Thái Lan: Áo đỏ lập đội dân quân chống đảo chính

"Trong trường hợp xấu nhất, bà Yingluck có thể rút về thành lập chính phủ mới ở vùng đông bắc, không phải chạy ra nước ngoài."

Đã hơn một tuần nay Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra không xuất hiện ở thủ đô Bangkok, trong khi khu vực miền bắc nước này đang nóng dần lên khi các thành viên thuộc phe áo đỏ ủng hộ bà Yingluck ngày càng “nóng mặt” hơn với phong trào biểu tình chống chính phủ ở thủ đô.

Hôm qua, bà Yingluck đã trở về quê nhà của mình ở Chiang Mai và được người dân ở đây chào đón vô cùng nồng nhiệt. Hàng trăm người ủng hộ đã tới gặp bà và hối thúc bà kiên quyết chống lại những người biểu tình ở Bangkok đang đòi bà từ chức để cho một chính phủ không qua bầu cử lên nắm quyền.

Thái Lan: Áo đỏ lập đội dân quân chống đảo chính - 1

Thủ tướng Yingluck được người dân quê nhà chào đón nhiệt liệt

Bà Yingluck đã rưng rưng nước mắt trước tình cảm của người dân quê nhà, nơi được coi là căn cứ địa của bà và anh trai Thaksin Shinawatra, vị cựu Thủ tướng đã thực hiện nhiều chính sách dân túy có lợi cho dân nghèo trước khi bị quân đội lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006.

Trong khi đó, ở những khu vực khác tại phía bắc, phong trào ủng hộ bà Yingluck trở nên sôi sục hơn khi rất nhiều người đang chuẩn bị thành lập những đội dân quân vũ trang để chống lại bất cứ cuộc nổi dậy đòi lật đổ chính phủ nào.

Ông Suporn Uttawong, một thành viên lãnh đạo của phong trào “áo đỏ” tuyên bố: “Chúng tôi dự kiến hàng chục ngàn người sẽ đăng ký gia nhập vào lực lượng dân quân này.”

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Suporn tuyên bố ông sẽ tuyển mộ khoảng 200.000 tình nguyện viên trên khắp vùng đông bắc Thái Lan, bắt đầu từ thành phố Maha Sarakham. Ông nói: “Nếu một ngày nào đó phải chiến đấu và hy sinh mạng sống, chugs tôi cũng sẽ chấp nhận. Chúng tôi không muốn bất cứ một cuộc đảo chính nào xảy ra.”

Ông Suporn cho biết những người tình nguyện đăng ký sẽ được huấn luyện về các chiến thuật quân sự như cách phong tỏa các tuyến đường trọng yếu tới khu vực đông bắc và sẵn sàng thành lập một khu vực ly khai tại đây.

Ông giải thích: “Trong tình huống xấu nhất, Thủ tướng Yingluck có thể rút về đây và thành lập một chính phủ mới với chúng tôi. Bà không phải đi tị nạn ở bất cứ đâu cả.”

Ở một mức độ nào đó, kế hoạch đầy táo bạo của ông Suporn có vẻ như chỉ thể hiện nỗi giận dữ tức thời của một bộ phận không nhỏ người dân Thái Lan hơn là một chiến lược mang tính lâu dài.

Trước đó, quân đội Thái Lan đã nhiều lần khẳng định rằng họ sẽ đứng ngoài cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay của đất nước nếu như bạo lực không vượt khỏi tầm kiểm soát và leo thang đến mức như những gì đã xảy ra ở Ukraine hay Venezuela.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình hôm thứ Hai, Tư lệnh quân đội Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã hối thúc các bên tuân thủ hiến pháp và kêu goi phe đối lập đàm phán và thương lượng với chính phủ để giảm bớt căng thẳng.

Một số kênh thương lượng giữa chính phủ và phe biểu tình đã bắt đầu được mở ra. Hôm qua, lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban đã đề nghị gặp gỡ bà Yingluck để bàn về tình thế bế tắc hiện nay. Bà Yingluck đã chấp thuận đề nghị này với điều kiện người biểu tình phải chấm dứt phong tỏa các tuyến phố và cho phép cuộc tổng tuyển cử được tiếp tục.

Thái Lan: Áo đỏ lập đội dân quân chống đảo chính - 2

Cảnh đấu súng xảy ra như cơm bữa trên đường phố Bangkok

Tuy nhiên cũng có dấu hiệu cho thấy các bên ở Thái Lan đang thể hiện một lập trường ngày càng cứng rắn trong cuộc xung đột. Tiếng súng không ngừng vang lên trên đường phố Bangkok, và ngày càng nhiều nhân vật bí ẩn mặc áo chống đạn, đội mũ len trùm kín đầu với những khẩu súng được ngụy trang trong bao tải, túi giấy xuất hiện trên đường phố để yểm trợ cho người biểu tình.

Điều này đã khiến báo chí Thái Lan phỏng đoán rằng các thành viên của quân đội đang tìm cách bảo vệ người biểu tình trước cảnh sát và lực lượng dân quân thuộc phe áo đỏ. Suy đoán này càng được củng cố khi cảnh sát Bangkok đã bắt giữ hai lính biệt kích của quân đội vào hôm thứ Tư ở gần một địa điểm biểu tình.

Hai lính biệt kích hải quân SEAL này bị cảnh sát dừng xe tại một chốt kiểm soát, và cảnh sát phát hiện trong xe của họ có cả súng, đạn và giấy chứng minh ghi rõ rằng họ là những người bảo vệ biểu tình.

Trong khi đó, khoảng 300 người thuộc phe áo đỏ cũng đã xuất hiện ở thủ đô Bangkok để phong tỏa trụ sở của Ủy ban Chống Tham nhũng Quốc gia, khi cơ quan này triệu tập bà Yingluck đến để nghe cáo trạng về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong chương trình trợ giá gạo của chính phủ. Bà Yingluck đã bác bỏ cáo buộc này, tuy nhiên nếu bị phán quyết là có tội, bà Yingluck có thể mất chức và bị cấm hoạt động chính trị 5 năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo Reuters) ([Tên nguồn])
Biểu tình bạo lực ở Thái Lan Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN