Thạc sĩ gác bằng về quê làm ruộng

Tốt nghiệp thạc sĩ loại giỏi nhưng nhiều bạn trẻ ở Hà Nội và TP.HCM vẫn phải ngậm ngùi chấp nhận một công việc có mức lương thấp dưới mức kỳ vọng, thậm chí có người về quê làm ruộng…

LTS: Nhiều ngày nay, câu chuyện về Thạc sĩ Phan Thị Nhung, quê ở Đà Nẵng có bằng cử nhân và thạc sĩ loại giỏi nhưng phải đi làm công nhân đã khiến nghiều người suy nghĩ. Tại buổi tiếp xúc cử tri gần đây, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Nguyễn Bá Thanh đã bút phê vào hồ sơ của trường hợp này chuyển cơ quan chức năng xem xét.

Câu chuyện trên cho thấy thực trạng, dù có bằng cấp cao nhưng không ít bạn trẻ vẫn thất nghiệp. Qua loạt bài viết này, chúng tôi gặp nhiều thạc sĩ nghe họ chia sẻ về tương lai, khó khăn đi xin việc; tìm hiểu thực tế đào tạo thạc sĩ và ghi nhận ý kiến của các nhà tuyển dụng.

Ngậm ngùi về quê làm ruộng

Anh Lê Văn H ở huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An tỏ vẻ khá ngại ngần khi nói về hoàn cảnh thất nghiệp của bản thân. Tốt nghiệp thạc sĩ đã gần 1 năm nay, nhưng anh H. vẫn chưa tìm được công việc thích hợp.

Anh H cho biết: “Cầm cự trên đó (Sài Gòn) chịu hết nổi rồi. Ở quê, nhà lại đang mùa thu hoạch đồ hàng bông nên tôi về phụ một tay. Hàng xóm thấy vậy cứ hỏi thăm tôi hoài. Tôi đành nói thiệt cho mọi người biết về việc đang thất nghiệp. Đa số đều an ủi, động viên nhưng tôi tin có vài người cười thầm với suy nghĩ “Thạc sĩ mà giờ về quê làm ruộng”. Giờ, tôi sẽ ở quê cho đến khi tìm được công việc thích hợp. Khi hết mùa vụ mà vẫn chưa tìm được việc thì chắc tính đường xin vô xí nghiệp làm công nhân thời vụ”.

Anh H tâm sự, sau khi tốt nghiệp ngành Đông phương học của một trường dân lập tại TP. HCM, thấy bạn bè đăng ký học lên cao học rất nhiều nên mình cũng đăng ký học theo vì ngành học của anh không dễ gì xin được việc làm với bằng cử nhân. Sau khi học xong, anh H mong ước được giữ lại trường làm giảng viên. Tuy nhiên, giấc mơ của anh H tan biến khi năm anh tốt nghiệp cao học nhà trường không có chỉ tiêu tuyển dụng ngành này.

“Khăn gói về quê mà lòng tôi buồn rười rượi. Giờ chỉ mong là mọi việc có thể thuận lợi hơn, chứ lớn từng tuổi này rồi mà không thể phụ giúp gia đình về mặt tài chính tôi thấy ái náy lắm. Chưa kể, gia đình đang phải lao động cực lực để có đủ tiền trả lãi cho số nợ đã vay cho tôi ăn học. Công việc ruộng đồng cũng vất vả quá, không biết ráng được tới bao giờ”, anh H bộc bạch.

Thạc sĩ gác bằng về quê làm ruộng - 1

Dù có bằng thạc sĩ nhưng nhiều bạn trẻ vẫn phải chấp nhận làm công việc với mức lương bèo bọt, thậm chí là về quê làm ruộng (ảnh minh họa, nguồn: Báo Tiền Phong)

Cũng giống như anh H, chị Nguyễn Thị X, ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội mừng thầm ngày cầm tấm bằng thạc sĩ trên tay. Chị X kể: “Sau khi có tấm bằng thạc sĩ, tháng 7/2013 tôi đã nộp hồ sơ vào một số trường phổ thông trên địa bàn huyện Phúc Thọ nhưng lãnh đạo các trường đều lắc đầu từ chối và đưa ra lý do là trường đã đủ chỉ tiêu cho năm nay. Trường nói tôi để lại hồ sơ khi nào có chỉ tiêu mới họ sẽ gọi”.

Chị X học chuyên ngành Sư phạm Sinh học ở trường đại học ở tỉnh Thái Nguyên. Gia đình vốn làm nông nghiệp, do vậy mà trong thời gian sau khi ra trường ở nhà ngóng việc, chị X nghe người dân “đồn thổi” đi xin việc làm ở cơ quan Nhà nước phải mất tới vài trăm triệu đồng. Chị X đã khá lo sợ cho công việc trong tương lai của mình.

“Lúc đầu tôi cứ nghĩ đi học thạc sĩ ra trường sẽ dễ dàng xin được việc hơn. Nhưng nào ngờ, nhiều bạn cùng lớp ra trường cùng với tôi cũng thất nghiệp nhiều hoặc tìm được công việc không như ý muốn. Nếu tôi biết trước học rồi mà khó xin việc đến vậy thì chắc tôi cũng không đăng kí đi học. Đi học vừa tốn tiền của bố mẹ lại vừa khó xin việc”, chị X chia sẻ.

Chị X cho biết, thời gian ở nhà chờ việc, do có nhiều phụ huynh ờ gần nhà nhờ chị dạy kèm môn Sinh học nên chị đã nhận lời phụ đạo thêm cho các em học sinh. Hàng ngày, chị mở lớp dạy tại nhà, kèm cặp hơn 10 em học sinh cấp 3. Thu nhập của chị X mỗi tháng từ dạy thêm khoảng 2 triệu đồng. Ngoài những lúc giảng dạy, thời gian rảnh rỗi X lại phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng và việc nấu nướng hàng ngày.

Bằng thạc sĩ lương vẫn thấp

Gặp Nguyễn Thị M.A, vào giờ nghỉ trưa tại một văn phòng nhỏ hẹp của công ty tư vấn tâm lý ở TP.HCM. Cô gái 26 tuổi, quê ở huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa trông có vẻ già dặn so với tuổi.

M.A tốt nghiệp thạc sĩ vào tháng 8/2012, chuyên ngành Xã hội học, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Ra trường M.A háo hức đi xin việc thế nhưng mọi việc lại không như cô nghĩ.

M.A kể lại: “Tôi tốt nghiệp đại học loại giỏi. Sau khi nhận bằng cử nhân, tôi mang bằng đi xin việc ở khắp nơi, từ cơ quan nhà nước đến doanh nghiệp tư nhân và cả các tổ chức phi chính phủ, nhưng mọi cố gắng đều bất thành. Lý do duy nhất là không có kinh nghiệm. Biết đặc thù của chuyên ngành mình kén việc, nên sau 3 tháng rong ruổi nộp hồ sơ, tôi quyết định ôn thi cao học. Cứ nghĩ là khi có tấm bằng thạc sĩ thì xin việc sẽ dễ dàng hơn nhưng mọi việc cũng chẳng khả quan mấy”.

5 tháng sau ngày nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp cao học tạm thời, M.A vừa đi nộp đơn xin việc làm. Công việc thu ngân mà M.A may mắn xin được lại trái với ngành học, mức lương chỉ 2 đến 3 triệu đồng không đủ chi tiêu trong cuộc sống.

Không những vậy, trong quá trình tìm việc, M.A cũng chịu nhiều áp lực khi bị những người xung quanh soi xét. Cô tâm sự: “Nhiều người thấy tôi tốt nghiệp thạc sĩ rồi mà vẫn chưa có việc làm ổn định nên hay bàn tán. Những lúc đó, tôi chỉ biết im lặng mà cố gắng tìm việc. Cũng may, sau khi bỏ công việc thu ngân, tôi được công ty hiện tại mời về làm tư vấn viên. Tương lai, nếu có việc tốt hơn, chắc tôi sẽ nhảy việc”.

Cũng học xong và có tấm bằng thạc sĩ trên tay nhưng chị Q, sinh năm 1986, quê ở TP. Hải Phòng lại khá chật vật khi tìm việc làm. Học xong khoa Chính trị  quốc tế và Ngoại giao Việt Nam của một trường Đại học ở Hà Nội nhưng Q cũng không xin được việc làm.

Năm 2011, sau khi có tấm bằng thạc sĩ trên tay, Q cũng nghĩ sẽ dễ dàng xin việc vào cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, Q cũng không ngờ khi mang hồ sơ vào nộp vào Bộ Ngoại giao Q đều bị từ chối với nhiều lý do khác nhau.

“Nếu học xong ra làm đúng chuyên ngành tôi phải xin được công việc ở bên Bộ Ngoại giao. Nhưng đằng này không xin được việc tôi phải chấp nhận đi làm trái ngành, mức lương thu nhập khoảng 3 đến 4 triệu/1 tháng, không đủ lo cho sinh hoạt cho gia đình. Tấm bằng thạc sĩ của tôi khi đi xin việc ở các công ty tư nhân không có giá trị bởi họ chỉ trả lương theo năng lực làm việc”, chị Q kể.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Nguyễn- Minh Vương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN