Thảm họa đắm phà Sewol: Nỗi hổ thẹn của Hàn Quốc

Những sai lầm, yếu kém của thủy thủ, phản ứng chậm chạp của chính quyền và cả sự ngoan ngoãn nghe lời của học sinh đã biến một vụ chìm phà gần bờ trở thành thảm họa.

Đối với Hàn Quốc, một quốc gia đã thoát khỏi đói nghèo để bứt lên thành một trong 15 nền kinh tế lớn nhất thế giới, lời kết tội cay nghiệt nhất về vụ đắm phà trong tuần vừa qua chính là việc nước này tỏ ra quá kém cỏi và vụng về trong một thảm họa kinh hoàng.

Trong khi thuyền trưởng và các thủy thủ run lẩy bẩy và đôi co với các nhân viên cứu hộ qua sóng liên lạc vô tuyến về quyết định có sơ tán hay không, hàng trăm hành khách, trong đó đa phần là học sinh trung học, vẫn ngoan ngoãn ngồi im trong cabin của mình trong khi chiếc phà nghiêng dần và lật úp xuống vùng biển đục ngầu lạnh giá.

Thảm họa đắm phà Sewol: Nỗi hổ thẹn của Hàn Quốc - 1

Giáo viên, học sinh cúi đầu khi một chiếc xe tang chở nạn nhân trên phà Sewol đi qua

Sai lầm nối tiếp sai lầm đã biến một vụ đắm tàu ở ngay gần bờ tưởng chừng như không có gì quá nguy hiểm thành một thảm họa hàng hải tồi tệ nhất trong 2 thập kỷ gần đây. Thảm họa này đã khiến nhiều người Hàn Quốc cảm thấy xấu hổ và hoài nghi về các lãnh đạo chính trị của mình trong bối cảnh họ chuẩn bị đón tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama tới công du nước này vào tối thứ Năm tới đây.

Ông Choi Kang, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Soul nhận định: “Chúng ta được cho là một cường quốc hạng trung thịnh vượng, thế nhưng về cơ bản chúng ta vẫn rất yếu kém. Trong lúc thảm họa này xảy ra, không có một cơ quan nào đứng ra chỉ huy, không có một ai là người phụ trách.”

Một phần nguyên nhân khiến chiến dịch cứu nạn thất bại trong việc cứu được hết hành khách trên phà là do đặc trưng văn hóa Hàn Quốc, trong đó những người trẻ tuổi được dạy dỗ phải tôn trọng và nghe lời các bậc tiền bối.

Ông Kim Seun-tae, một bộ trưởng Hàn Quốc có con trai học tại trường trung học Danwon, nơi có 350 học sinh đã đi trên chuyến phà định mệnh này nói: “Là một người Hàn Quốc, tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ.” Con trai ông Kim không có mặt trên chuyến phà này lúc tai nạn xảy ra.

Ông Kim cho biết ông đã rất sốc khi xem đoạn video do những người sống sót quay lại được bằng điện thoại di động cho thấy các học sinh 16-17 tuổi vẫn ngoan ngoãn ngồi im trong cabin lúc chiếc phà đang chìm dần.

Thảm họa đắm phà Sewol: Nỗi hổ thẹn của Hàn Quốc - 2

Nhiều học sinh vẫn ngoan ngoãn ngồi trong cabin dù phà đang chìm dần

“Bọn trẻ rất ngoan và biết nghe lời. Chúng đã làm theo chỉ thị do người lớn đưa ra. Nhưng chính điều đó đã khiến cho tất cả chúng ta cảm thấy sốc và tuyệt vọng, khiến chúng ta không thể nhìn thẳng vào mắt nhau.”

Hôm thứ Hai, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, người nổi tiếng với chính sách bảo vệ thế hệ trẻ đã kịch liệt lên án thuyền trưởng và những thủy thủ đã bỏ mặc hành khách để rời tàu. Bà Park gọi đây là “hành vi không thể chấp nhận được và chẳng khách gì hành động của kẻ sát nhân”.

Thế nhưng chính bà Park cũng đang đối mặt với các cáo buộc rằng Bộ An ninh và Công cộng mới được tái cấu trúc của chính phủ đã không phản ứng kịp thời với thảm họa.

Ông Jeong Chan-gwon tại Viện Phân tích Quản lý Khủng hoàng Hàn Quốc nói: “Những công bộc này không hề có kinh nghiệm và kỹ năng đối phó thảm họa. Khi khủng hoảng xảy ra, họ hoàn toàn bị tê liệt.”

Thảm họa đắm phà Sewol: Nỗi hổ thẹn của Hàn Quốc - 3

Phải 53 phút sau khi phà bắt đầu chìm, lực lượng cứu nạn mới được huy động

Còn ông Scott Snyder, chuyên gia nghiên cứu Hàn Quốc tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế thì phát biểu: “Khi tổng thống gọi thuyền trưởng là ‘kẻ sát nhân’, điều đó chứng tỏ bà đang phải chịu sức ép chính trị rất nặng nề.”

Trên chiếc phà đang chìm dần, những thủy thủ non kinh nghiệm và hoảng loạn đã không cầu cứu lực lượng cảnh sát biển mà lại gọi cho một trạm dịch vụ giao thông đường biển trên đảo Jeje, cách chỗ họ gần 100 km.

Sau khi nhận được tín hiệu cầu cứu và cũng không biết phải xử lý ra sao, trạm giao thông này lại hướng dẫn phà Sewol chuyển tần số sang trạm Jindo ở gần đó, và trạm này lại chuyển tiếp cuộc gọi của họ tới cho cảnh sát biển.

Phải đến 53 phút sau, Sở Chỉ huy Phòng chống Thảm họa Trung ương mới nhận được thông tin về vụ đắm phà và bắt đầu huy động lực lượng. Lúc đó thì thuyền trưởng cũng đã rời tàu, bỏ mặc hơn 2/3 hành khách vẫn còn mắc kẹt trong các cabin.

Thảm họa đắm phà Sewol: Nỗi hổ thẹn của Hàn Quốc - 4

Trực thăng giải cứu các hành khách trên phà Sewol

Thậm chí trước khi thủy thủ phà Sewol phát tín hiệu cầu cứu, nhiều học sinh có mặt trên phà đã sử dụng điện thoại di động để gọi cho bố mẹ và số điện thoại khẩn cấp của Hàn Quốc.

Một nam sinh gọi đến đường dây nóng của lực lượng cứu hỏa với giọng run rẩy: “Hãy cứu bọn cháu. Chiếc phà đang chìm dần.”

Kim Seong-kyu, một sinh viên 19 tuổi phân tích: “Bọn trẻ chưa bao giờ ở trên một chiếc phà trong tình huống đó. Chúng không biết phải làm gì. Nhưng đáng lẽ ra chúng đã được cứu.”

Các điều tra viên Hàn Quốc tin rằng việc phà Sewol rẽ phải đột ngột khi đang chạy ở tốc độ cao theo quyết định của một nữ thuyền phó non kinh nghiệm là nguyên nhân khiến 2000 tấn hàng hóa trên nóc phà bị xô lệch, làm phà mất trọng tâm và nghiêng sang bên trái rồi chìm hẳn.

Chiếc phà 20 năm tuổi này được chế tạo ở Nhật Bản và được cải hoán vào năm 2012 để có thể chở được nhiều hành khách và hàng hóa hơn trong hành trình xuyên đêm từ cảng Incheon tới đảo du lịch Jeju.

Thảm họa đắm phà Sewol: Nỗi hổ thẹn của Hàn Quốc - 5

Thi thể của nạn nhân được chuyển lên bờ

Phà Sewol mới được đăng kiểm hồi tháng Hai, tuy nhiên một số cựu thủy thủ từng làm việc trên phà này cho rằng việc cải hoán đã khiến chiếc phà bị thay đổi trọng tâm, làm sức nặng của cả chiếc phà bị dồn lên phía trên.

Một cựu nhân viên đóng tàu tên là Shin Sang-chul nhận định: “Chiếc phà có nhiều vấn đề về thăng bằng. Nó đã được cải hoán để chở thêm quá nhiều hành khách và hàng hóa so với khả năng của nó.”

Ông Shin tin rằng chiếc phà đã bị nghiêng sẵn trong suốt hành trình, và thủy thủ đoàn đã không báo cáo với nhà chức trách về vấn đề này.

Dù nguyên nhân gây ra tai nạn là gì đi chăng nữa, điều dễ dàng nhận thấy là những người ở trên phà đều không quen với các quy trình sơ tán. Đoạn trao đổi qua sóng vô tuyến giữa thủy thủ phà Sewol với trạm Jindo cho thấy thủy thủ đoàn đã rơi vào tình trạng hoảng loạn và bối rối.

Trong đoạn trao đổi này, người điều hành trạm Jindo đã hét lên với thủy thủ đoàn: “Ít nhất thì các anh cũng phải cho hành khách mặc áo phao và để họ thoát ra ngoài. Trực thăng sẽ đến nơi và các tàu ở xung quanh cũng đang trên đường đến.”

Thế nhưng thủy thủ trên phà Sewol lại viện ra rất nhiều lý do để không cho hành khách sơ tán, nào là hệ thống loa phóng thanh bị hỏng, nào là chiếc phà bị nghiêng quá lớn khiến mọi người không thể di chuyển, nào là trực thăng sẽ không đủ chỗ cho quá nhiều người sơ tán.

Thậm chí, một thủy thủ còn trả lời: “Phà Sewol hoàn toàn không thể nào sơ tán được.”

Sự hoang mang và thiếu kiên quyết của thủy thủ đoàn đã khiến hàng trăm hành khách đã phải trả một cái giá quá đắt bằng chính sinh mạng của họ.

Thảm họa đắm phà Sewol: Nỗi hổ thẹn của Hàn Quốc - 6

Phụ huynh khắc khoải ngóng chờ tin tức con em

Phần lớn các học sinh đều chấp hành mệnh lệnh trước đó được phát trên loa phóng thanh rằng họ phải mặc áo phao và ngồi nguyên trong cabin để “tránh nguy hiểm”. Theo báo cáo chính thức, chỉ có khoảng 80 người trong số 174 hành khách được cứu là không chấp hành mệnh lệnh này và lao ra bên ngoài để thoát thân.

Vài giờ sau khi thảm họa xảy ra, chính phủ đã tìm cách trấn an các phụ huynh học sinh ở Ansan rằng phần lớn 325 học sinh trên phà đều đã được giải cứu, thế nhưng hóa ra mọi chuyện không phải vậy.

Một người đàn ông có mặt tại trung tâm cứu trợ khẩn cấp cở Ansan cho biết: “Họ đã nói dối chúng tôi suốt thời gian đó. Các bậc phụ huynh tin rằng chính phủ đã chôn sống con em họ giữa biển.”

Đối với cậu học trò Song In-ji, bài học lớn nhất mà cậu rút ra được trong thảm kịch kinh hoàng trên phà Sewol là: Đừng bao giờ tin lời người lớn.

Cậu bé nói: “Cháu không thể hiểu nổi tại sao họ lại có thể ngoan ngoãn ngồi trong cabin trong lúc nước biển đang tràn vào. Chúng cháu không thể tin ai được nữa!”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo LATimes) ([Tên nguồn])
Chìm phà ở Hàn Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN