Thạc sĩ vẫn thất nghiệp: Chuyên gia lý giải

“Nhiều người cứ nghĩ có bằng thạc sĩ, tiến sĩ thì xin việc ở đâu ai cũng nhận. Đó là tư tưởng hoàn toàn sai lầm. Trên thực tế, nhiều cơ quan Nhà nước, công ty cần những người có đủ kinh nghiệm, trình độ năng lực, chứ không cần bằng cấp cao”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nói.

Lý giải thạc sĩ có bằng giỏi nhưng vẫn thất nghiệp, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, việc đào tạo thạc sĩ của nhiều trường đại học còn nhiều bất cập. Trong khi đó, người học thạc sĩ mới chỉ chú trọng vào việc nâng cao kiến thức mà quên đi việc rèn luyện các kỹ năng làm việc, vốn được đánh giá rất cao trong môi trường công sở hiện nay.

Nhu cầu học thạc sĩ “tăng vọt”

Mỗi năm, cả nước có hàng chục ngàn thạc sĩ được đào tạo ra trường, trong số đó có không ít người có bằng thạc sĩ nhưng vẫn thất nghiệp. Việc này xuất phát từ tình trạng các trường xin mở ngành đào tạo thạc sĩ một cách tràn lan, chưa chú trọng đến kỹ năng chuyên môn.

Mỗi năm, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM xin chỉ tiêu tuyển khoảng 550 học viên cho 22 chuyên ngành đào tạo bậc thạc sĩ. Cô Trần Thị Mai, Chủ nhiệm Phòng Sau đại học của trường cho hay, hiện nhu cầu học lên thạc sĩ của các cử nhân sau khi tốt nghiệp là rất lớn. Số lượng đăng ký dự thi vào bậc học này đều tăng qua các năm. Có nhiều ngành, tỷ lệ chọi của thí sinh không thua gì các kỳ thi đại học. Điều này xuất phát từ nhu cầu nâng cao tri thức, kỹ năng và năng lực chuyên môn của người học, từ yêu cầu của nhà tuyển dụng…

Theo cô Mai, quy định hiện nay về học lên trình độ thạc sĩ cũng khá đơn giản. Sau khi tốt nghiệp đại học, học viên có nhu cầu làm hồ sơ đăng ký thi lên cao học theo đúng chuyên ngành mình đã học, trường sẽ mở một số lớp ôn thi để bổ sung lại kiến thức cho học viên. Ngoài hai môn thi cơ bản và chuyên ngành, học viên chỉ phải thi thêm môn thi ngoại ngữ. Học phí cho mỗi năm học dao động trong khoảng trên dưới 10 triệu đồng/năm học, tùy ngành và trường đào tạo. Mỗi khóa đào tạo thạc sĩ cũng từ 2 đến 3 năm.

PGS-TS Đặng Xuân Thư, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, hiện nay, nhu cầu học thạc sĩ lớn nên mỗi năm trường xin chỉ tiêu đào tạo khoảng 1.300 đến 1.400 thạc sĩ. Năm 2012, trường đăng kí với Bộ GD-ĐT xin 1.400 chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ.

“Năm 2012, trường đăng kí hơn 1.000 chỉ tiêu nhưng nhu cầu của người học cao học vẫn vượt con số này. Sau kỳ thi trường tuyển được 70% chỉ tiêu, nhưng trong số đó có tới 30% học viên là sinh viên mới ra trường”, PGS-TS Thư nói.

Cũng theo PGS Thư, những năm gần đây, số sinh viên mới tốt nghiệp đại học có nhu cầu học thạc sĩ tăng cao bởi sau khi tốt nghiệp cử nhân xong, sinh viên chưa tìm được việc làm nên họ muốn học lên cao học. Đồng thời, họ cũng muốn nâng cao bằng cấp, vừa tranh thủ thời gian chưa tìm được việc để đi học.

Thạc sĩ vẫn thất nghiệp: Chuyên gia lý giải - 1

Mỗi năm, cả nước có hàng chục ngàn thạc sĩ tốt nghiệp

Cử nhân “ngộ nhận” khi học lên thạc sĩ

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho hay, ở mọi hoàn cảnh, người dân có nhu cầu học lên thạc sĩ là một việc tốt. Tuy nhiên, hiện có nhiều cử nhân “ngộ nhận” khi đi học thạc sĩ.

“Nhiều người cứ nghĩ có bằng thạc sĩ, tiến sĩ thì xin việc ở đâu ai cũng nhận. Đó là tư tưởng hoàn toàn sai lầm. Trên thực tế, hiện nay nhiều cơ quan Nhà nước, công ty cần những người có đủ kinh nghiệm, trình độ năng lực để giải quyết công việc chứ không cần bằng cấp cao”, TS Lâm nói.

TS Lâm cho hay, hiện nay nhiều sinh viên khi mới ra trường đang bị nhầm lẫn việc học thạc sĩ và kỹ năng thực hành nghề. Những người có việc làm ổn định rồi học thạc sĩ học lên cao để nghiên cứu sâu về những gì mình đã biết và làm tốt hơn những việc mình đang làm. Còn sinh viên mới tốt nghiệp lại thiếu kỹ năng thực hành nghề. Họ không tìm hiểu xem hiện nay nhà tuyển dụng cần bằng cấp hay hiệu quả công việc. Sinh viên thất nghiệp mà đi học thạc sĩ thì hướng đi này không phù hợp, lãng phí tiền bạc, lại không hiệu quả.

Hiện nay, có một số tỉnh, thành phố lấy bằng thạc sĩ để “chiêu mộ” nhân tài, nhưng chưa thực sự hiệu quả. Nếu muốn hút được nhân tài thì cơ quan, công ty phải đặt ra được mục tiêu người được tuyển dụng phải làm được việc, đem lại hiệu quả gì cho cơ quan mình. Không phải cứ có bằng thạc sĩ là cơ quan nhà nước, công ty nhận vào làm. Điều này bản thân người lao động cũng phải định hướng lại, nhìn nhận lại, không thể cứ chạy theo bằng cấp mãi được. Họ phải xem kiến thức, năng lực, sở trường của mình đến đâu để khoe ra với nơi tuyển dụng thì mới hy vọng có việc làm.

“Ở trường trung học phổ thông tôi đang quản lý, có người có bằng tiến sĩ nộp hồ sơ xin việc làm tôi cũng không vì có bằng cấp cao mà nhận ngay. Tôi phải đưa họ vào trường dạy thử xem thế nào, nếu làm tốt thì tôi mới nhận”, TS Lâm kể.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết: Mỗi năm, thành phố tuyển dụng khoảng 270.000 lao động. Trong đó, chỉ 1 đến 1,3% là nhu cầu lao động có trình độ thạc sĩ. Nguyên nhân này xuất phát từ việc các doanh nghiệp ở nước ta đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, không có nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ sau đại học. Những lao động này chủ yếu tập trung trong các trường đại học, các cơ quan nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học…

Giải thích nguyên nhân tại sao thạc sĩ tốt nghiệp loại giỏi vẫn thất nghiệp sau khi ra trường, ông Tuấn cho rằng, việc này xuất phát từ tình trạng số lượng người đăng ký học lên trình độ thạc sĩ ngày càng “trẻ hóa”, chủ yếu là lớp sinh viên vừa tốt nghiệp cử nhân, ngay sau khi ra trường là đã học lên ngay. Những học viên này, hầu hết chỉ chú trọng vào việc nâng cao kiến thức mà quên đi việc rèn luyện các kỹ năng làm việc, vốn được đánh giá rất cao trong môi trường công sở hiện nay.

Một nguyên nhân nữa đó là, thạc sĩ tốt nghiệp loại giỏi thường có tâm lý tự kiêu, chỉ muốn làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp có mức thu nhập cao hay ở các thành phố lớn, trong khi nhu cầu nhân lực tại những nơi này thường rất ít, dẫn tới tình trạng thất nghiệp ngày càng nhiều.

Ông Tuấn cho biết thêm, việc đào tạo trình độ thạc sĩ ở nước ta cũng vẫn còn nhiều bất cập, chỉ chú trọng vào giảng dạy lý thuyết chứ ít có các kỹ năng chuyên môn, kỹ năng làm việc. Việc đào tạo thạc sĩ cũng hết sức tràn lan, có nhiều ngành đào tạo không phù hợp với thực tiễn nhu cầu lao động của nước ta, điều này đã gây lãng phí không nhỏ đến ngân sách nhà nước cũng như tiền của của nhân dân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Nguyễn - Minh Nghĩa ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN