Thầm lặng nghề phu phà đất Cảng

Sự kiện: 24h vạn dặm

Thoạt nhìn, công việc của họ khá… nhàm chán, nhưng đằng sau đó là những vất vả, áp lực không dễ hình dung.

Với việc nhiều cây cầu đã và sẽ được xây dựng, có lẽ một ngày không xa nghề phu phà chỉ còn trong ký ức.

Miệt mài nối đôi bờ đảo ngọc

Hướng dẫn xe xuống phà

Hướng dẫn xe xuống phà

4h sáng một ngày giữa tháng 10/2022, khi đa số người dân Hải Phòng đang say giấc thì tài công Phạm Văn Ngọc (công nhân bến phà Gót – Cái Viềng, thuộc Công ty Cổ phần Bảo đảm an toàn đường thủy Hải Phòng) đã thức giấc, ăn sáng rồi kiểm tra kỹ thuật để chuẩn bị cho chuyến phà sớm khởi hành lúc 4h30.

Dù mới giữa mùa Thu nhưng nơi cửa biển này, gió đã lạnh thấu xương. Mặc chiếc áo ấm, anh Ngọc cùng các công nhân căng mắt nhìn từng ngọn sóng, đoán hướng gió để khéo léo điều khiển chiếc phà chở đầy ô tô, xe máy, người cập bến an toàn.

“Từ thời Pháp thuộc, những công nhân bến phà như chúng tôi vẫn được gọi với cái tên là nghề phu phà bởi sự vất vả. Tới nay, công việc của chúng tôi vẫn luôn vất vả, thấm đẫm mồ hôi khi phải vận hành những chiếc phà lớn, vượt sóng biển cập bến an toàn".

Tài công Lê Hồng Thắng

Mấy chục năm qua, đây là công việc thường ngày của anh Ngọc cũng như 150 cán bộ, công nhân viên bến phà Gót.

Hàng ngày, 150 người chia làm 2 ca trực 2 đầu bến và phục vụ trên các chuyến phà.

Từ 4h30 - 23h đêm, họ miệt mài làm công việc lặp đi lặp lại là vận hành các chuyến phà chở hành khách, xe cộ.

Là một trong những bến phà lớn nhất miền Bắc, Gót - Cái Viềng (huyện Cát Hải, TP Hải Phòng) có vai trò quan trọng kết nối đảo Cát Hải với đảo du lịch Cát Bà.

Hiện bến được biên chế 9 phà chở khách trong đó có 4 phà to, một phà nhỡ và 4 phà nhỏ để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân địa phương và khách du lịch.

Dù không còn là đợt cao điểm khách du lịch nhưng những chuyến phà Gót - Cái Viềng vẫn đầy ắp người, xe tới đảo Cát Bà bởi khi mùa cao điểm kết thúc cũng là lúc khách du lịch người nước ngoài đổ dồn về Cát Bà.

Theo đại diện bến phà Gót, vào mùa cao điểm du lịch diễn ra từ tháng 4 cho tới tháng 7 hàng năm, lượng du khách đổ về đảo Cát Bà rất lớn dẫn đến tình trạng bến phà quá tải kéo dài.

Ban quản lý bến phải huy động 100% quân số để đảm bảo việc di chuyển của hành khách, bình quân 10.000 lượt khách/ngày. Điển hình như tháng 6 vừa qua, các phà đưa đón khách phải hoạt động hết công suất với trung bình gần 700 chuyến mỗi ngày.

Vào những thời điểm khách du lịch đổ về đảo Cát Bà, nhất là dịp cuối tuần, những công nhân tại bên phà Gót - Cái Viềng phải làm việc đến gần 20 giờ/ngày. Có những lúc làm việc quên cả bữa trưa nhưng tất cả đều không ngơi tay, khi những hành khách cuối cùng còn chưa sang đến bến bên kia.

Công việc vất vả, nhiều áp lực

Kê kích bến phà để ô tô qua lại dễ dàng hơn

Kê kích bến phà để ô tô qua lại dễ dàng hơn

Tưởng chừng công việc đưa đón khách lên xuống phà lặp đi lặp lại hết sức đơn giản nhưng tìm hiểu kĩ mới thấy, đó là một công việc đầy vất vả và áp lực.

Không chỉ đảm bảo an toàn cho hành khách khi qua một của biển lớn nằm giữa hai đảo Cát Hải và Cát Bà, các công nhân viên tại bến còn phải đảm bảo thời gian di chuyển một cách ổn định trước sự bất thường của thời tiết.

Chạy cắt ngang qua tuyến hàng hải với nhiều tầu bè qua lại và nhiều vùng nước xoáy, những tài công lâu năm như Phạm Văn Ngọc, Lê Hồng Thắng và Đỗ Thừa Ngạn luôn tập trung vào công việc và đưa đón hàng vạn chuyến phà cập bến an toàn.

Dù đã có nhiều kinh nghiệm trong nghề với gần chục năm làm tài công nhưng các anh không bao giờ dám chủ quan trước bất kì tình huống nào, như sương mù vào mùa Đông hay phải đối đầu với những có mưa dông bất chợt.

Với phương châm “khách hàng phải được ưu tiên hàng đầu”, đội ngũ lãnh đạo và công nhân tại hai đầu bến đang ngày đêm thi đua lao động, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân, hạn chế tối đa người và phương tiện đi lại bị lỡ giờ, chậm chuyến.

Công tác phục vụ tích cực và chuyên nghiệp của cán bộ công nhân viên bến Phà Gót – Cái Viềng đang tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người sinh sống trên đảo Cát Hải và Cát Bà có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm ở những khu công nghiệp như Đình Vũ, Deep C, nhà máy chế tạo ô tô VinFast.

Nhiều người cũng dễ dàng tham gia công tác tại các cơ sở du lịch tại thị trấn Cát Bà, sinh sống ở bất kì nơi nào tại huyện đảo Cát Hải.

Nghề dần đi vào dĩ vãng

Hành khách chờ xuống phà Gót để đi sang khu du lịch Cát Bà

Hành khách chờ xuống phà Gót để đi sang khu du lịch Cát Bà

Là một thành phố cửa biển với hệ thống sông ngòi dày đặc cùng nhiều đảo nhỏ, từ thời xa xưa Hải Phòng đã hình thành nhiều bến đò, bến phà.

Thời Pháp thuộc, hàng loạt bến phà như phà Bính, phà Rừng, phà Khuể... đã được xây dựng nhằm đưa đón người, phương tiện vượt các dòng sông lớn. Một thế hệ công nhân bến phà đông đảo đã được hình thành với hàng nghìn người được gọi với cái tên là nghề phu phà.

Tại Hải Phòng có những gia đình vài thế hệ làm công nhân bến phà. Tới nay, với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống hạ tầng giao thông, các cây cầu dần được xây dựng thay thế các bến phà.

Các cây cầu là xu hướng tất yếu của hệ thống hạ tầng giao thông bởi công năng vận tải, sự tiện dụng. Tuy nhiên, với nhiều người dân Hải Phòng, bến phà gắn liền với những ký ức tuổi thơ.

Ra đời từ những năm đầu thế kỷ 20, bến Bính từng được mệnh danh là bến phà sầm uất nhất miền Bắc. Kể từ ngày 1/10/2019, những chuyến phà chở khách ngược xuôi sông Cấm chính thức ngừng hoạt động để nhường đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị bắc sông Cấm.

Câu chuyện về những lần sang sông ở bến phà nổi tiếng đất cảng chỉ còn trong ký ức. Người dân Hải Phòng nuối tiếc bến phà Bính đến mức khi đó Sở GTVT Hải Phòng phải lùi ngày đóng cửa bến phà vài ngày để đáp ứng nhu cầu của người dân muốn qua lại, chụp ảnh lưu niệm những khoảnh khắc cuối cùng của bến.

Bà Lê Thị Mạ (67 tuổi, ở xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) là “khách ruột” của phà bến Bính hơn 50 năm. Từ thời còn con gái đến lúc mái tóc bạc màu, bất kể nắng mưa, bà vẫn mang rau từ nhà sang thành phố để bán.

“Người dân Thủy Nguyên chúng tôi vẫn tiếc nuối bến phà này lắm nhưng giờ đây bến phà Bính chỉ còn trong dĩ vãng”, bà chia sẻ.

Sau ngày bến phà Bính dừng hoạt động, anh Nguyễn Văn Anh – tài công chở phà đành đi tìm việc khác, nhưng gần 10 năm gắn bó với bến phà đã là những kỷ niệm không quên. “Đó là quãng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời”, anh tâm sự.

Trước đó, tháng 9/2017 với việc đưa cầu Tân Vũ – Lạch Huyện (cầu vượt biển dài nhất Việt Nam) vào hoạt động, phà Đình Vũ nối nội thành Hải Phòng với đảo Cát Hải cũng dừng hoạt động sau 15 năm.

Quãng thời gian đó, bến phà Đình Vũ gánh vác nhiệm vụ nối đất liền với huyện đảo Cát Hải, đã vận chuyển hơn 165.000 chuyến, với hơn 635.000 lượt khách, gần 590.000 lượt ô tô và các phương tiện từ Đình Vũ ra đảo an toàn.

Ngoài ra, còn vận chuyển các phương tiện, nguyên vật liệu phục vụ công tác phòng chống, khắc phục thiên tai, cứu nạn, cứu hộ cho người dân đảo Cát Hải.

Tới nay, với việc nhiều cây cầu mới đang tiếp tục được xây dựng, có thể một ngày không xa nghề phu phà nơi đất Cảng sẽ chỉ còn là dĩ vãng…

Nguồn: [Link nguồn]

Tâm sự những người làm nghề lấy tử thi

Nghề lấy tử thi - một nghề rất đặc biệt. Đội ngũ lấy tử thi có nhiệm vụ nhanh chóng đến hiện trường, mang những thi thể của những người vô danh, những người mất do...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Hòa - Hoàng Long ([Tên nguồn])
24h vạn dặm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN