Thái Lan chỉ định quốc hội toàn tướng tá quân đội
Quốc hội mới được chỉ định của Thái Lan có hơn một nửa là sĩ quan quân đội và các quan chức cảnh sát.
Ngày 31/7, chính quyền quân sự Thái Lan đã bổ nhiệm một quốc hội lâm thời gồm 200 đại biểu, tuy nhiên hơn 100 người trong số họ lại là sĩ quan quân đội và 11 người là quan chức cảnh sát.
Số đại biểu còn lại gồm các học giả, doanh nhân và những chính trị gia từng phản đối Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra.
Quốc hội lâm thời Thái Lan toàn các tướng tá quân đội
Theo luật, quốc hội lâm thời này sẽ bổ nhiệm một thủ tướng tạm quyền, và chức vụ này gần như chắc chắn sẽ rơi vào tay Tư lệnh lục quân Prayuth Chan-ocha, tác giả của cuộc đảo chính quân sự gần đây ở Thái Lan. Sau khi trở thành thủ tướng tạm quyền, ông Prayuth sẽ lại lựa chọn một nội các của mình.
Tối hôm qua, Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej đã lên truyền hình thừa nhận tính hợp pháp của quốc hội lâm thời do chính quyền quân sự lập ra.
Chính quyền này nắm quyền từ ngày 22/5 sau khi lật đổ chính phủ của Thủ tướng dân bầu Yingluck Shinawatra mà không cần phải nổ một tiếng súng. Sau cuộc đảo chính, tướng Prayuth đã lập một chính quyền quân sự để quản lý mọi công việc ở Thái Lan.
Tư lệnh lục quân Thái Lan Prayuth Chan-ocha
Dưới sức ép của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là đồng minh Mỹ, chính quyền quân sự Thái Lan tuyên bố lộ trình trao trả quyền lực cho giới dân sự bằng cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào năm sau.
Tuy nhiên dư luận quốc tế lo ngại rằng giới quân sự Thái Lan đang tìm cách củng cố quyền lực của mình sau đảo chính. Hồi tuần trước, họ công bố một bản hiến pháp tạm thời, trao thêm rất nhiều quyền lực cho quân đội.
Chính quyền quân sự Thái Lan cho rằng chế độ quân quản của họ đã đem lại ổn định cho Thái Lan sau nhiều tháng trời hỗn loạn trong các cuộc biểu tình bạo lực giữa phe chống đối và ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.