Thăm lại làng 'bệnh lạ'
Làng Rêu (xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) một thời căn bệnh lạ kỳ từ đâu đó bỗng đổ ập xuống, cướp đi nhiều sinh mạng, khiến nhiều người bỏ làng, nhiều đứa trẻ bỏ học, nhiều cánh đồng bỏ cày cấy. Không khí bao phủ khắp nơi là những ám ảnh về bệnh tật, chết chóc...
Trẻ nhỏ làng Rêu giờ vui vẻ, bình an. Ảnh: Hà Thương
Sau gần chục năm, làng Rêu bây giờ đã thoát khỏi bóng ma của căn “bệnh lạ” năm xưa. Khi căn bệnh quái ác rời xa, cuộc sống như được tái sinh, xua tan u tối từng bao phủ về căn bệnh đã cướp đi sinh bệnh không ít người dân trong làng.
Ký ức đau thương
Chiều dần buông, ông Phạm Văn Đáy thong dong lùa đàn trâu no cỏ về nhà. Rút thanh gióng chuồng trâu, lùa xong những con cuối cùng vào đàn, ông Đáy đứng ngẩn người nhìn về mặt trời đang dần khuất sau dãy núi rồi ngậm ngùi nhớ lại: “Ba đứa con thì có đến 2 đứa mất vì căn bệnh lạ đó. Giờ chỉ còn thằng con út!”.
Gương mặt người đàn ông làng Rêu gần 50 tuổi chợt trở nên buồn bã. Ký ức đau thương chục năm trước ùa về. Ngày ấy, đang yên đang lành 2 đứa con gái lớn là Phạm Thị Diên và Phạm Thị Dút trong gia đình không hiểu sao tự dưng mắc bệnh. Tay chân cứ u sần lên, lở loét.
Ông Phạm Văn Đáy có 2 người con mất do “bệnh lạ"
Thời gian qua cũng đã lâu, đau thương cũng mờ dần nhưng mỗi lần nhớ đến, ông Đáy lại đau nhói. “Hồi đó ở đây hay ăn gạo mốc, không biết là bệnh có phải do nó hay không? Lúc 2 đứa mắc bệnh cũng bệnh viện tỉnh rồi đi cả Đà Nẵng nữa, nhưng không chữa được”, ông Đáy xót xa.
Mấy chục năm làm dâu ở Làng Rêu, bà Đinh Thị Chiên (quê xã Long Sơn, huyện Minh Long, Quảng Ngãi) đã chứng kiến bao nhiêu đau thương do căn bệnh này mang đến. Bà Chiên nhớ như in cái không khí ảm đảm, lo âu trong khoảng thời gian “bệnh la” hoành hành. “Lúc đó nhà nào cũng có người mắc bệnh. Chết cũng nhiều? Nhà phía trên, phía dưới, bên trái, bên phải đều có người bệnh. Cũng lo lắm, nhưng vẫn không rời làng”, bà Chiên bồi hồi.
Nằm khuất giữa những cánh rừng nhỏ, những năm trước mỗi mùa mưa bão là làng Rêu lại bị tách biệt với cuộc sống bên ngoài. Dân làng sống với đời sống của rừng, ăn rừng ngủ rừng và chết với rừng. Với họ, căn bệnh lạ ập đến giống như sự trừng phạt của Yang trời Yang đất. Người làng đâu có làm gì nên tội mà sao Yang lại nỡ cướp đi bao nhiêu người trong làng như thế? Những câu hỏi ấy ánh lên trong mắt lũ làng, ám ảnh trong câu nói của người già, khắc khoải trong cuộc trò chuyện của người nam người nữ, ám cả vào giấc ngủ của người trẻ.
Nhiều gia đình đã rời làng vì sợ hãi, đồng ruộng bỏ hoang vì không người cày cấy. Làng Rêu xác xơ khi cơn bão bệnh lạ đổ về làng. Những người còn lại ở làng chỉ biết vét những đồng tiền cuối cùng, con gà cuối cùng, chai rượu cuối cùng làm cái lễ cúng con “ma bệnh”, hy vọng sẽ đuổi được con “ma” đó đi. Nhưng đồ cúng bao nhiêu vẫn không xuể. Người làng vẫn bệnh. Hàng chục đoàn công tác của các bộ ngành, của tỉnh đã về. Người làng bớt lo lắng hơn nhưng vẫn sợ. Cái chết kỳ lạ vẫn là nỗi ám ảnh với người làng.
Từ năm 2011 đến 2014, toàn xã Ba Điền có 264 người mắc bệnh, trong đó có 24 người tử vong, rải đều ở 4 thôn Hy Long, Gò Nghênh, Làng Tương và Làng Rêu, trong đó nặng nhất là thôn Làng Rêu. Sau khi căn bệnh lây lan nhanh, đã có hàng chục đoàn chuyên gia y tế, đầu ngành tỉnh, Bộ Y tế và WHO (Tổ chức Y tế thế giới) về khảo sát thực địa, thu thập thông tin, lấy mẫu nước, đất, thực phẩm, máu, tóc của bệnh nhân... để tìm nguyên nhân gây bệnh.
Người làng Rêu hôm nay
Rồi con “ma bệnh” cứ từ từ biến mất. Người làng không còn ai chết vì “bệnh lạ” nữa. Người làng đã hiểu ra, hóa ra chẳng có “con ma” nào làm bệnh cả. Chỉ vì đời sống người dân kham khổ quá, y tế chưa được quan tâm, thói quen sinh hoạt lạc hậu gây nên bệnh tật.
Hồi sinh trên vùng “đất chết”
Làng Rêu giờ đã khác lắm rồi. Con suối Nước Nẻ đầy hung dữ khiến làng Rêu biến thành ốc đảo mỗi mùa mưa bão đã được xây cầu, người làng không sợ con nước làm chết người mỗi mùa bão. Đường được bê tông hóa cho xe máy chạy rầm rập trong làng, chạy qua cầu, chạy ra xã ra huyện trong ngày. Hàng hóa được mua bán, trao đổi thuận tiện hơn, thông tin dưới xuôi cũng ngày càng nhanh chóng.
Bà Phạm Thị Liên vừa rải nắm thóc cho đàn gà, vừa cười móm mém: “Bệnh hết từ lâu rồi, giờ ai cũng lo làm ăn, không ai nghĩ đến chuyện rời làng như hồi đó nữa. Tui già rồi, không làm được gì nhiều thì cũng ráng nuôi vài con trâu với chục con gà”.
Bà Phạm Thị Liên: “Bệnh hết từ lâu rồi, giờ ai cũng lo làm ăn"
Người làng Vui với gần 350 nhân khẩu đã không còn sợ bệnh lạ, đồng ruộng, nương rẫy lại tươi xanh, lũ trẻ đi học í ới mỗi ngày. Những ngôi nhà mới khang trang mọc lên ngày càng nhiều.
Người dân làng vẫn kháo nhau, nể nhất là nhà ông Đáy. Có người thân mất trong đợt dịch bệnh, nhưng ông đã vượt qua nỗi đau, trồng keo, chăn nuôi, dành dụm được hàng trăm triệu đồng xây ngôi nhà kiên cố. Mà có phải mỗi mình ông Đáy đâu, nhiều người cũng mang nặng nỗi đau do mất người thân cũng đã gắng gượng vượt qua.
Cuộc sống khá dần, người làng bây giờ ai cũng biết mua thức ăn có chất dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe. Tình trạng để thức ăn un khói, dự trữ trên giàn bếp, hay để lúa trong chòi gây nên ẩm mốc không còn nữa. Người dân đựng lúa trong phi, đựng thức ăn trong tủ lạnh, rồi uống nước đã đun sôi. Mỗi khi đau ốm, đồng bào đều đến Trạm Y tế xã để khám, chữa bệnh.
Chiếc cầu mới dẫn vào làng Rêu
Chiều muộn dần, bóng tối phủ nhanh khắp xóm núi. Trên con đường vào làng Rêu được thảm bê tông sạch sẽ, những đứa trẻ mang cặp sách nhảy chân sáo trở về từ trường học. Thoang thoảng trong không gian mùi cơm vừa chín tới bay ra từ chái bếp. Ngày sắp hết, ánh điện sáng choang từ những ngôi nhà lan ra mãi tận đường như muốn đẩy lùi bóng đêm!
Trưởng thôn Rêu Phạm Văn Đố cười hiền lành: “Bệnh lạ" giờ không còn nữa, thôn mình yên tâm rồi. Giờ có bệnh gì là có bác sĩ khám rồi, không cúng ma nữa. Giờ không còn bệnh lạ làm người làng sợ nữa, mọi người yên tâm làm ăn sản xuất, làng không còn đói nữa!".
Nguồn: [Link nguồn]
Căn bệnh lạ đã khiến cô giáo mầm non đầy nhiệt huyết ấy phải sống trong cảnh xiếng xích.