Thái Lan áp dụng tình trạng khẩn cấp thế nào?

Tình trạng khẩn cấp mới được ban bố ở thủ đô Bangkok và khu vực lân cận không nguy hiểm và cấp bách như người ta vẫn tưởng.

Cuối ngày 21/1, chính phủ Thái Lan thông báo họ đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận trong thời hạn 2 tháng nhằm đối phó với tình trạng biểu tình bạo lực khiến 9 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong thời gian vừa qua.

Hàng chục ngàn người biểu tình đã đổ ra đường phố thủ đô từ tháng 11 năm ngoái, bao vây trụ sở cơ quan chính phủ, phong tỏa Bangkok và buộc Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải chuyển văn phòng làm việc tới nơi khác trước đe dọa bắt giữ của người biểu tình.

Thái Lan áp dụng tình trạng khẩn cấp thế nào? - 1

Thủ tướng Yingluck đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô

Phát biểu hôm qua, Phó Thủ tướng Surapong Tovichaikul tuyên bố: “Nội các Thái Lan quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp để đối phó với tình hình và thực thi pháp luật.”

Lệnh tình trạng khẩn cấp có hiệu từ từ ngày hôm nay được coi là một nỗ lực của chính phủ nhằm khôi phục trật tự và luật pháp ở thủ đô, nơi các giao lộ lớn đang bị người biểu tình chiếm giữ và phong tỏa suốt tuần qua, khiến tình trạng giao thông ở Bangkok hoàn toàn tê liệt.

Theo luật tình trạng khẩn cấp, các lực lượng an ninh Thái Lan được phép bắt giữ các nghi phạm mà không cần truy tố, ban hành lệnh giới nghiêm, kiểm duyệt báo chí, đóng cửa một phần thủ đô và giải tán các cuộc hội họp chính trị từ 5 người trở lên.

Tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ luật tình trạng khẩn cấp có được cảnh sát áp dụng để phá dỡ các khu trại biểu tình hay không, khi Bộ trưởng Chalerm Yubamrung cho biết họ không có chủ trương giải tán người biểu tình và cảnh sát cũng sẽ không sử dụng vũ lực để chống lại biểu tình.

Trong khi đó, một lãnh đạo biểu tình tên là Issara Somchai tuyên bố các cuộc biểu tình sẽ vẫn được tiếp tục bất chấp lệnh tình trạng khẩn cấp vì “biểu tình là quyền hiến định” của người dân Thái Lan.

Lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban thì tỏ ra thách thức điều luật mới này: “Họ có quyền sử dụng luật này để ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm đối phó với chúng ta không? Có giỏi thì đến đây mà bắt chúng tôi.”

Cho đến nay, cảnh sát Thái Lan vẫn không công khai xuất hiện tại các địa điểm biểu tình nhằm tránh đụng độ với đám đông, những người đang tự cho mình quyền điều hành thủ đô thông qua các hoạt động như điều tiết giao thông và tuần tra quanh các khu biểu tình.

Việc thiếu vắng lực lượng cảnh sát đã tạo ra bầu không khí ngày càng căng thẳng ở thủ đô khi chiến dịch “đóng cửa Bangkok” của người biểu tình đã bước sang ngày thứ 8, khiến tình hình bạo lực nổ ra ở một vài nơi, trong đó có những vụ tấn công bằng lựu đạn khiến 1 người chết và 70 người bị thương, làm dấy lên quan ngại về nguy cơ nổ ra một cuộc đảo chính quân sự.

Tuy nhiên, lệnh tình trạng khẩn cấp ở Bangkok thực tế không “khẩn cấp” hay nguy hiểm như người ta vẫn tưởng. Sau khi lệnh tình trạng khẩn cấp được ban bố, số lượng nhân viên an ninh tham gia vào các chiến dịch chống biểu tình vẫn không hề thay đổi với khoảng 50 đơn vị cảnh sát và 40 đại đội binh sĩ.

Điều khác biệt duy nhất là cảnh sát hiện sẽ có thêm quyền lực để đàm phán với lãnh đạo biểu tình nhằm tháo dỡ các chướng ngại vật mà người biểu tình dựng lên tại các giao lộ để phong tỏa giao thông. Hiện có khoảng 20 tuyến phố lớn ở Bangkok đang bị người biểu tình đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần.

Cảnh sát cũng sẽ sử dụng quyền lực của mình để gây sức ép với phe biểu tình nhằm trấn áp bạo lực và ổn định lại tình hình, đưa thủ đô Bangkok trở lại trạng thái hoạt động bình thường.

Đối với du khách nước ngoài, việc áp dụng lệnh tình trạng khẩn cấp sẽ không làm xáo trộn quá nhiều cuộc sống ở thủ đô, đồng thời việc giải tán các đám biểu tình sẽ giúp du khách đi lại thuận lợi hơn khi đến Thái Lan.

Theo Bộ trưởng Du lịch Thái Lan Thawatchai Arunyik, Thái Lan vẫn là điểm đến an toàn cho khách du lịch, đặc biệt là ở những địa điểm nổi tiếng như Chiang Mai, Pattaya hay Phuket.

Thái Lan áp dụng tình trạng khẩn cấp thế nào? - 2

Người biểu tình ở thủ đô Bangkok

Người biểu tình dưới sự lãnh đạo của ông Suthep muốn chấm dứt cái mà họ gọi là “chế độ Thaksin”, người anh trai đang phải sống lưu vong của bà Yingluck để tránh các cáo buộc tham nhũng ở trong nước.

Tuy nhiên, bà Yingluck đã kiên quyết bác bỏ khả năng từ chức và đã quyết định kêu gọi tổ chức bầu cử sớm vào ngày 2/2 tới đây với tuyên bố bất cứ người dân nào không hài lòng với chính phủ có thể thể hiện sự tức giận thông qua lá phiếu chứ không phải biểu tình.

Mặc dù vậy, phe đối lập Thái Lan vẫn kiên quyết tẩy chay cuộc bầu cử này, bởi đảng của bà Yingluck gần như chắc chắn sẽ giành chiến thắng nhờ sự ủng hộ đông đảo của người dân nghèo ở vùng nông thôn phía đông bắc. Họ muốn lập một “Hội đồng Nhân dân” không qua bầu cử để “làm sạch” chính phủ và điều hành đất nước trong một khoảng thời gian 2 năm, điều mà bà Yingluck cho là “vi hiến” và trái luật.

Các nhà phân tích cảnh báo tình trạng bế tắc chính trị hiện nay có thể chỉ được giải quyết bằng một cuộc đảo chính của quân đội hoặc tòa án. Hiện các tướng lĩnh Thái Lan vẫn khẳng định sẽ giữ vững lập trường trung lập và không can thiệp vào cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo Guardian) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN