Thảm họa Ebola sẽ hoành hành nếu không tìm ra vaccine
Giáo sư Peter Piot, một trong những nhà khoa học phát hiện ra virus Ebola đầu tiên tại Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1976 cảnh báo, quy mô của đại dịch Ebola sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các nhà khoa học nếu không có vaccine điều trị loại virus chết người này.
Theo giáo sư Peter Piot, Giám đốc Trường Y học Nhiệt đới và Dịch tễ London (Anh), đại dịch Ebola đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của 3 quốc gia Tây Phi và trực tiếp đe doạ tới 15 quốc gia khác, và nó có thể sẽ không kết thúc cho tới khi thế giới tìm ra loại vaccine đối phó với căn bệnh chết người này.
Đại dịch Ebola sẽ không chấm dứt nếu không có vaccine điều trị
Giáo sư Peter Piot là một trong những nhà khoa học đã phát hiện sự bùng phát của dịch bệnh Ebola đầu tiên tại Zaire, nay là Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1976 và góp phần đẩy lui dịch bệnh.
Ông Piot cho rằng trong thực tế sẽ không quá khó khăn để ngăn chặn sự bùng phát của Ebola nếu cơ quan chức năng và Liên Hợp Quốc có hành động kịp thời ngay từ đầu năm, thời điểm virus Ebola được phát hiện tại 3 quốc gia ở Tây Phi. Tuy nhiên với quy mô lây lan nhanh chóng như hiện nay, giáo sư Peter khẳng định chỉ có vaccine mới có thể ngăn chặn được dịch bệnh này.
Hiện có 3 loại vaccine điều trị Ebola được thử nghiệm an toàn và mang lại kết quả an toàn trên các tình nguyện viên tại Anh, Mỹ và Mali. Những kết quả thử nghiệm cuối cùng sẽ được công bố vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12. Nếu như được chấp nhận, các nhân viên y tế, những người có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh, sẽ được sử dụng vaccine trước Giáng sinh năm nay.
Ebola đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Liberia, Sierra Leone và Guinea, trực tiếp đe dọa tới 15 quốc gia khác
Giáo sư Piot cũng cho biết: “Nếu như đại dịch không được ngăn chặn ở 3 quốc gia Tây Phi trên thì nó sẽ nhanh chóng lan sang các nước lân cận như Bờ Biển Nga, Guinea Bissau và Mali.”
Trước sự lây lan nhanh chóng của virus Ebola, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây cảnh báo, số ca nhiễm Ebola sẽ vượt con số 9.000 với hơn 4.500 trường hợp tử vong vào cuối tuần này. Ông Peter Piot khẳng định, Ebola có thể dẫn tới sự bất ổn về xã hội và chính trị. Không chỉ có vậy, chi phí tốn kém sẽ tác động tới các nền kinh tế, đặc biệt là với các quốc gia dễ bị tổn thương.
Trong buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ, Tiến sĩ Tom Frieden, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) nói: “Một trong những điều tôi lo sợ về Ebola là đại dịch sẽ lan rộng tại Tây Phi. Nếu điều này xảy ra nó sẽ trở thành mối đe dọa cho toàn bộ hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe của chúng ta trong thời gian dài.”
Phụ nữ mang thai tại Tây Phi đang phải đối mặt với mối đe dọa kép, là tử vong vì Ebola hoặc trong quá trình sinh nở, do tác động tàn khốc của Ebola tới hệ thống chăm sóc sức khỏe
Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cũng đưa ra cảnh báo, sẽ khoảng 120.000 phụ nữ có nguy cơ tử vong trong quá trình sinh đẻ vào năm tới tại 3 quốc gia là Sierra Leone, Liberia và Guinea do kiệt quệ sức khỏe cũng như lo ngại về lây nhiễm Ebola tại bệnh viện. Ước tính có khoảng 800.000 phụ nữ sẽ sinh trong vòng 12 tháng tới tại 3 quốc gia trên, 120.000 trong số họ có thể bị biến chứng và cần các biện pháp chăm sóc cứu hộ.
Tiến sĩ Babatunde Osotimehin, Giám đốc điều hành UNFPA nói: “Thực tế phụ nữ mang thai đang phải đối mặt với mối đe dọa kép, đó là tử vong vì Ebola hoặc trong quá trình sinh nở, do tác động tàn khốc của dịch Ebola với đội ngũ nhân viên y tế và hệ thống chăm sóc sức khỏe.”