Tham nhũng để "gỡ" tiền chạy công chức

Bức xúc với “quốc nạn” chạy chức, nhiều bạn đọc đề nghị phải coi đây là tội phá hoại bộ máy hành chính công.

Chiều 18/12, trao đổi với báo chí, ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội khẳng định lãnh đạo Thành phố sẽ triển khai thanh, kiểm tra để tìm ra sự thật về thông tin chạy công chức với 100 triệu.

Chuyện ai cũng biết, nhưng không nói

"Thông tin anh Dực đưa ra tại kỳ họp không phải không có căn cứ. Chắc chắn với cương vị và trách nhiệm của mình, anh không thể phát biểu một cách hồ đồ", ông Long nói.

Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo ban ngành chức năng làm rõ sự việc trên.

Về phía độc giả, đa phần ý kiến đều ngạc nhiên khi cho rằng chuyện chạy chức đã trở thành phổ biến ở mọi lĩnh vực, mọi nơi, ai cũng biết vậy mà lãnh đạo ở trên bây giờ mới công khai nhắc tới.

Từ địa chỉ daigia…@yahoo.com viết: “Tôi thấy chuyện chạy tiền vào công chức vài chục triệu hay vài trăm triệu ko còn chuyện xa lạ nữa. Số tiền đó đâu phải một cá nhân được hưởng, nó còn được dùng để bôi trơn từ dưới lên, vậy mà cơ quan hay bộ có thẩm quyền giờ mới biết thì ko hiểu sao nữa?”

Tương tự, bạn đọc có địa chỉ: taviet…@yahoo.com.vn đặt câu hỏi: “Chuyện chạy công chức thì đến trẻ chăn trâu ở làng quê hẻo lánh cũng biết mười mươi mà đến bây giờ nhà mới công bố liệu có phải là nhanh? Thử hỏi bây giờ cho thi lại "với giám thị làm đúng chức trách" thì có bao nhiêu cán bộ công chức có đủ tầm thực sự?

Tham nhũng để "gỡ" tiền chạy công chức - 1

Dư luận không bất ngờ trước thông tin chạy thi công chức (Ảnh minh họa: Dương Tùng)

Độc giả có địa chỉ thư: hoatxh…@gmail.com tỏ ra bức xúc: “Chuyện dùng tiền mua việc đã diễn ra từ khá lâu rồi, nhưng không ai dám lên tiếng bởi họ đã quá quen với việc này rồi. Nuôi con học ra trường rồi lại chạy vạy khắp nơi vay tiền để lo việc cho con, có khi không có người thân quen làm chức to có tiền cũng không xin được việc. Nghĩa là vừa phải có tiền đồng thời cũng phải có "cơ to" thì khả năng xin việc mới thành công”.

Để chấm dứt “quốc nạn” trên, theo bạn đọc có địa chỉ: trandong…@gmail.com, khi phát hiện những thông tin quan chức tiếp tay chạy chức, cần sớm chuyển sang cơ quan công an điều tra. “Tội này không chỉ tham nhũng mà còn đưa những người không đủ năng lực vào bộ máy công phá hoại nền hành chính công của chúng ta” bạn đọc này viết.

Chạy rồi lấy gì bù lại?

Nhắc tới thông tin chạy chức không dưới 100 triệu đồng, nhiều ý kiến còn cho rằng con số thực tế còn nhiều hơn rất nhiều. Ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD - ĐT nhận định: “Bỏ ra 100 triệu đồng để chạy một suất giáo viên mầm non, lương 1,2 – 1,3 triệu nhưng không lỗ đâu, chỉ một vài năm là hoàn vốn ngay”.

Bạn đọc có địa chỉ: chi…@gmail.com đặt vấn đề: “Vào công chức phải bỏ ra số tiền bằng mấy năm tiền lương, thử hỏi tại sao họ không quan liêu, tham ô tham nhũng cho được! Cứ như vậy thì muôn thủa không hết tiêu cực. Chỉ khổ dân nghèo thôi!

Tương tự, độc giả có địa chỉ Joet…yahoo.com.vn phân tích: “Mọi người ai cũng kêu phải chạy 100 triệu mới vào làm công chức. Đó là vế 1, còn vế 2 thì sao? Lương công chức chưa được 4 tr/tháng thì bỏ ra 100 triệu bao giờ mới trả ơn cha mẹ, trả nợ và nuôi mình? Như vậy, chỉ có con đường tham nhũng thì mới mong gỡ lại thôi. Vậy cứ đà này thì nạn tham nhũng sẽ tăng theo cấp số cộng hay cấp số nhân?”

Trước thông tin thanh tra vụ việc chạy công chức 100 triệu, nhiều bạn đọc tỏ nghi ngờ hiệu quả khi câu hỏi "Chống ai? Ai chống?" lâu nay vẫn được dư luận nhắc tới lời cửa miệng. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng ngay cả khi thanh tra vào cuộc thật, không khéo lại phát hiện ra chính mình cũng là "nạn nhân" của việc chạy công chức.

Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi thẳng: Thanh tra bằng cách nào? Bạn có địa chỉ: nhatdo..@yahoo.com viết: “Thật tình là chẳng ai dám đứng ra giữa thanh thiên bạch nhật bảo rằng: Tôi đã chạy công chức mất... triệu đồng! Vì sao ư? Đơn giản: Đã mất tiền để chạy được chỗ làm ấy rồi, dại gì mà nói ra!”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyết Mai (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN