Thái Lan: Doanh nghiệp nhà Thủ tướng bị tẩy chay
Lãnh đạo biểu tình kêu gọi người dân tẩy chay các sản phẩm của doanh nghiệp thuộc sở hữu của dòng họ Shinawatra.
Ngày 20/2, người biểu tình ở Thái Lan bắt đầu hướng sự giận dữ của mình vào các hoạt động kinh doanh có liên quan đến gia tộc của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra bằng cách tổ chức các cuộc tuần hành bên ngoài một công ty bất động sản khiến cổ phiếu của công ty này sụt giảm nghiêm trọng.
Chính phủ tạm quyền của Thủ tướng Yingluck dường như đang bị vây hãm bởi cả phe đối lập lẫn hệ thống tư pháp trong khi không có đủ quyền lực về tài chính để thực hiện các chính sách quan trọng, và một tòa án Thái Lan đã tuyên bố rằng chính phủ không được phép sử dụng tình trạng khẩn cấp để giải tán người biểu tình.
Phán quyết này của tòa án được đưa ra sau khi cảnh sát Thái Lan tìm cách tái chiếm những địa điểm gần các tòa nhà chính phủ bị người biểu tình vây hãm trong nhiều tuần lễ, làm nổ ra những cuộc đụng độ dữ dội khiến 4 người biểu tình và 1 cảnh sát thiệt mạng.
Cảnh sát Thái Lan đụng độ dữ dội với người biểu tình
Hôm nay, khoảng 500 người biểu tình đã tụ tập bên ngoài trụ sở tập đoàn SC Asset thuộc sở hữu của gia tộc Shinawatra và hô vang các khẩu hiệu đòi cản trở hoạt động kinh doanh của tập đoàn này. Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban đã kêu gọi người dân Thái Lan tẩy chay các sản phẩm do các doanh nghiệp Shinawatra sản xuất và tìm mọi cách hủy hoại hoạt động kinh doanh của họ.
Bà Yingluck từng là Tổng giám đốc tập đoàn SC Asset trước khi trở thành Thủ tướng sau cuộc bầu cử năm 2011 bằng một chiến thắng vang dội.
Cổ phiếu của SC Asset đã bị sụt giảm hai ngày liên tiếp, trong khi cổ phiếu của tập đoàn phân phối điện thoại di động M-Link Asia có liên quan tới nhà Shinawatra cũng đã giảm giá trị 10% trong 2 ngày qua.
Nhân viên tập đoàn SC Asset rời trụ sở sau khi bị người biểu tình vây hãm
Khó khăn ngày càng chồng chất đối với bà Yingluck khi chính phủ tạm quyền của bà không có đủ quyền lực thực hiện các quyết sách về tài chính sau khi Quốc hội bị giải tán vào tháng 12 năm ngoái, và cuộc bầu cử ngày 2/2 bị người biểu tình cản trở.
Trong khi đó, hồi đầu tuần Ủy ban Chống Tham nhũng Quốc gia đã đưa ra cáo trạng đòi truy tố bà Yingluck vì thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong chương trình trợ giá gạo vốn đang gặp nhiều khó khăn và khiến hàng trăm nông dân nổi giận vì bị chính phủ nợ tiền bán gạo.
Trên trang Facebook của mình, bà Yingluck đã kêu gọi Ủy ban Chống Tham nhũng Quốc gia không nên vội vàng đưa ra kết luận trong cuộc điều tra này. Bà cho rằng bà là người có trách nhiệm đưa ra quyết sách, nhưng việc thực hiện quyết sách này lại là trách nhiệm của các quan chức chính phủ.
Còn trên đường phố, cảnh sát Thái Lan cũng dường như bị “trói tay chân” bởi phán quyết của tòa án không cho phép họ dùng vũ lực để giải tán biểu tình. Tuy nhiên tòa án này cũng đã bác bỏ đơn kiến nghị của lãnh đạo biểu tình đòi tuyên bố lệnh tình trạng khẩn cấp do chính phủ ban bố là bất hợp pháp.
Biểu tình ngày càng lấn lướt sau khi có lệnh cấm đàn áp của tòa án
Trong trường hợp cảnh sát bất lực không thể vãn hồi được trật tự, quân đội Thái Lan đã tuyên bố họ sẽ can thiệp để khôi phục hòa bình tại thủ đô Bangkok nếu chính phủ có yêu cầu.
Đại tá Werachon Sukonhapatipak phát biểu: “Chiến lược của chúng tôi vẫn không thay đổi và chúng tôi vẫn hỗ trợ cảnh sát. Chúng tôi không có ý định triển khai thêm quân, vì hiện nay chính phủ vẫn chưa đưa ra bất cứ yêu cầu tăng viện nào từ phía chúng tôi.”
Cho đến nay, đã có hơn 180 người biểu tình bị bắt giữ, 15 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương từ khi phong trào biểu tình bùng phát ở Thái Lan vào tháng 11 năm ngoái. Hôm qua, cảnh sát Thái Lan tuyên bố họ không có bất cứ kế hoạch nào nhằm tái chiếm các khu biểu tình trong thời gian trước mắt.