu năm có khả năng xây dựng, phát triển mối quan hệ để chiếm ưu thế hơn so với khối tư nhân.
Sáng 14/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Dự án Sáng kiến Cạnh tranh Việt Nam của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID/VNCI) đã công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh CPI 2012 Theo báo cáo này, lần đầu tiên, không có tỉnh nào đạt chất lượng điều hành “Xuất sắc” (65 điểm) trong khi những năm trước đó có năm lên tới 8 địa phương. Trong khi đó, có 3 địa phương tụt xuống hạng “Tương đối thấp” trong khi năm ngoái chỉ có 1 địa phương. Với điểm số 63,79 điểm, năm nay tỉnh Đồng Tháp dẫn đầu bảng xếp hạng. Tiếp theo là tỉnh An Giang. Về vị trí thứ ba là An Giang. Một lần nữa, tỉnh Long An và tỉnh Bắc Ninh đều nằm trong nhóm các địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất trên cả nước. Đáng chú ý, điểm số của các tỉnh luôn dẫn đầu như Bình Dương và Đà Nẵng lại giảm rõ rệt. Thậm chí, Bình Dương còn không lọt vào nhóm có thứ hạng cao, tiếp tục đà suy giảm từ các năm trước. |