Lưu bài Bỏ lưu bài

 

Trời càng về sáng, lượng người đến khu khám bệnh càng đông hơn. Hàng trăm người nháo nhác, đi lại xuôi ngược, lỉnh kỉnh đồ đạc trên tay. Người đứng, người ngồi, người nằm vạ vật ở khắp nơi.

Muôn kiểu vạ vật, xếp hàng… ở bệnh viện

4h sáng, đường phố Hà Nội vắng lặng, lác đác vài bóng công nhân vệ sinh môi trường đang cặm cụi dọn rác. Bóng đêm bao phủ lấy những con phố. Một không gian yên tĩnh, khác hẳn với Hà Nội xô bồ ban ngày.

Không giống với những con phố khác, phố Phủ Doãn (phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nơi có Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức (cơ sở 1) nhịp sống nhộn nhịp hơn hẳn. Dòng người hối hả ra vào cổng viện.

Thảm cảnh bệnh nhân xếp hàng từ 4h sáng, vật vờ chờ khám ở bệnh viện - 3

Nằm sát với cổng viện là khu vực cấp cứu. Ánh đèn điện sáng trưng. Mỗi khi tiếng còi xe cứu thương “hú” vào sảnh, các y bác sĩ mặc áo bloues trắng lại vội vàng mang xe đẩy ra đưa người bệnh vào trong. Mọi thứ diễn ra rất khẩn trương.

Nằm ngay sát khu cấp cứu là khu khám bệnh theo yêu cầu, nơi người bệnh thường xếp hàng để lấy phiếu số thứ tự vào khám. Dù mới hơn 4h sáng nhưng hàng chục người đã ngồi chờ sẵn tại đây chờ đến giờ vào lấy phiếu khám.

Tấm bảng đặt trước cửa khoa thông báo, 5h30 mới bắt đầu phát phiếu. Tuy nhiên, tâm lý muốn được khám trước nên nhiều người đã có mặt từ rất sớm, giữ cho mình một chỗ ở hàng đầu tiên.

 

 

Hà Nội đang vào đông. Bên ngoài trời lạnh nhưng bên trong khoa khám bệnh, tiếng quạt trần quay vù vù trên đầu. Dưới sàn nhà, người ngồi dưới đất, người nằm trên ghế… Thi thoảng lại có người nhấp nhổm, ngó ra khu xếp hàng vì sợ mất chỗ. Khuôn mặt ai cũng tỏ rõ sự mệt mỏi vì thức đêm và di chuyển đường xa đến đây.

Cứ đi vài bước chúng tôi lại bắt gặp cảnh một vài người nằm ngủ vạ vật. “Giường” của họ có khi là ghế đá hay những bậc hiên, bậc thềm vắng người qua lại. Một tấm bìa cát-tông hay manh chiếu nhựa hoặc nằm đất, đắp vội chiếc áo lên người chợp mắt để lấy sức chiến đấu với bệnh tật.

Đúng 5h30, ở khu khám bệnh theo yêu cầu, mọi người bắt đầu rồng rắn nối đuôi nhau xếp hàng, đi theo hàng dây chỉ đường để vào bàn lấy số thứ tự phiếu khám. Tiếng gọi nhau í ới, tiếng bước chân chạy sầm sập, tiếng loa phát thanh… vang lên liên tục. Một vài người chợt tỉnh giấc, chạy vội về khu xếp hàng. Dòng người đã lên đến hàng trăm người, ai đến sau, số thứ tự lớn có khi phải đến chiều mới tới lượt khám.

 

 

Em bé người Mông có khối u to trên mặt

Trong khung cảnh hỗn tạp ở bệnh viện, chúng tôi bắt gặp một chàng trai trẻ ôm trên tay bé gái, ngồi thất thần cạnh một gốc cây. Chàng trai tên Vừ A Lừ (19 tuổi, dân tộc Mông, quê Điện Biên).

Con gái Lừ - bé Vừ Thị Mơ (12 tháng tuổi) có một khối u rất lớn ở gần cằm khiến mặt bé biến dạng. Bé ngủ ngon lành trong vòng tay của bố.

“Em đưa con đến bệnh viện tỉnh khám. Bác sĩ bảo con bị u lành tính. Nằm được 2 ngày ở đó thì người ta giới thiệu xuống BV Việt Đức này”, Lừ nói bằng tiếng Kinh lơ lớ.

Nói về hoàn cảnh của mình, Lừ kể, em sinh ra ở một nơi nghèo khó thuộc huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên). Gia đình có 7 anh chị em thì Lừ là út, quanh năm chỉ ở nhà làm nương nên cuộc sống thiếu thốn.

Lừ lấy vợ được gần 2 năm nay. Vợ Lừ cũng là người dân tộc Mông nhưng không biết tiếng Kinh. Bé Mơ là con đầu lòng của 2 vợ chồng, không may mắc bệnh lạ từ khi mới sinh ra. Do không có tiền chữa bệnh nên gần đây Lừ mới cho con đi viện.

Suốt hành trình đưa con đi chữa bệnh, chàng trai trẻ người Mông chỉ có một mình. Vợ Lừ say xe lại không biết tiếng Kinh nên ở nhà và cũng là để đỡ chi phí cho người đi theo.

 

 

Hành lý Lừ mang theo chỉ là vài ba bộ quần áo cho bố và con cùng với số tiền ít ỏi hơn 3 triệu đồng. Lừ bảo, đây là số tiền mà 2 vợ chồng Lừ tích góp được. Bố mẹ Lừ và các anh chị em cũng đều nghèo khó nên không giúp được gì.

Tiền tàu xe, tạm ứng viện phí… và ăn uống mấy ngày qua của 2 bố con cũng đã tiêu tốn gần hết số tiền ấy. Hằng ngày, Lừ mua cháo cho con ăn, còn Lừ bữa ăn bữa nhịn vì em biết số tiền ít ỏi mang theo chẳng thể cầm cự được lâu ngày.

Do hoàn cảnh đặc biệt, bố con Lừ được chỉ định lên điều trị tại khoa Phẫu thuật nhi và Trẻ sơ sinh.

“Mấy hôm đi chữa bệnh, con khóc nhiều vì nhớ mẹ. Bác sĩ bảo con đang sốt với mũi khò khè nên chưa mổ ngay được”, Lừ chia sẻ.

Chúng tôi hỏi, nếu phải mổ cho bé Mơ hết số tiền lớn thì lấy tiền ở đâu ra? Lừ cúi mặt, lí nhí ở cổ họng: “Em cũng không biết nữa”.

Ông bố trẻ vì thương con nên đưa con đi khám bệnh nhưng dường như Lừ chưa lường hết được kinh phí. Em chỉ hy vọng có một phép màu đến với 2 bố con mình.

Nhìn thấy bé Mơ đáng thương, nhiều người có mặt ở bệnh viện xúm vào hỏi han. Em bé có vẻ sợ hãi, mặt hốt hoảng ôm chặt lấy bố. Lừ ôm con vào lòng, thơm nhẹ vào má con rồi 2 bố con bế nhau lên khoa.

Những “thân cò” lặn lội đêm khuya đến viện

Trời càng về sáng, lượng người đến khu khám bệnh càng đông hơn. Hàng trăm người nháo nhác, đi lại xuôi ngược, lỉnh kỉnh đồ đạc trên tay. Người đứng, người ngồi, người nằm vạ vật ở khắp nơi.

Thảm cảnh bệnh nhân xếp hàng từ 4h sáng, vật vờ chờ khám ở bệnh viện - 7

Nằm ôm gối trên chiếc xe đẩy ở dọc hành lang, bà Đỗ Thị Nhân (quê Hải Dương) mặt không ngừng nhăn nhó. Cái lạnh đầu mùa đông ở miền Bắc khiến chân bà đau buốt từng cơn, đến độ, bà không thể đứng, ngồi mà chỉ có thể nằm.

Bệnh thoát vị đĩa đệm khiến chân bà tê buốt. Đã mấy ngày hôm nay không đêm nào bà ngủ được vì cơn đau hành hạ. Hôm nay, bà lên khám lại bởi 5 ngày trước bà đã lên khám một lần, được cấp phát thuốc nhưng bệnh tình không hề suy giảm.

“Chân tôi lúc nào cũng tê buốt, không nằm sấp được mà chỉ nằm ngửa được thôi. Hôm nay, tôi không chịu được nữa nên lên khám lại xem bác sĩ có quyết định cho mổ không, chứ không chịu được nữa chú ạ”, bà Nhân vừa nói, tay vừa ôm gối.

Khu khám bệnh có Bảo hiểm y tế lúc nào cũng đông nhất. Những dãy ghế chờ luôn chật kín người. Nhiều người phải đứng ra xa và căng tai lắng nghe loa gọi, vì nhỡ qua lượt lại phải chờ lâu.

Bà Phạm Thị Hằng (quê Nam Định) lúc lúc lại ngóng vào trong xem con thế nào. Con bà – anh Phạm Văn Dũng (37 tuổi) đầu óc không được bình thường khiến bà lo lắng.

“Con trai tôi lấy vợ sớm, năm 2015 thì vợ nó mất nên nó sinh ra ngẩn ngơ. Mấy tháng trước, gia đình có đưa đi chữa ở BV tâm thần tỉnh Nam Định thì không may nó bị một bệnh nhân khác đánh, dẫm chân vào đầu nên bị tụ máu não.

Nó mới mổ não hồi tháng 8/2022. Hôm nay, tôi đưa nó lên khám lại. Hai mẹ con dậy từ 4h sáng để đi, lên đến đây mọi người đã xếp hàng đông nghịt rồi. Không biết đến trưa có khám xong để về không”, bà Hằng vừa nói vừa ngóng con.

Thảm cảnh bệnh nhân xếp hàng từ 4h sáng, vật vờ chờ khám ở bệnh viện - 8

Cũng cảnh đưa người đi viện, nhưng vợ chồng anh Sơn, chị Hương vất vả hơn vì phải thay phiên nhau cõng em gái. Chị Phan Thị Vĩnh (46 tuổi, quê Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) bỗng dưng bị liệt chân nửa tháng nay, không thể tự đứng được.

“Em gái tôi bị liệt nửa tháng nay. Gia đình có đưa xuống BV tỉnh Tuyên Quang khám thì bác sĩ bảo bị thoái hóa đốt sống. Nằm bệnh viện tỉnh một tuần nhưng không đỡ nên tôi đưa xuống BV Việt Đức”, anh Sơn chia sẻ.

Tiếp lời chồng, chị Hương nói: “Tôi nói thật, ở đời khổ nhất là cảnh đi viện. Giàu thì giàu, nghèo thì nghèo, cứ không phải qua cái cửa pháp luật và cửa bệnh viện là sướng nhất. Nửa tháng nay, 2 vợ chồng tôi đưa cô ấy đi viện, rồi cứ thay phiên nhau đi chăm sóc không làm ăn gì được.

Trên nhà cũng chỉ làm nông, thu nhập ít ỏi, giờ cô ấy có phải nhập viện, mổ hay như nào thì vợ chồng tôi cũng phải cố mà lo, không có thì vay mượn để chữa bệnh cho cô ấy”.

 

 

Bà Đào Thị Nguyệt (quê Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) dù đã 62 tuổi lại mắc bệnh khớp nhưng cũng phải lặn lội trong đêm để bắt xe từ quê ra Hà Nội. Bà tỏ vẻ không hài lòng vì chính quê bà cũng có BV Hữu Nghị Việt Đức nhưng bà lại phải cất công lên Hà Nội để khám.

Trong cơn đau nhăn nhó, bà cố nói: “Không biết đến khi nào BV Việt Đức cơ sở 2 ở Hà Nam mới đi vào hoạt động? Chúng tôi thân già, lọ mọ từ tỉnh lẻ lên Hà Nội vừa xa, vừa mệt, lại tốn tiền”.

Câu hỏi đó không chỉ mình bà Nguyệt đau đáu, mà có lẽ đó cũng là niềm mong mỏi của rất nhiều người bệnh ở các tỉnh lân cận Hà Nam như Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình hay Thanh Hóa, Nghệ An…

Nghịch lý bệnh viện: Nơi xếp hàng, nơi bỏ hoang

Trong khi hàng trăm người bệnh đang hằng ngày phải thức khuya, dậy sớm, lặn lội quê xa lên Hà Nội xếp hàng, khám bệnh thì nhiều cơ sở bệnh viện được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng nhưng bỏ hoang. Một sự lãng phí vô cùng lớn.

 

Trong thiết kế, Cơ sở 2 BV Hữu Nghị Việt Đức có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú và đáp ứng khoảng 3.500 lượt khám mỗi ngày. Tổng diện tích sàn xây dựng trên 125.000 m2, gồm 1 tầng hầm và 9 tầng nổi; đây là một bệnh viện ngoại khoa hoàn chỉnh chữa trị các chấn thương: xương, sọ, não, đầu mặt, cổ, lồng ngực, cột sống, vi phẫu tim mạch...

Tuy nhiên, tất cả những thông số trên vẫn nằm trên giấy tờ hoặc nằm im bất động. Người bệnh từ khắp nơi hằng ngày vẫn lũ lượt đổ về cơ sở 1 tại Hà Nội.

Giữa tháng 9/2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã đi khảo sát hiện trường, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án xây dựng 3 bệnh viện lớn trên địa bàn tỉnh Hà Nam gồm: cơ sở 2 BV Việt Đức, cơ sở 2 BV Lão khoa và cơ sở 2 BV Bạch Mai.

Theo Thủ tướng, việc bệnh viện đã chậm tiến độ nhiều năm, đội vốn, nguyên nhân xuất phát từ những yếu kém, sai lầm từ khi lập dự án, tư vấn, thẩm định dự án, quyết định đầu tư, chọn nhà thầu, hợp đồng, đấu giá và tổ chức thực hiện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thành lập Tổ công tác do lãnh đạo Bộ trưởng Bộ Y tế làm tổ trưởng, với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và UBND tỉnh Hà Nam, tiến hành ngay việc rà soát, đánh giá lại toàn bộ quá trình thực hiện dự án; rà soát thủ tục pháp lý, tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện và các khó khăn vướng mắc khác để giải quyết dứt điểm, sớm đưa bệnh viện đi vào hoạt động, đáp ứng mong mỏi của người dân.

Thảm cảnh bệnh nhân xếp hàng từ 4h sáng, vật vờ chờ khám ở bệnh viện - 12

Content: Ngọc San - Hồng Phú

Media: Nguyễn Lý

Sự kiện: Nhịp sống 24h
Thứ Bảy, ngày 17/12/2022 00:30 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Ngọc San - Hồng Phú - Nguyễn Lý ([Tên nguồn])