Thảm kịch sóng thần Nhật Bản: Nỗi đau chưa thể nào nguôi

Bất chấp cơn mưa phùn mùa đông lạnh thấu xương, anh Takayuki Ueno vẫn lầm lũi đi dọc bãi biển dài hoang vắng, mong tìm thấy thi thể cậu con trai 3 tuổi đã chết trong trận sóng thần kinh hoàng cách đây 4 năm (11.3.2011). Đối với các nạn nhân thảm kịch này, thời gian dường như không bao giờ đủ để làm lành đau.

Anh Takayuki Ueno, 42 tuổi chia sẻ, nỗi đau mất con trai trong lòng anh sẽ không bao giờ nguôi ngoai chừng nào anh chưa tìm thấy thi thể của cậu bé. Thảm kịch kinh hoàng xảy ra cách đây đúng 4 năm (11.3.2011) đã đánh dấu hành trình tìm kiếm thi thể con trai dài như vô tận của Takayuki Ueno - một trong số hàng nghìn nạn nhân sống sót sau trận sóng thần vẫn đang chìm trong nỗi đau mất người thân.

Thảm kịch sóng thần Nhật Bản: Nỗi đau chưa thể nào nguôi - 1

Ông Norio Kimura, 49 tuổi đã mất bố, vợ và con gái trong trận sóng thần năm 2011 quỳ bên mộ người thân ngày 23.2.2015.

Anh Takayuki Ueno chia sẻ, anh còn một cô con gái tên là Sarii. Bé Sarii chào đời 6 tháng sau trận sóng thần. Mỗi khi nhìn cô con gái nhỏ, hình ảnh đứa con trai đã mất lại hiện lên ám ảnh người cha tội nghiệp. 

"Con gái Sarii của tôi sẽ bắt đầu đi nhà trẻ vào tháng 4 này, bắt đầu làm những thứ mà anh trai nó chưa kịp làm. Tôi không thể nguôi đau đớn khi nghĩ rằng, cuộc sống của thằng bé ngắn ngủi đến thế, chỉ có 3 năm", người cha ngậm ngùi.

Ngày 11.3.2011, trận động đất mạnh tới 8,9 độ Richter đã tạo ra những con sóng thần kinh hoàng, nhấn chìm vùng ven biển đông bắc Nhật Bản. Kéo theo đó là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl năm 1986. Sóng thần làm hư hại các lò phản ứng và hệ thống làm mát trong nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, làm rò rỉ phóng xạ.

Thảm họa kép kinh hoàng đã cướp đi mạng sống của gần 19.000 người. Ngoài ra, còn có hàng nghìn người mất tích. Với những người sống sót, cuộc sống của họ cũng thay đổi mãi mãi. 

Thảm kịch sóng thần Nhật Bản: Nỗi đau chưa thể nào nguôi - 2

Những người được sơ tán từ Okuma, một thị trấn gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi  tham dự một buổi họp trong khu nhà ở tạm thời ở Aizuwakamatsu, tỉnh Fukushima và lắng nghe ông Toshitsuna Watanabe, thị trưởng ở Okuma phát biểu ngày 17.2.2015.

"Không có ai tới đây để giúp đỡ tôi. Tôi là người duy nhất có mặt ở toàn bộ khu vực này. Sau khi lò phản ứng hạt nhân nổ, tất cả mọi người đều bỏ đi. Còn tôi bắt đầu hành trình tìm kiếm con trai mất tích của mình", anh Ueno, 42 tuổi chia sẻ tại bờ biển Minamisoma, phía đông bắc Nhật Bản.

Người cha tội nghiệp nhấn mạnh, anh rất cần sự giúp đỡ. Vẫn còn rất nhiều người còn đang mất tích, chưa được tìm thấy sau thảm họa kinh hoàng.
  

Ngoài cậu con trai 3 tuổi, anh Ueno còn mất cô con gái 8 tuổi và mẹ anh, 60 tuổi. Tuy nhiên, thi thể của hai bà cháu đã được tìm thấy gần nhà.

Thảm kịch sóng thần Nhật Bản: Nỗi đau chưa thể nào nguôi - 3

Chiếc thuyền đánh cá bị trận sóng thần đánh dạt lên bờ từ năm 2011 và đến nay vẫn nằm nguyên ở đây.

Kể từ cuối tháng 3.2011, anh Ueno đã bất chấp các bức xạ đã tới bờ biển Minamisoma để tìm kiếm thi thể các nạn nhân trong thảm họa sóng thần bao gồm con trai mình.

Anh chỉ là một trong hàng nghìn người bị trận sóng thần năm 2011 thay đổi cuộc đời mãi mãi. Đối với họ, thời gian không thể xóa nhòa nỗi đau khi họ không thể tìm thấy thi thể người thân.
 

Trong khi đó, còn có rất nhiều người khác, dù không bị mất đi người thân, nhưng cuộc đời của họ cũng rơi vào bi kịch mất sạch tài sản, nhà cửa, trở thành những người vô gia cư.

Ngoài ra, có khoảng 10.000 người, ở các khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daichi đến nay vẫn không thể quay về nhà do các lo ngại về chất phóng xạ bị rò rỉ tại đây.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Đăng ([Tên nguồn])
Động đất, sóng thần tàn phá Nhật Bản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN