Thái Lan: Quân đội "đang ngả về phía chính phủ"

Tư lệnh quân đội Thái Lan cảnh cáo phong trào biểu tình không được sử dụng vũ lực để giải quyết bế tắc chính trị hiện nay.

Ngày 24/2, trong một bài phát biểu trên truyền hình, Tư lệnh quân đội Thái Lan đã phát đi lời cảnh báo đối với phong trào biểu tình ở nước này đồng thời tự tách quân đội ra khỏi mục tiêu của người biểu tình chống chính phủ.

Sau khi liên tục thể hiện lập trường trung lập trong suốt 3 tháng khủng hoảng chính trị vừa qua ở Thái Lan, tướng Prayuth Chan-ocha, Tư lệnh quân đội đã kêu gọi các đảng phái chính trị và người dân nước này trung thành với hiến pháp.

Thái Lan: Quân đội "đang ngả về phía chính phủ" - 1

Tướng Prayuth Chan-ocha, Tư lệnh quân đội Thái Lan

Ông Prayuth cho rằng nhiều phe phái trong cuộc khủng hoảng lần này muốn sử dụng vũ lực để phá thế bế tắc chính trị. Các chuyên gia phân tích cho rằng ông Prayuth đang ám chỉ rõ ràng tới lời kêu gọi quân đội đảo chính của người biểu tình.

Ông Prayuth nói: “Tôi kêu gọi các bạn suy nghĩ lại và tự hỏi mình rằng cuộc khủng hoảng này có thể chấm dứt trong hòa bình được hay không.”

Người biểu tình đang chiếm giữ nhiều giao lộ quan trọng ở Bangkok đang tìm cách lật đổ chính phủ Thái Lan, và họ được hậu thuẫn bởi những tay súng bịt mặt bí ẩn dùng bao tải che giấu vũ khí để bắn vào cảnh sát khiến 1 cảnh sát thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Hôm thứ Hai, một cảnh sát khác cũng đã qua đời vì vết thương quá nặng trong cuộc đụng độ đó.

Bạo lực đã gia tăng trên đường phố Bangkok trong 2 ngày cuối tuần khi liên tiếp xảy ra những vụ tấn công vào các địa điểm biểu tình do những tay súng bịt mặt thực hiện khiến 4 người thiệt mạng, trong đó có 3 trẻ em.

Thái Lan: Quân đội "đang ngả về phía chính phủ" - 2

Hiện trường một vụ đánh bom vào người biểu tình hôm Chủ nhật

Trong bài phát biểu trên truyền hình, tướng Prayuth đã phát đi lời cảnh báo đối với tình thế mong manh hiện nay của đất nước và cho rằng Thái Lan sẽ “vĩnh viễn bị tê liệt” nếu tình hình hiện nay không được giải quyết một cách nhanh chóng.

Ông nói: “Nếu có thêm người nào ngã xuống, đất nước này sẽ sụp đổ hoàn toàn, và khi đó sẽ không có kẻ thắng cũng chẳng có người thua.”

Tướng Prayuth dẫn các thông tin tình báo quân sự cho biết nhiều nhóm vũ trang đang hiện diện ở thủ đô Bangkok, và tình hình hiện nay còn phức tạp hơn căng thẳng chính trị cách đây 4 năm.

Thái Lan: Quân đội "đang ngả về phía chính phủ" - 3

Nhiều tay súng bịt mặt bí ẩn đang tìm cách yểm trợ cho người biểu tình

Mặc dù tuyên bố quân đội và cảnh sát không hậu thuẫn bất cứ bên nào, song tướng Prayuth đã sử dụng từ “hiến pháp” 9 lần trong bài phát biểu kéo dài 10 phút của mình và nhấn mạnh rằng hiến pháp hiện nay vẫn còn hiệu lực.

Những người biểu tình đòi lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra tuyên bố họ muốn lập nên một “hội đồng nhân dân” không qua bầu cử để thay thế cho Quốc hội và điều hành đất nước. Bà Yingluck đã kiên quyết bác bỏ yêu sách này vì cho rằng nó vi phạm hiến pháp.

Giáo sư Surachart Bamrungsuk tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok cho rằng bài phát biểu của tướng Prayuth là “một tín hiệu gửi tới những nhân vật ở Thái Lan đang cố tìm cách xúi giục đảo chính”.

Theo ông Surachart, thông điệp này được diễn giải là “quân đội sẽ không tham gia và họ đang tìm cách tuân thủ luật pháp”. Đây cũng được cho là một tín hiệu trực tiếp gửi tới những người biểu tình.

Phong trào biểu tình do cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban cầm đầu dường như nhận được sự hỗ trợ rất lớn về tài chính, và họ vẫn duy trì thái độ chống đối quyết liệt bất chấp việc số lượng người biểu tình ngày càng giảm.

Thái Lan: Quân đội "đang ngả về phía chính phủ" - 4

Người biểu tình Thái Lan vẫn duy trì thái độ chống đối quyết liệt

Ngay cả khi tướng Prayuth kêu gọi chính phủ ngăn chặn người biểu tình tràn vào các tòa nhà chính phủ, các thành viên cứng rắn của phong trào biểu tình vẫn xông vào đòi chiếm giữ trụ sở Bộ Ngoại giao và ra lệnh cho các nhân viên bộ này về nhà.

Ông Gothom Arya, một trong những chuyên gia hàng đầu về hiến pháp Thái Lan cho rằng bài diễn văn của Tư lệnh quân đội cho thấy “ông này đang dần ngả về phía chính phủ”, trong khi các lực lượng khác vẫn tỏ thái độ chống đối bà Yingluck.

Ông Gothom nói: “Nói thẳng ra, luật pháp đứng về phía chính phủ. Tuy nhiên các lực lượng hành pháp, đặc biệt là hệ thống tòa án Thái Lan lại có cách nghĩ khác.”

Tòa án hiến pháp Thái Lan đã ban hành một loạt quyết định có lợi cho các đối thủ của chính phủ, và hồi tuần trước một tòa án đã phán quyết rằng chính phủ không được phép sử dụng lực lượng cảnh sát để giải tán người biểu tình.

Thái Lan: Quân đội "đang ngả về phía chính phủ" - 5

Bà Yingluck và ông Prayuth trong một cuộc gặp ở Bangkok

Ủy ban Bầu cử Thái Lan cũng tỏ ra chống đối chính phủ và đến giờ vẫn chưa đặt ra lộ trình thực hiện cuộc tổng tuyển cử bị gián đoạn hồi tháng trước.

Tuần trước, người biểu tình cũng đã thề sẽ truy đuổi bà Yingluck, buộc bà này phải làm việc tại một địa điểm an toàn bên ngoài Bangkok. Hôm thứ Hai, bà Yingluck đã tuyên bố trước báo giới rằng bà sẽ “thực hiện nhiệm vụ của mình cho đến phút cuối cùng”. Bà cho rằng việc bà từ chức như yêu sách của người biểu tình sẽ “mở ra một khoảng trống quyền lực và khiến Hiến pháp bị xé bỏ”.

Bà Yingluck khẳng định: “Tôi vẫn là người đứng đầu chính phủ. Tôi phải bảo vệ nền dân chủ và trao nó lại cho một chính phủ mới.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo New York Times) ([Tên nguồn])
Biểu tình bạo lực ở Thái Lan Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN