Tham gia bảo hiểm y tế là bắt buộc
BHYT sẽ giảm mức thanh toán đối với trái tuyến, vượt tuyến (cả nội trú và ngoại trú).
Đó là những thông tin đáng chú ý được đưa ra tại Hội nghị xin ý kiến đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) do Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức ngày 19/6. Theo dự thảo thì BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với mọi đối tượng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, góp phần thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân.
Bắt buộc tham gia
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, việc tham gia BHYT ở nước ta đang theo tâm lý ngược chiều, chỉ khi ốm hoặc sắp ốm, người dân mới thấy xuất hiện nhu cầu mua thẻ BHYT. “Vì vậy, tiến tới BHYT toàn dân sẽ góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển” - bà Xuyên nói.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết thêm quá trình triển khai cho thấy quy định việc tham gia BHYT hiện nay chưa rõ ràng nên nhiều nhóm đối tượng đã không tham gia. Vì vậy, để tiến tới thực hiện BHYT toàn dân thì luật sửa đổi phải quy định tham gia BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc.
Người dân mua BHYT tại UBND phường 3, quận 5, TP.HCM. Ảnh: HTD
Dự thảo cũng bổ sung quy định phương thức đóng chuyển đổi từ tham gia BHYT cá nhân sang tham gia theo hộ gia đình. Nhiều đại biểu đồng tình và cho rằng BHYT hộ gia đình là hình thức gắn trách nhiệm tham gia BHYT của hộ gia đình và trách nhiệm của UBND cấp xã trong thực hiện BHYT. Đồng thời, tạo điều kiện dễ quản lý, dễ triển khai cũng như thống nhất được chế độ, nghĩa vụ và quyền lợi của người tham gia BHYT.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung việc thanh toán BHYT cho điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt cho trẻ em dưới sáu tuổi nhằm tăng quyền lợi BHYT cho trẻ em.
Giảm mức thanh toán đối với trái tuyến
Cũng theo dự thảo, BHYT sẽ giảm mức thanh toán đối với trái tuyến, vượt tuyến (cả nội trú và ngoại trú) với mức thanh toán giảm từ 30%, 50%, 70% như hiện nay xuống còn 20%, 40%, 60% theo hạng BV đối với trường hợp nội trú và 10%, 20%, 30% theo hạng BV đối với trường hợp ngoại trú.
Theo nhiều đại biểu, việc quy định mức cùng chi trả cao hơn đối với trường hợp khám, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến là cần thiết, phù hợp với kinh nghiệm các nước để hạn chế việc vượt tuyến kỹ thuật, hạn chế sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn, giảm tình trạng quá tải và đảm bảo sự an toàn của quỹ mà vẫn đáp ứng được nhu cầu tiếp cận dịch vụ của người tham gia BHYT.
Nhiều đại biểu cũng đồng tình với quy định quỹ BHYT sẽ thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí khám, chữa bệnh mà người bệnh cùng chi trả trong năm lớn hơn 12 tháng lương cơ bản (trừ trường hợp vượt tuyến, trái tuyến và sử dụng thuốc ngoài danh mục). Theo đại diện Vụ BHXH, việc quy định cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh không có giới hạn mức chi trả tối đa với những người mắc bệnh nặng, có chi phí lớn (ung thư, phẫu thuật, can thiệp tim mạch, ghép tạng, chạy thận nhân tạo…) là cần thiết để giảm phần tự chi trả trực tiếp từ tiền túi của mỗi cá nhân do chi phí y tế quá lớn. Đây là điểm mới nhằm giảm chi tiêu y tế từ tiền túi của mỗi cá nhân, tránh được “bẫy nghèo” trong y tế cho các trường hợp bệnh nặng chi phí lớn.
Thành lập Hội đồng tư vấn chính sách BHYT Để đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong sử dụng thuốc, trong sử dụng các dịch vụ y tế, sử dụng quỹ BHYT, Bộ Y tế đang đề xuất thành lập Hội đồng đánh giá, thẩm định BHYT. Hội đồng có nhiệm vụ đánh giá chi phí và chất lượng chuyên môn, tính phù hợp của việc cung ứng dịch vụ y tế cho người bệnh; thẩm định chi phí mà cơ sở khám, chữa bệnh yêu cầu thanh toán; quyết định hoàn lại chi phí, kiểm tra gian lận trong quản lý và sử dụng quỹ BHYT. Đồng thời, xây dựng các tiêu chuẩn để thẩm tra, đánh giá; xây dựng và hướng dẫn về cơ chế thanh toán cho phù hợp. Điều này nhằm bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT, tính hợp lý trong cung ứng dịch vụ của các cơ sở khám, chữa bệnh, bảo đảm tính tuân thủ các quy định của pháp luật về BHYT, có thể hạn chế hiện tượng lạm dụng quỹ BHYT, đồng thời bảo đảm Quỹ BHYT được sử dụng có hiệu quả. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên |