Thái Lan: Du khách ồ ạt chạy loạn khỏi Bangkok
Trước nguy cơ bị người biểu tình phong tỏa thủ đô, hàng ngàn du khách đang tìm cách tháo chạy khỏi Bangkok.
Ngày 12/1, hàng chục ngàn người biểu tình chống chính phủ đã đổ về thủ đô Bangkok của Thái Lan, dùng các loại phương tiện của mình phong tỏa các tuyến đường cao tốc và giao lộ trong một nỗ lực “đóng cửa” thủ đô để đòi Thủ tướng Yingluck Shinawatra từ chức.
Trong khi người biểu tình đang tìm cách tung ra cú đòn cuối cùng để “hạ gục” bà Yingluck, hàng ngàn khách du lịch lại đang hối hả tìm mọi cách để rời khỏi thủ đô Bangkok càng nhanh càng tốt trước khi quá muộn.
Người biểu tình phong tỏa một nút giao thông ở thủ đô
Thái Lan vốn nổi tiếng là một điểm đến hấp dẫn của du khách trên toàn thế giới, song giờ đây du khách nước ngoài lại phải đang kiên nhẫn xếp hàng để được lên những chuyến xe khách ban đêm cuối cùng rời khỏi thủ đô vào đêm Chủ nhật, trước khi Bangkok bị người biểu tình phong tỏa hoàn toàn vào thứ Hai.
Số người biểu tình đã tăng nhanh từ hàng chục lên hàng trăm ngàn người xung quanh tượng đài Dân chủ. Họ không chỉ dùng xe cộ mà còn dựng cả lều trại trên các con phố từng rất đông đúc để chiếm giữ “vô thời hạn” 7 nút giao thông trọng điểm ở thủ đô.
Lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố họ sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc biểu tình hòa bình bên trong thủ đô nhằm đưa Bangkok vào “ngõ cụt”, và Thủ tướng Yingluck sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc từ chức.
Du khách hối hả tìm cách rời thủ đô Bangkok
Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân của ông Thaugsuban dự định sẽ ngăn cản cuộc bầu cử sớm do bà Yingluck kêu gọi dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 2/2 tới đây. Ủy ban không qua bầu cử này muốn thành lập một Hội đồn Cải cách để “cải tổ” nền chính trị Thái Lan.
Ủy ban Bầu cử Thái Lan đã cảnh báo với bà Yingluck rằng cuộc bầu cử này có thể sẽ không được tổ chức thành công, đồng thời khuyến nghị tạm hoãn bầu cử. Hiện nay tại 28 khu vực bầu cử ở 8 tỉnh miền nam Thái Lan vẫn chưa có ứng cử viên nào đăng ký tham gia bầu cử được.
Tất cả các thành viên của đảng Dân chủ đối lập đều tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử này, và nếu không bầu được đủ 500 nghị sĩ, quốc hội Thái Lan sẽ không được thừa nhận là hợp hiến.
Người biểu tình dùng bao cát chặn đường cao tốc
Cho đến nay, Tư lệnh quân đội Thái Lan Prayuth Chan-ocha vẫn chỉ trả lời “nước đôi” khi được hỏi về khả năng quân đội nước này sẽ thực hiện một cuộc đảo chính nhằm vãn hồi trật tự khi có bạo lực nổ ra.
Thái Lan từ lâu đã được gọi là “nền kinh tế hoàn hảo” vì nó đã vượt qua rất nhiều thăng trầm trong những năm qua mà không hề bị sứt mẻ quá nhiều. Tuy nhiên với cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài hiện nay và việc khách du lịch “tháo chạy” khỏi quốc gia này cũng như nguy cơ thủ đô Bangkok bị “đóng cửa” trong thời gian tới là những điềm báo u ám cho tăng trưởng kinh tế của Thái Lan.