Thái Lan: Đồng loạt truy tố hơn 300 nghị sĩ
Ủy ban Chống tham nhũng Thái Lan vừa truy tố 308 nghị sĩ với cáo buộc làm trái công vụ trong khi sửa đổi Hiến pháp.
Ngày 6/1, cơ quan điều tra chống tham nhũng của Thái Lan tuyên bố đang điều tra và truy tố 308 nghị sĩ, phần lớn thuộc đảng Pheu Thái cầm quyền, vì nghi ngờ họ có hành vi “làm trái công vụ” liên quan đến việc sửa đổi hiến pháp bị tòa án phán quyết là bất hợp pháp hồi năm ngoái.
Hôm thứ Ba, Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia Thái Lan ra thông báo về cuộc điều tra quy mô lớn này nhưng không đưa ra thông tin cụ thể về các cáo buộc. Hiện vụ điều tra này đang trở thành tâm điểm của cuộc rối loạn chính trị kéo dài 2 tháng nay ở Thái Lan, đặc biệt trong bối cảnh niềm tin vào một cuộc bầu cử sớm đang ngày càng nhạt dần trong lòng nhiều người dân Thái Lan.
Hiến pháp sửa đổi hồi năm ngoái đã được Quốc hội Thái Lan thông qua, nhưng sau đó đã bị Tòa án Hiến pháp tuyên bố là vô hiệu vì các quy trình sửa đổi hiến pháp đã không được tuân thủ đầy đủ. Hiến pháp sửa đổi quy định Thượng viện Thái Lan sẽ là một cơ quan do dân trực tiếp bầu ra thay vì được bổ nhiệm bằng một ủy ban gồm các quan chức và thẩm phán như hiện nay.
Hơn 300 nghị sĩ Thái Lan thuộc đảng Pheu Thai đang bị truy tố (Ảnh minh họa)
Tòa án Hiến pháp cũng phán quyết rằng việc sửa đổi này làm ảnh hưởng đến hệ thống kiểm soát và cân bằng chính trị của đất nước.
Ở các nước phương Tây, việc để dân trực tiếp bầu ra Thượng viện là một động thái được hoan nghênh vì nó sẽ đem lại bầu không khí chính trị dân chủ hơn. Tuy nhiên ở Thái Lan, động thái này lại được coi là một hành động nhằm củng cố thế lực của đảng cầm quyền và vấp phải sự phản đối dữ dội của phe đối lập.
Theo Hiến pháp Thái Lan, một số thành viên trong các cơ quan quan trọng nhất của đất nước như Ủy ban Bầu cử, Tòa án Hiến pháp và Ủy ban Chống tham nhũng phải do Thượng viện phê chuẩn.
Ông Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế và An ninh thuộc Đại học Chulalongkorn ở Bangkok nhận định: “Vai trò hiện nay của Thượng viện chỉ là một công cụ chính trị. Hệ thống này được xây dựng để giảm bớt quyền lực của chính phủ.”
Lãnh đạo biểu tình và đảng Dân chủ đối lập coi Thượng viên như thành trì cuối cùng để chống lại quyền lực ngày càng mở rộng của đảng Pheu Thai. Cơ chế bổ nhiệm một nửa thành viên Thượng viện hiện nay do chính phủ do quân đội lập nên đưa ra sau cuộc đảo chính lật đổ ông Thaksin vào năm 2006.
Người biểu tình Thái Lan đòi "đóng cửa" thủ đô Bangkok để phản đối chính phủ
Ông Gothom Arya, một cựu quan chức Ủy ban Bầu cử và là một trong những chuyên gia về hiến pháp hàng đầu của Thái Lan cho rằng cuộc điều tra được thông báo hôm thứ Ba là “mang nặng động cơ chính trị”. Ông cho rằng cơ quan điều tra đã “truy tố các nghị sĩ chỉ vì họ đã làm công việc của mình.”
Các nhà phân tích chính trị ở Thái Lan cho rằng cuộc điều tra mang động cơ chính trị này có thể làm xáo trộn và ảnh hưởng tiêu cực đáng kể tới đảng Pheu Thái của Thủ tướng Yingluck Shinawatra vì đảng này có quá nhiều nghị sĩ bị liên quan.
Hiện chính phủ của bà Yingluck đang tìm cách tổ chức cuộc bầu cử sớm vào ngày 2/2 tới đây, và đảng của bà được dự đoán là sẽ giành thắng lợi một cách dễ dàng. Tuy nhiên, đảng Dân chủ đối lập lại kiên quyết tẩy chay cuộc bầu cử và kêu gọi người biểu tình phá hoại cuộc bầu cử bằng cách ngăn cản các cử tri tới bỏ phiếu.
Lãnh đạo biểu tình Thái Lan tuyên bố họ sẽ “đóng cửa” thủ đô Bangkok vào tuần tới để phản đối chính phủ của bà Yingluck, tuy nhiên kế hoạch này đang vấp phải sự phản ứng quyết liệt của giới kinh doanh ở thủ đô.
Trước nguy cơ này, chính phủ đã điều động nhiều đơn vị cảnh sát tới chốt giữ tại sân bay quốc tế ở thủ đô Bangkok đề phòng người biểu tình. Năm 2008, người biểu tình đã tràn vào chiếm giữ và đóng cửa sân bay quan trọng này khiến việc đi lại giữa Thái Lan và các quốc gia láng giềng bị gián đoạn.