Thái Lan xem xét ban hành tình trạng khẩn cấp
Thái Lan đang xem xét ban hành tình trạng khẩn cấp để đối phó với tình trạng bạo lực ngày càng tăng trong các vụ biểu tình ở Bangkok.
Ngày 20/1, Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan Paradorn Pattantabutr cho biết nhà chức trách nước này đang xem xét “rất nghiêm túc” việc ban hành tình trạng khẩn cấp sau hai ngày cuối tuần đầy bạo lực ở thủ đô Bangkok khi hàng loạt vụ tấn công nhắm vào người biểu tình diễn ra.
Phát biểu sau một cuộc gặp với Thủ tướng Yingluck Shinawatra, ông Paradorn nói: “Chúng tôi đã sẵn sàng áp dụng luật tình trạng khẩn cấp. Các bên liên quan như cảnh sát, quân đội và chính phủ đang xem xét khả năng này rất nghiêm túc, tuy nhiên vẫn chưa đi đến thống nhất.”
Cảnh sát Thái Lan điều tra một vụ nổ lựu đạn trong đoàn người biểu tình
Người đứng đầu lực lượng an ninh Thái Lan cho biết cho đến nay tuyên bố “đóng cửa” thủ đô Bangkok của người biểu tình vẫn mới chỉ mang tính biểu tượng khi họ tới bao vây các trụ sở chính phủ và sau đó lại rút đi. Tuy nhiên ông cảnh báo nếu người biểu tình thay đổi chiến thuật và vây hãm các cơ quan chính phủ và ngân hàng lâu dài, nguy cơ bất ổn sẽ tăng lên và nhà chức trách sẽ phải áp dụng tình trạng khẩn cấp.
Mặc dù quy mô biểu tình đã giảm hơn so với trước song người biểu tình Thái Lan vẫn thành công trong việc đóng cửa một số trụ sở chính phủ, buộc Thủ tướng Yingluck phải thay đổi nơi làm việc và khiến giao thông ở Bangkok trở nên tê liệt.
Nếu tình trạng khẩn cấp được ban hành, các lực lượng an ninh Thái Lan sẽ có quyền áp dụng lệnh giới nghiêm, được giam giữ các nghi phạm mà không cần truy tố, kiểm duyệt báo chí, cấm các cuộc tụ tập chính trị từ 5 người trở lên và phong tỏa một số khu vực của đất nước.
Hồi cuối tuần qua, một người biểu tình thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương sau khi một số quả lựu đạn phát nổ trong các cuộc tuần hành ở trung tâm Bangkok.
Cảnh sát sẽ có nhiều quyền lực hơn nếu tình trạng khẩn cấp được ban hành
Ông Paul Chambers thuộc Viện Đông Nam Á ở Chiang Mai, Thái Lan nhận định: “Tôi cho rằng những vụ tấn công này được dàn dựng để kích động phản ứng của quân đội, và sắp tới bạo lực sẽ còn tiếp tục gia tăng.”
Ông Chambers cho rằng những vụ bạo lực tiếp diễn sẽ khiến Ủy ban Bầu cử Thái Lan buộc phải từ chối giám sát cuộc tổng tuyển cử sắp diễn ra vào ngày 2/2 tới đây trong bối cảnh phe đối lập ở Thái Lan tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử này.
Cho đến nay, chính phủ Thái Lan vẫn chủ trương tránh đối đầu trực tiếp với người biểu tình, trong khi quân đội vẫn khẳng định sẽ duy trì trạng thái trung lập. Quân đội Thái Lan là một lực lượng có ảnh hưởng rất lớn trên chính trường, và họ đã từng thực hiện 18 cuộc đảo chính trong vòng 81 năm qua.
Quân đội Thái Lan vẫn giữ lập trường trung lập
Trong khi đó, Thủ tướng Yingluck hiện phải đối mặt với một trở ngại khác, đó chính là các tiến trình pháp lý chống lại bà. Hồi tuần trước, Ủy ban Chống Tham nhũng Quốc gia tuyên bố bắt đầu điều tra vai trò của bà Yingluck trong chương trình trợ giá gạo của chính phủ đối với nông dân Thái Lan.
Phe đối lập Thái Lan cáo buộc chương trình trợ giá gạo này của chính phủ đã khiến Thái Lan bị tồn đọng hàng ngàn tấn gạo không bán được, và họ cho rằng nhiều nông dân đang ngày càng bất mãn với chính sách trợ giá khi họ không được thanh toán đúng hạn.
Theo ông Chambers, tình hình gia tăng bạo lực hiện nay ở Thái Lan có thể đẩy lực lượng cảnh sát nước này vào tình thế bắt buộc phải hành động.
Ông Chambers nói: “Điều đó sẽ tạo cho ông Suthep cái cớ để cáo buộc bà Yingluck đàn áp người biểu tình, trong khi quân đội có thể gây áp lực buộc chính phủ của bà Yingluck từ chức, hoặc các cáo buộc pháp lý có thể trở thành vũ khí tước bỏ quyền lực của đảng Pheu Thái cầm quyền.”